MẸ
 Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời với tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không thể lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn.
Ngày mẹ mất là "Tai nạn lớn nhất xảy ra trong đời!". Lớn cách mấy mà mất mẹ, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì kẻ mồ côi .
Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ thấy hay. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có.
Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ vừa giản dị, vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở "Khổ chưa, con tôi", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau .
Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; những chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" . Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thuơng yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu, vì mẹ là gốc của tình thương… chỉ cần nghe đến danh từ "mẹ" là ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi.
(Nhớ Ngày Mẹ Sinh)
nhc (lược ý từ tác phẩm Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh)
|