CHUYỆN TÌNH DỤC 'DỄ ĐÙA, KHÓ NÓI'
 Khảo sát mới nói người Việt thích đùa về tình dục nhưng lại ngại không muốn nói chuyện nghiêm túc về đề tài này.
Kết quả một nghiên cứu về Tình dục của Viện nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam mới được công bố nói trong một xã hội còn nhiều định kiến về giới tính và sex, việc thiếu bàn thảo nghiêm túc về đề tài này đã dẫn đến những hệ lụy nhất định.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng tác giả công trình cho biết bằng việc xem xét các mối quan hệ tình dục khác nhau như trước hôn nhân, trong hôn nhân, ngoài hôn nhân và cả tình dục đồng giới, cũng như xem xét vấn đề giáo dục giới tính, đã cho thấy việc không được thảo luận cởi mở và nghiêm túc trong nhiều năm đã khiến kiến thức tình dục tại Việt Nam khá nghèo nàn và thiên lệch.
Định kiến sâu nặng
Một phát hiện chính nữa của khảo sát này là tình trạng định kiến giới vẫn còn rất sâu nặng, dẫn tới định hình rất nhiều quan niệm sai lầm về tình dục của phụ nữ và nam giới do đó hạn chế đời sống tình dục của cả phụ nữ lẫn nam giới tại Việt Nam.
Quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với nam giới là bình thường nhưng nếu lấy vợ mà đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân thì tất cả các bạn đều không thích (MC Hồng Hạnh)
Với sự tham gia của 245 người thuộc bốn thế hệ, từ 15-65 tuổi, đủ thành phần xã hội khác nhau, đây là khảo sát đầu tiên có tính xã hội về tình dục được thực hiện tại Việt Nam, với mục đích tìm hiểu quan niệm, thái độ và hành vi tình dục của người Việt trong vòng nửa thế kỷ qua.
Việc thu thập dữ liệu được thực hiện tại Hà Nội, tp HCM, Cần Thơ và Hà Tây cũ, từ năm 2004-2007 và sau 2 năm phân tích dữ liệu, các tác giả đã cho công bố kết quả, và đồng thời xuất bản cuốn sách mang tên "Tình dục trong xã hội Việt Nam hiện đại: Chuyện dễ đùa - khó nói".
 (Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng tác giả của nghiên cứu Tình dục, Chuyện dễ đùa khó nói)
Tình trạng bất bình đẳng giới về tình dục phản ánh quan niệm không chỉ của người thế hệ trung niên mà cả ở giới trẻ, qua nhiều ý kiến tham gia chương trình gọi điện thoại trực tiếp trên sóng phát thanh về phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế, chương trình "60 Phút Bạn và Tôi", đang được thực hiện tại 15 tỉnh.
Hồng Hạnh, một MC 22 tuổi ở đài Hà Nội kênh 2 (Hà Tây cũ), cho biết các bạn nữ tham gia chương trình có quan niệm “thoáng” về quan hệ tình dục trước hôn nhân hay về trinh tiết vẫn là không nhiều.
“Trong khi các bạn nam gọi điện thoại tới thì đều nghĩ rằng việc có quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với nam giới là bình thường nhưng nếu lấy vợ mà đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân thì tất cả các bạn đều không thích,” Hồng Hạnh nói, và kết luận thêm “Nghe có vẻ rất ích kỷ!”.
Có lẽ tại Việt Nam, nói về tình dục bị coi là không đứng đắn, nên đề tài này đã trở thành chuyện dễ đùa khó nói. Ngay chính cha mẹ khi muốn nói với con cái về đề tài này cũng ít người dám nói trực tiếp mà phải dùng nhiều hình thức gián tiếp khác nhau.
Vĩnh, một thanh niên Huế, kể, ba mẹ thường đùa “nếu vợ nó mà có bầu trước khi cưới thì ... nó què giò” hay “tới khi cưới mà đã có bầu thì không cho vào nhà, không cho lại bàn thờ, hoặc phải đi lui ra sau chuồng heo v.v.”, và câu nói đùa chính là một cách “báo động” và bày tỏ quan niệm của cha mẹ với con cái về đề tài này.
Còn chính các bậc cha mẹ thì ngay cả những người có quan điểm phải cởi mở với con cái về vấn đề tình dục thì vẫn phần nào dè dặt và tìm cách “nói” gián tiếp như chị Hoa, một bà mẹ có hai con ở Hà Nội đã làm.
“Cách mình nói chuyện với con gái về vấn đề này đó là mình đã viết một bức thư và dặn con đọc thư đó khi lên máy bay trên đường bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà,” chị Hoa kể.
“Trong thư mình dặn cháu rất nhiều điều, trong đó có chuyện quan hệ tình dục. Mình phân tích cho cháu hiểu tình yêu là gì, tình dục là gì và nếu người ta không làm chủ được trong các quan hệ tình dục thì sẽ có những hậu quả như thế nào,” chị Hoa cho biết thêm.
Việc nói về tình dục tại Việt Nam vẫn gần như một đề tài cấm kỵ vì vậy chuyện tình dục được biến thành chuyện đùa để phần nào biến đề tài cấm kỵ và tế nhị đó thành dễ nói hơn, để vượt qua quan niệm Nho giáo khắc kỷ cũng như những tuyên truyền khô cứng một thời vẫn phần nào đè nặng lối suy nghĩ của ít nhất 2 thế hệ (trước/trong và sau chiến tranh) tại Việt Nam.
Các tác giả nghiên cứu hy vọng nó sẽ giúp thay đổi nhận thức về tình dục tại Việt Nam và "đã tới lúc phải học cách nói nghiêm túc" về đề tài này.
Hà Mi
(BBCVietnamese)
|