Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
BỐN BÀI GIÁO LÝ VỀ GIA ĐÌNH
ĐỂ CHUẨN BỊ NGÀY GIA ĐÌNH SỐNG ĐƯC TIN VỚI MẸ LAVANG
Ngày 14 - 15/08/2013
 
Gia đình là trung tâm của Kế hoạch Sáng Thế.

Gia đình Nadaret là khởi điểm của Kế hoạch Cứu Thế.

Năm Đức Tin mời gọi các kitô hữu nhìn lại gia đình mình trong ánh sáng đức tin
. Khi nhìn lại, chúng ta khám phá ra sự thật này, là: Gia đình Kitô hữu cũng là một Cánh Cửa Đức Tin, nghĩa là một chứng từ, một nơi giới thiệu Thiên Chúa, loan báo Chúa Giêsu Kitô cho mọi người. Đối tượng của việc loan báo ấy trước hết cũng chính là đôi vợ chồng, con cái của họ, những người thân thuộc và bằng hữu, rồi đến xã hội, nhưng công cuộc ấy luôn được thực hiện ở trong và cùng với Giáo hội, là Mẹ và là Thầy. Vì thế,

Nội dung của tập tài liệu này được trải ra với bốn bài suy tư sau đây:

Bài 1: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho đôi vợ chồng.

Bài 2: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho con cái.

Bài 3: Gia đình Kitô: Cánh cửa đức tin cho xã hội.

Bài 4: Gia đình Kitô sống Đức tin trong lòng Giáo hội.

Ba bài đầu tiên đưa gia đình trở lại với kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, khi Ngài tạo dựng con người có nam có nữ với sứ mạng trở nên hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, trao ban sự sống và làm chủ trái đất (x. St 1,26-28).

Bài thứ tư nêu lên mối tương quan giữa gia đình và cộng đoàn Giáo Hội, cho thấy nhờ đâu mà gia đình có thể trở thành một cánh cửa đức tin.

Giáo huấn của Hội thánh từ Công đồng Vatican II luôn xác định bản chất truyền giáo của Gia đình: Gia đình không chỉ là đối tượng mà còn chính là chủ thể của công cuộc Loan báo Tin Mừng, một "Giáo hội thu nhỏ / Giáo hội tại gia".

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XIII, họp tại Rôma, trong tháng 10 năm 2012 vừa qua cũng xác nhận  như sau:

"Tuy có những khác biệt về hoàn cảnh địa lý, văn hóa và xã hội, tất cả các Giám mục tại Thượng Hội Đồng Giám Mục đếu khẳng định vai trò thiết yếu của gia đình trong việc thông truyền đức tin.

Việc Tân Phúc âm hóa là điều không thể có được, nếu không nhìn nhận một trách nhiệm trong việc loan báo Tin mừng cho các gia đình và nếu không nâng đỡ các gia đình trong trách vụ giáo dục."

(Sứ điệp THĐGM XIII, 7)

Tài liệu này ước mong góp phần nhỏ vào việc xây dựng và nuôi dưỡng ý thức cho các gia đình về sứ mạng làm chứng đức tin và loan báo Chúa Kitô của mình.

Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Mẹ La vang, Nữ Vương của Công Cuộc Tân Phúc Âm Hóa đồng hành với các gia đình công giáo Việt Nam trong nỗ lực làm chứng Đức Tin trên Quê Hương.

Nhóm soạn thảo

------
Bài 1:
GIA ĐÌNH KITÔ: CÁNH CỬA ĐỨC TIN CHO ĐÔI VỢ CHỒNG
Chúng tôi sống đời hôn nhân trong niềm tin vào Thiên Chúa

·      
Thánh ca

·      
Lời Chúa trong Sách Sáng Thế  (1,26-28 ; 2,18-24)

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1, 27)

ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: «Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó».  ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: «Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra». Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

·      
Kinh Lạy Cha

·      
Mở đầu:

 Nhớ lại ngày đôi bạn đưa nhau đến nhà thờ và những ân huệ Chúa đã ban cho gia đình mình.

1.   
 Niềm tin đưa chúng tôi đến kết hôn tại Nhà thờ
        Nhà Thờ là Nhà Thiên Chúa, Nhà Cha chúng tôi

·      
Đó là nơi chúng tôi được Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần, nhận làm con nuôi dưỡng và thêm sức, trong bí tích Thánh Tẩy, Thánh Thể và Thêm Sức.

·      
Đó là nơi chúng tôi năng lui tới và qui tụ, cử hành Phụng vụ Thánh lễ và các Bí tích để thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi và gặp gỡ nhau trong Gia đình Thiên Chúa, những ngày Chúa Nhật và ngày trong tuần.

·      
Đó là nơi chúng tôi họp nhau để tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện trong các biến cố lớn trong cuộc đời của mình và của gia đình: sinh ra, lớn lên, kết hôn, những sự kiện vui buồn và cuối cùng khi từ giã cõi đời này để về nhà Cha trên trời.

2. Chúng tôi tin rằng Hôn nhân là công trình sáng tạo của Thiên Chúa

·      
Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, là nam là nữ, trở nên "một xương một thịt", kết hợp hai con người thành vợ chồng trong một gia đình (x. St 2,21-24).

·      
Đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, chúng tôi kết ước với nhau, cam kết sống yêu thương tôn trọng lẫn nhau, theo kế hoạch của Ngài khi tạo dựng trời đất: trở nên hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, sinh con cái và làm chủ trái đất. (x. St 1,26-30).

·      
Chúng tôi tin rằng: Hôn Nhân là một Hồng Ân lớn lao Thiên Chúa ban tặng cho con người trong cuộc sống trần gian: đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, chúng tôi được mời gọi sống với nhau và cho nhau để xây dựng một mái ấm yêu thương cho nhiều người.

·      
Chúng tôi không chỉ kết ước với nhau, mà  còn kết ước với chính Thiên Chúa, tin rằng cuộc sống hôn nhân và gia đình của mình nằm trong Ý định Yêu thương của Ngài. Và chúng tôi phó dâng cuộc hôn nhân này cho Thiên Chúa, để Ngài chúc lành và  thánh hóa tình yêu của chúng tôi, chăm sóc cuộc sống vợ chồng và giúp chúng tôi xây dựng gia đình mình hợp với Ý định và Kế hoạch của Người.

3. Chúng tôi làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa

·      
Bước vào đời sống tình yêu trong hôn nhân, chúng tôi được mời gọi phản ánh tình yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hiệp nhất và chí thánh - tức là được mời gọi:

·      
Trở nên một: sống với nhau, nhờ nhau và cho nhau;

·      
Trở nên một Thân mình, một Trí tuệ,  một Tâm hồn với nhau;

·      
Trở nên thánh thiện, như Cha trên trời là Đấng Chí Thánh, nhờ sống với nhau như những môn đệ của Chúa Kitô, như anh em con cùng một Cha trên trời, hiệp thông với Chúa Thánh Thần, hằng nối kết chúng ta với nhau nhờ Lời Chúa và Mình Máu Chúa Giêsu.

·      
Hơn thế nữa, chúng tôi đón nhận hồng ân tình yêu thương vợ chồng với ý nguyện trở nên Bí tích Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, của Chúa Kitô và Hội thánh:

·      
Bằng việc sống yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh, thánh hóa và thanh tẩy, nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh ( x. Ep 5, 23-33).

·      
Bằng chính đời sống của mình, chúng tôi tin rằng mình có sứ mạng  Loan báo Tin mừng về tình yêu, hôn nhân và gia đình: Gia đình kitô hữu hãy là Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba (Đại Hội Gia đình thế giới 2003 tại Philippines).

Giáo huấn của Hội Thánh

(Trích Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio của Chân phước Gioan Phaolô II)

“Gia đình Kitô hữu  được mời gọi trải nghiệm một sự hiệp thông mới mẻ và độc đáo, củng cố cho sự hiệp thông tự nhiên và nhân bản. Thật vậy, ân sủng của Đức Giêsu Kitô, người «Anh Cả của một đàn em đông đúc» (Rm 8,29), theo bản tính và sức năng động nội tại của ơn ấy, là một «ân sủng của tình huynh đệ».

Thánh Thần được đổ tràn xuống trong cử hành các bí tích chính là nguồn cội sống động và lương thực vô tận cho sự hiệp thông siêu nhiên tập hợp và nối kết các tín hữu với Đức Kitô và với nhau trong sự hiệp nhất của Hội thánh Thiên Chúa. Gia đình Kitô hữu là một mạc khải, một sự thực hiện đặc biệt mối hiệp thông này trong Hội thánh. Vì thế, gia đình Kitô hữu còn được gọi và phải được gọi là  “Hội thánh tại gia”
(LG 11; x. AA, 11).
 
Gợi ý để chia sẻ và  thảo luận (xin chọn câu thích hợp )

1.  Nhớ lại ngày thành hôn của mình. Động lực nào đã đưa các anh chị đến kết hôn tại  nhà thờ là Nhà Thiên Chúa, Nhà Cha?  Đến bây giờ  điều gì vẫn còn gắn kết các anh chị với nhau trong đời sống gia đình Kitô hữu?

2.  
Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời sống gia đình. Trong kinh nghiệm đời sống hôn nhân của mình, các anh chị khám phá kế hoạch của Thiên Chúa cho mình như thế nào? Đây có phải là một ơn gọi, một sứ mạng quí báu và quan trọng của anh chị  không? Tại sao?

 3. Vai trò của ĐỨC TIN. Niềm tin vào Chúa Giêsu ảnh hưởng như thế nào trên sống vợ chồng của anh chị?  Có Lời Chúa nào tác động nhiều trên cuộc sống vợ chồng của anh chị? Xin anh chị  kể lại một sự kiện hay một hoàn cảnh cụ thể, trong đó đức tin đã soi sáng hay cứu giúp mình.

Quyết tâm
:

Anh chị chọn việc làm nào để củng cố niềm tin trong đời sống chứng nhân?

·      
Vợ chồng cầu nguyện và đọc Lời Chúa với nhau để tìm cách noi theo gương Chúa Giêsu, như thư Êphêsô 5, 21-33 kêu gọi.

·      
Cùng nhau nhớ lại những ngày đầu trong hôn nhân, và những biến cố/ kỷ niệm khó quên của  hai người, nhất là những khúc ngoặt trong cuộc sống để tạ ơn Chúa.

·      
Cùng với con cái mừng ngày kết hôn của mình, và kể lại cho con cái nghe những hồng ân đức tin đem lại cho gia đình.

·      
Suy nghĩ với nhau về cách làm "dấu chỉ / bí tích" tình yêu. Lắng nghe nhau và luôn luôn thông đạt cho nhau một cách tích cực.

Cầu nguyện kết thúc:

·      
Vài lời nguyện tự phát phù hợp với chủ đề

·      
Kinh của gia đình.

***

Bài 2:
GIA ĐÌNH KITÔ: CÁNH CỬA ĐỨC TIN CHO CON CÁI
Chúng tôi thông truyền đức tin cho con cái

Thánh ca

·      
 Giáo huấn Hội thánh

“Ngay từ lần rao giảng Tin Mừng đầu tiên, việc thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tìm được môi trường tự nhiên là gia đình, trong đó phụ nữ có một vai trò rất đặc biệt, nhưng không vì thế mà hình ảnh và trách nhiệm của người nam bị giảm sút. Trong gia đình, các dấu hiệu đức tin, sự thông truyền những chân lý đầu tiên, việc dạy cách cầu nguyện, chứng tá thành quả của tình yêu đã được ghi đậm vào cuộc sống của thiếu nhi và thiếu niên, trong bối cảnh sự chăm sóc mà mỗi gia đình dành cho việc tăng trưởng của con cái... Tuy có những khác biệt về hoàn cảnh, địa lý, văn hóa và xã hội, tất cả các Giám mục tại Thượng Hội  đồng Giám mục đều tái khẳng định vai trò thiết yếu của gia đình trong việc thông truyền đức tin”. (trích Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới XIII, 7)

·      
Kinh Lạy Cha.

 
1.    Huyền nhiệm Nadaret: Khi Thiên Chúa chọn một gia đình cho Con mình

·      
Chúa Giêsu, Ngôi Lời xuống thế làm người, cần một gia đình để được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên làm người. Vì thế Đức Chúa Cha đã chọn cho Người một gia đình, với người mẹ là Đức Trinh nữ Maria và một người cha nuôi là thánh Giuse. Đây là một gia đình thấm nhuần đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa và với nhau. (x. Lc 1,26-35; Mt 1,18-24).

·      
Chúa Giêsu sống thời gian dài nhất của đời mình, ba mươi năm, để trở thành người dưới sự chăm sóc và dạy dỗ của mẹ cha.

"Cậu Giêsu ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”  (Lc 2,40) .

"Cậu Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta" (Lc 2,52).

* Người lớn lên trong thân xác.

* Người lớn lên trong khôn ngoan, hiểu biết.

* Người lớn lên trong ơn nghĩa với Thiên Chúa và người ta.

·      
"Chúa Giêsu sống trong một gia đình được in dấu ấn truyền thống đạo đức Do thái và sự trung thành giữ Lề Luật". " Hằng năm, cha mẹ Người lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Chúa Giêsu được mười hai tuổi, họ đã đi lên đó theo phong tục của ngày lễ ấy" (Đại Hội Gia đình thế giới VII Milanô 2012, Huyền Nhiệm Nadaret, bài giáo lý số 1).

2.  Cha mẹ là sứ giả đầu tiên của đức tin cho con cái

"
Nhờ ân sủng của bí tích Hôn phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin mừng cho con cái" (GLHTCG, 2225).

Họ là những sứ giả đầu tiên đưa con cái đến niềm tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

·      
Gia đình là nơi tiếp đón sự sống và truyền sinh, có khả năng chuyển thông các hồng ân sự sống con người và thiêng liêng cho con cái, giáo dục con cái nên người, trong một môi trường thấm nhuần tình thương, niềm tin và trông cậy vào Thiên Chúa. Bằng tình thương chăm sóc và tôn trọng sự sống của con cái, cha mẹ thể hiện và bày tỏ tình thương của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, cho con mình cũng là những người con của Thiên Chúa.

·      
Là Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu sống nhờ Lời Chúa và các bí tích, cha mẹ làm chứng về Thiên Chúa cho con cái bằng chính đời sống đức tin thường ngày và nhất là ngày Chúa Nhật. Ngày của Chúa phải là thời gian dành cho Thiên Chúa và cho nhau, ngày nghỉ ngơi để gặp gỡ và chia sẻ, mở rộng cho cộng đoàn và bác ái (x. Huyền nhiệm Nadaret).

·      
Nhận làm Bí tích Tình Yêu của Chúa Kitô và Hội Thánh, cha mẹ làm chứng về Chúa Kitô bằng chính đời sống yêu thương giữa vợ chồng theo gương Chúa Kitô. (x. Ep 5,21-31).
 
3.  Cha mẹ truyền thông đức tin cho con cái như thế nào?

·      
Trong giáo dục đức tin, điều cốt lõi của Tin mừng phải chia sẻ với con cái là gì?

“Điểm cốt yếu của giáo dục đức tin là lời loan báo vui mừng đầy sức sống về Đức Kitô chết và phục sinh vì tội lỗi chúng ta. Những chân lý khác trong bản Tuyên tín của các Tông đồ, các Bí tích và Thập giới đều gắn kết mật thiết với điểm này. Các đức tính thuộc về nhân bản và Kitô giáo là một thành phần của giáo dục đức tin toàn diện”. (Đại Hội Gia Đình Thế giới VI tại Mexico 2009, Bài giáo lý số 1)

·      
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới XIII đề nghị những hình thức cụ thể sau đây:

a. Sử dụng các dấu chỉ biểu lộ lòng tin: bàn thờ và ảnh tượng; hoa đèn; cử chỉ biểu lộ niềm tin: dấu thánh giá, cúi đầu. . .

b. Dạy dỗ những chân lý đầu tiên, căn bản: Thiên Chúa tạo dựng muôn loài; Thiên Chúa là Cha yêu thương; Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người; Mẹ Maria, chúng ta là con cái Chúa.

c. Gương sáng: yêu thương và phục vụ.

d. Cầu nguyện: trước khi ăn, kinh nguyện tối sáng trong gia đình, gia đình đi lễ Chúa nhật; sống các mùa Phụng vụ: mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh, các ngày lễ lớn...

e. Chứng tá cụ thể của tình thương trong cuộc sống của con cái, qua các giai đoạn trưởng thành.
 
Gợi ý để chia sẻ và  thảo luận (xin chọn câu thích hợp)

1.   
Cha mẹ làm chứng và thông truyền đức tin cho con cái.

Ngày nay, các gia đình công giáo chung quanh chúng ta có thật sự quan tâm đến việc thông truyền đức tin cho con cái không? Tại sao? Làm thế nào để giúp cha mẹ quan tâm hơn?

2.   
Thông truyền đức tin cho con cái ở tuổi thiếu nhi và thiếu niên gặp phải những cản trở nào từ:

·      
trong gia đình?

·      
nhà trường?

·      
xã hội?

Có phương cách nào đối phó hay vượt qua những khó khăn này không?

3.   
Phương thế nào thông truyền đức tin cho con cái?

Để thông truyền hữu hiệu đức tin cho con cái, cha mẹ nên chọn lựa thế nào giữa hai giải pháp / thái độ  sau đây:

·      
Dùng uy quyền, ra lệnh và áp đặt, độc thoại, đe dọa Chúa phạt. . .

·      
Dùng sự thuyết phục, cởi mở, lắng nghe, kiên nhẫn cảm thông, đặt mình vào vị trí của con cái còn thiếu hiểu biết và kinh nghiệm.

o  
Cha mẹ còn có thể nhờ ai, dùng những phương thế nào, tài liệu nào để hỗ trợ mình?

Quyết tâm
: (có thể chọn giải pháp theo thứ tự ưu tiên)

1.   
 Tôi sẽ học hỏi thêm Giáo lý Hội thánh Công giáo để hiểu thêm đức tin và hướng dẫn con cái.

2.   
Cách gia đình tôi sống và diễn tả niềm tin trong các sinh hoạt hàng ngày: bàn thờ, giờ cơm, kinh nguyện sáng tối, cách sống ngày Chúa Nhật và các ngày lễ có làm cho con cái được gần gũi với Thiên Chúa không? Tại sao? Có điều gì cần thay đổi?

3.   
Chúng tôi đã sống bí tích Hôn phối như thế nào trong đời sống gia đình, để cho con cái nhìn thấy và nhận được tình thương của Chúa Giêsu? Xem xét lại cách vợ chồng sống với nhau và sống đức tin. Các đoàn thể hay hiệp hội gia đình có thể giúp đỡ như thế nào?

Cầu nguyện kết thúc :

·      
Mời gọi cầu nguyện tự phát phù hợp với chủ đề.

·      
Kinh nguyện của gia đình.
 
Tài liệu đọc thêm

Lối sống Tin mừng trong đời sống gia đình

 1.  Sống điều răn mới. Gia đình Kitô hữu luôn nhìn mọi người theo phẩm giá của họ (là một nhân vị và là con cái Thiên Chúa) đón tiếp, tôn trọng và  phục vụ mọi người.

Điều này trước tiên phải được sống từ bên trong gia đình và nhờ đôi vợ chồng, nhờ nỗ lực dấn thân hằng ngày nhằm thăng tiến một cộng đoàn các nhân vị đích thực, đặt nền tảng và được nuôi dưỡng bởi sự hiệp thông bên trong của tình yêu.

Kế đến, điều này phải được phát triển trong cộng đoàn Giáo hội, là nơi gia đình Kitô hữu hội nhập vào: nhờ đức ái của gia đình, Giáo hội có thể và phải mặc lấy chiều kích gia đình hơn, thân thiết hơn, sống các mối quan hệ cách nhân bản và huynh đệ hơn.

Đức ái đi xa hơn biên giới 'anh em trong đức tin', bởi vì “mọi người là anh em tôi”. Đức ái biết khám phá ra gương mặt của Chúa Kitô nơi mỗi người, nhất là người nghèo hèn, yếu đuối, đau khổ và bị đối xử bất công để yêu thương và phục vụ.

2. Để gia đình phục vụ con người theo phong cách Tin mừng
, cần chăm chút thực hiện những gì Công đồng Vaticanô II viết:

“Để việc thực thi bác ái đó vượt lên trên mọi nghi ngờ và biểu lộ được là bác ái đích thực, cần phải nhìn thấy nơi tha nhân hình ảnh của Thiên Chúa, vì họ đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài, và khi ta giúp cho người túng thiếu điều gì thì cũng là giúp cho chính Chúa Kitô điều ấy”  (x. LG,36).

***

Bài 3:
GIA ĐÌNH KITÔ: CÁNH CỬA ĐỨC TIN CHO XÃ HỘI
Chúng tôi làm chứng cho thế giới Tin Mừng Tình Yêu và Sự Sống
 
·       Thánh ca
·       Lời Chúa:
Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Mt 28,19-20)
·       Kinh Lạy Cha
 
Đặt vấn đề:

      Trong một thế giới ngày càng xa lánh Thiên Chúa, gia đình làm thế nào để con người  đón nhận được Tin mừng cứu độ?

Mở đầu

 Chân phước Gioan Phaolô II nói:

·      
“Công cuộc Loan báo Tin mừng trong tương lai tùy thuộc một phần ở  Giáo hội tại gia” và,

·      
“Gia đình nằm ở trung tâm công cuộc Tân Phúc âm hóa”.
 
           Gia đình ngày nay thực hiện sứ mạng Loan báo Tin mừng trước tiên bằng chính đời sống yêu thương và trung thành của vợ chồng, giáo dục con cái và dấn thân xây dựng cuộc sống con người và xã hội.

1.   
"Gia đình Kitô hữu loan báo Tin mừng bằng chính cuộc sống trong Sự thật và Tình yêu theo kế hoạch của Thiên Chúa về gia đình

·      
Khi chúng ta sống với nhau (giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em) bằng một tình yêu diễn tả tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội thánh, làm cho mọi người có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện và  hoạt động nơi gia đình.

·      
Khi chúng ta làm cho mọi người yêu thương nhau, thôi hận thù, tranh chấp, chia rẽ; giúp đỡ người túng thiếu, yếu đau; an ủi người lo âu, sầu khổ; bênh vực những người bị áp bức và bị ghét bỏ.

·      
Khi chúng ta triệt để bảo vệ sự sống và quyền sống của con cái và của mọi  người - từ thai nhi còn trong dạ mẹ đến người già nua, bệnh tật, bơ vơ.

·      
Khi chúng ta quan tâm sống Tin mừng, cầu nguyện và  biết nối kết hài hòa ba hồng ân của Thiên Chúa: gia đình, lao động và ngày Chúa Nhật. Ba yếu tố này thật cần thiết để xây dựng một xã hội xứng hợp với con người (Đức Bênêđictô XVI , Milanô, Thánh lễ ngày 3.6.2012).

2.   
Gia đình giáo dục con cái trở nên những con người chân chính, là người công giáo thánh thiện và là công dân lương hảo, hữu ích cho xã hội

·      
Chúng ta cần  giáo dục con cái trở nên con người đích thật, là hình ảnh của Thiên Chúa, những con người có khả năng chung sống với đồng loại trong yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, sống ngay chính và chân thật, biết mưu ích chung và xây dựng hòa bình.

·      
Xã hội đương thời đang thiếu những giá trị đạo đức căn bản, lãng quên Thiên Chúa và chỉ biết hưởng thụ, tìm kiếm lợi ích cá nhân. "Con cái chúng ta sẽ là thế giới ngày mai", vì thế , chúng cần được dạy dỗ để trở thành môn đệ và chứng nhân của Chúa Kitô, để loan báo Tin mừng cứu độ.

3. Dấn thân xây dựng cuộc sống con người và xã hội phù hợp với  kế hoạch của Thiên Chúa

·      
Sứ mạng của gia đình là “sinh con cái và làm chủ trái đất” (x. St 1, 28), gia đình sẽ là cánh cửa đức tin cho thế giới khi thay mặt Thiên Chúa chăm sóc và quản trị trái  đất phù hợp với kế hoạch của Ngài.

·      
Bằng sức cần lao trí óc và tay chân, gia đình không chỉ mưu sinh cho riêng mình, nhưng còn góp phần dựng xây cuộc sống của nhiều người khác, nhiều gia đình khác.

·      
 Gia đình còn được mời gọi góp phần tổ chức, quản lý tốt đời sống cộng đồng để mọi người hưởng thụ một cuộc sống an toàn, công bằng, văn minh, xứng với phẩm giá của mình, theo ý định yêu thương của Thiên Chúa.

 
Gợi ý để chia sẻ và  thảo luận (xin chọn câu thích hợp )

1. Các gia đình Công giáo có những cơ hội hay phương thế nào để trở nên cánh cửa đức tin cho xã hội? Chúng ta quan tâm đón nhận những cuộc hôn nhân với người tân tòng hay khác đạo như một cơ hội làm chứng cho Chúa  không? Muốn được như vậy, cần phải làm sao?

2. Anh chị có quan tâm đến việc giáo dục con cái thành những kitô hữu chân thật, để làm chứng Chúa Kitô cho bạn học, đồng nghiệp không? Tại sao?

3. Đức Phaolô VI nói: “Thế giới cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Vậy, lối sống của gia đình bạn làm chứng về Chúa Kitô và các giá trị Tin mừng như thế nào? Đã làm được gì và chưa làm được gì?

Cầu nguyện là điều ưu tiên trong gia đình. Bạn đã làm như thế nào?
 
Quyết tâm: (có thể chọn giải pháp theo thứ tự ưu tiên)

1. Chúng tôi phải thường xuyên xem lại cuộc sống gia đình sao cho phù hợp với Tin mừng.

2. Chúng tôi nhắc nhở mọi người trong gia đình ý thức trách nhiệm Loan báo Tin mừng cho hơn 90% đồng bào chưa nhận biết Chúa (bằng cầu nguyện và làm chứng).

3. Tận dụng mọi cơ hội để làm quen và quan tâm đến những người chung quanh mình và thể hiện lòng bác ái.

4. Bạn suy nghĩ gì về các cuộc hôn nhân khác đạo? Bạn có thái độ nào đối với người dự tòng và tân tòng?

Cầu nguyện kết thúc
:

·      
Mời gọi cầu nguyện tự phát phù hợp chủ đề.

·      
Kinh nguyện của gia đình.
 
Tài liệu đọc thêm (Trích Huấn từ của ĐTC Gioan Phaolô II, Đại Hội Gia Đình Thế Giới Manila 2003)
 
"Gia đình Kitô hữu: Tin mừng cho Thiên niên kỷ thứ Ba".

Các gia đình Kitô hữu thân mến, hãy hân hoan công bố cho toàn thế giới kho tàng kỳ diệu mà các con sở hữu trong tư cách là Hội thánh tại gia! Hỡi các gia đình Kitô hữu, trong Đức Kitô, hãy trở nên ánh sáng của thế giới, nhờ sự hiệp thông trong sự sống và tình yêu, nhờ hiến thân cho nhau và quảng đại đón nhận con cái.

·      
Trên hết mọi sự, các con hãy là "Tin mừng" cho thiên niên kỷ thứ ba bằng cách trung thành ở lại trong ơn gọi của mình. Bí tích Hôn nhân tiếp tục là đường lối riêng biệt dành cho các con, trên con đường làm môn đệ Chúa Giêsu, góp phần mở rộng Vương quốc của Thiên Chúa và lớn lên trong sự thánh thiện, mà mọi kitô hữu đều được mời gọi.

·      
Các vợ chồng Kitô hữu thân mến, hãy là “Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba” bằng một cuộc sống làm chứng có sức thuyết phục và bền bỉ cho sự thật về gia đình.

Gia đình đặt nền móng trên hôn nhân là một di sản cho nhân loại, một kho tàng lớn lao vô giá, cần thiết cho sự sống, sự phát triển và tương lai của các dân tộc. Dựa vào kế hoạch tạo dựng được thiết lập từ thuở ban đầu (x.Mt 19,4-8), gia đình là nơi con người, đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x.St 1,26), được thụ thai và sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Là ngôi trường đầu tiên hun đúc con người, gia đình không thể không góp phần vào việc xây dựng một “môi trường nhân linh” đích thật ... Như Cha thường nói, tương lai của nhân loại ngang qua gia đình (x.Familiaris Consortio, 86).

·      
Cuối cùng, các cặp vợ chồng Kitô hữu thân mến, nếu các con ước mong trở thành “Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba”, thì đừng quên rằng cầu nguyện trong gia đình là con đường vững chắc để luôn hiệp nhất trong một lối sống hòa hợp với thánh ý Thiên Chúa.

            Giờ đây, khi ban phép lành Tòa thánh cho tất cả  các con, Cha để lại cho các con một nhiệm vụ cuối cùng: nhờ ơn Thiên Chúa giúp, các con hãy đặt Tin mừng làm nguyên lý hướng dẫn gia đình mình, và hãy làm cho gia đình các con trở thành một trang Tin mừng được viết ra cho thời đại chúng ta!

***

Bài 4
GIA ĐÌNH KITÔ: SỐNG ĐỨC TIN TRONG LÒNG GIÁO  HỘI
Gia đình chúng tôi là một “Giáo hội tại gia”
 
·       Thánh ca
·       Lời Chúa : Êphêsô 5, 21-28 

Vì lòng kính sợ Ðức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.

·      
Nhớ lại ngày cử hành hôn lễ tại Nhà thờ

·      
Kinh Lạy Cha.
 
1.    Đức Tin của Gia đình: Tin với Cộng đoàn Giáo hội

 “Để  tin, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước nâng đỡ và Chúa Thánh Thần trợ giúp bên trong, là Đấng lay chuyển và quy hướng con tim tới Thiên Chúa, mở mắt lý trí và  cho mọi người cảm thấy sự ngọt ngào khi ưng thuận và tin vào chân lý” (Hiến Chế Dei Verbum, 5). 

Cội nguồn hành trình đức tin của chúng ta là Bí tích Thánh tẩy, bí tích ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và đánh dấu việc gia nhập cộng đoàn đức tin, trong Hội Thánh.

Chúng ta không thể tự mình tin, nhưng cần có ân sủng Chúa Thánh Thần đi trước. Và chúng ta không tin một mình, nhưng là cùng với những người anh em. Từ khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, mọi tín hữu được kêu gọi sống trở lại và nhận làm của mình lời tuyên xưng đức tin này cùng với anh chị em của mình” trong Giáo hội.

 ĐTC Bênêđictô XVI, Giáo huấn ngày 17.10.2012

Cho nên, Đức tin là:

·      
Một hồng ân Thiên Chúa ban, được Chúa Thánh Thần khai mở và củng cố.

·      
Một quyết định ý thức và tự do của con người, khi gặp được Chúa Giêsu Kitô.

·      
Được đón nhận và sống trong lòng Hội thánh, cùng với anh chị em tại giáo xứ.

2. Gia đình sống đức tin với cộng đoàn Giáo hội

Đức tin của gia đình được khơi dậy, nuôi dưỡng và phát triển nhờ:

·      
Lắng nghe Thánh kinh, Thánh truyền và học hỏi Giáo lý  trong Cộng đoàn Giáo xứ.

·      
Tham gia cử hành Phụng vụ Thánh lễ và các Bí tích.

·      
Lắng nghe các Chủ chăn trong Hội thánh: Đức Thánh Cha, các Giám mục, các Linh mục.

·      
Chuyên cần cầu nguyện mỗi ngày: các biến cố trong gia đình và với anh chị em.

·      
Tham gia vào các hoạt động mục vụ, bác ái, truyền giáo của Giáo xứ.

3. Gia đình sống ngày của Chúa - Chúa nhật là cách ưu tiên  Hiệp thông với niềm tin của Cộng đoàn

Cùng với Cộng đoàn Giáo hội, trong Ngày của Chúa, gia đình:

·      
Cử hành Thánh lễ, họp mừng Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu để sống niềm Tin, Yêu và Hy vọng:"Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến".

·      
Nghỉ ngơi để chiêm ngắm và tạ ơn công trình Sáng thế và Cứu thế của Thiên Chúa; đồng thời sống sự tự do của con cái Thiên Chúa / con người mới: giải thoát mình khỏi nô lệ lao động, tiền bạc, làm ăn. . . (Ý nghĩa của Điều Răn thứ ba)

·      
Hiệp thông huynh đệ, chia sẻ và phục vụ anh chị em tại gia đình và trong giáo xứ.

4.  Gia đình: Giáo hội tại gia

 “Tôi không thể xây dựng niềm tin của mình trong một cuộc đối thoại riêng lẻ với Chúa Giêsu, bởi vì Thiên Chúa ban cho tôi đức tin qua một cộng đoàn đức tin là Giáo Hội, và tôi hiệp thông với vô số các tín hữu, một sự hiệp thông không chỉ mang tính xã hội nhưng còn ăn sâu trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, là hiệp thông Tình yêu Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (ĐTC Bênêđictô XVI, Giáo huấn Năm Đức Tin 31.10.2012)

4.1. Do hồng ân đức tin

 Gia đình:

·      
Hiệp thông vào Nhiệm thể Chúa Kitô, thuộc về Dân Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần,

·      
Thông phần vào Sự sống và Sứ mạng của Chúa Kitô với ba chức năng Ngôn sứ (rao giảng), Tư tế (thánh hóa) và Vương đế (phục vụ).

·      
Chia sẻ Sứ mạng của Hội thánh, đồng trách nhiệm với các linh mục và tu sĩ để làm chứng Tình yêu Thiên Chúa và loan báo Tin mừng cho đồng loại.

4.2. Xây dựng Gia đình trở thành "Giáo hội tại gia" chính là cách hiệp thông trọn vẹn với Cộng đoàn Giáo hội và Giáo xứ

·      
Gương của Giáo hội tiên khởi ở Giêrusalem: 

Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện... Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,42-47)

·      
Xây dựng Gia đình 5 Chuyên:

Một chuyên chăm đọc Thánh Kinh

Hai chuyên chia sẻ thắm tình Hiệp Thông

Ba chuyên Thánh Lễ hết lòng

Bốn chuyên Cầu Nguyện ở trong gia đình

Năm chuyên Vui Sống Tin Mừng

Tông Đồ
của Chúa, Chứng Nhân cho đời.

4.3.  Xây dựng Giáo xứ thành một Gia đình

·      
Một cộng đoàn tin vào Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em của nhau: chung một CHA, sống trong một Nhà.

·      
Một cộng đoàn môn đệ đi theo Chúa Giêsu: Cùng một vị THẦY: lắng nghe và và đem lời Thầy ra thi hành.

·      
Một cộng đoàn bước theo THẦN KHÍ  CHÚA PHỤC SINH: được sai đi  làm chứng và loan báo Tin mừng: hợp tác và dấn thân, tôn trọng các đoàn sủng và ơn gọi riêng.

KẾT.  Gia đình Kitô hữu sống Đức tin là Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba.

·      
Ơn gọi hôn nhân và gia đình: trở nên hình ảnh và hiện thân của Thiên Chúa Ba Ngôi.

·      
Không chỉ là đối tượng, nhưng là chủ thể loan báo Tin mừng.

·      
Không phải là cánh tay nối dài của hàng giáo sĩ, nhưng là đồng trách nhiệm trong Hội thánh.     

 
Gợi ý để chia sẻ và  thảo luận (xin chọn câu thích hợp )

1. Gia đình tôi sống Ngày của Chúa - CHÚA NHẬT - như thế nào? Tôi cần thay đổi những gì để trả cho Chúa Ngày của Chúa, theo đúng ý nghĩa và mục tiêu của ngày này?

2. Làm sao xây dựng mối tương quan đích thật giữa Gia đình và Hội thánh dựa trên Lời Chúa và các Bí tích, khi để lãnh nhận bí tích Hôn nhân chúng ta cần đến các Bí tích khác (Thánh tẩy, Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải và Truyền  chức)?

3. Các hiệp hội, phong trào hay đoàn thể gia đình cần làm gì để đóng góp cho đức tin của các gia đình và xây dựng giáo xứ trong công cuộc tân phúc âm hóa hiện nay trong Hội thánh?

Quyết tâm
: (có thể chọn giải pháp theo thứ tự ưu tiên)

1. Chọn ít nhất một trong 5 Chuyên để tích cực xây dựng gia đình mình thành "Giáo hội tại gia".

2. Chọn một hoạt động phục vụ  giáo xứ hay tham gia một hiệp hội/đoàn thể gia đình.

Cầu nguyện kết thúc
:

·      
Mời gọi cầu nguyện tự phát phù hợp chủ đề.

·      
Kinh nguyện của gia đình.
 
Tài liệu đọc thêm

Hội thánh - được sinh ra từ Thánh lễ Chúa Nhật - mở ra cho mọi người
.

Hình thức đầu tiên của truyền giáo là xây dựng sự hiệp thông giữa các tín hữu, làm cho cộng đoàn trở thành gia đình của các gia đình. Đây cũng là qui luật cơ bản của truyền giáo: Hội thánh hiệp nhất và hiệp thông là chứng từ có sức thuyết phục thế giới hơn hết. Hội thánh chỉ có thể trở thành trường truyền giáo khi là ngôi nhà hiệp thông.

Các trích đoạn Công vụ Tông đồ ở trên cống hiến cho chúng ta thấy khuôn mặt của các cộng đoàn tiên khởi, khi họ sống kinh nghiệm Kitô giáo giữa ngôi nhà mình với Đền thờ. Ngày lễ và Chúa nhật là khoảnh khắc làm mới lại đời sống Giáo Hội, sao cho cộng đoàn Kitô hữu có được bầu khí đời sống gia đình và gia đình mở ra tới chiều kích hiệp thông Hội thánh.

Giáo
hội địa phương và giáo xứ là sự hiện diện cụ thể của Tin mừng giữa lòng cuộc sống nhân loại.... Như Công đồng Vatican II khẳng định, nơi các giáo hội địa phương “Hội thánh đồng hành với toàn thể nhân loại và chia sẻ số phận trần thế của thế giới” (Hc. Vui mừng và Hy vọng, 40). Trong giáo xứ, các gia đình, là “hội thánh tại gia”, quan tâm đến việc làm cho cộng đoàn giáo xứ trở thành một Giáo hội trong các ngôi nhà của con người. Cuộc sống hằng ngày, theo nhịp sống của lao động và nghỉ lễ, tạo điều kiện cho thế giới đi vào các ngôi nhà và mở cửa các ngôi nhà cho thế giới. Mặt khác, cộng đoàn Kitô hữu phải lưu tâm đến các gia đình, giúp gia đình thoát khỏi cám dỗ khép kín trong “tư gia” để mở ra với những con đường sống niềm tin.

Trong gia đình, sự sống được thông truyền như một hồng ân và một lời hứa; trong giáo xứ lời hứa chứa đựng trong hồng ân sự sống được đón nhận và nuôi dưỡng. Ngày của Chúa trở thành Ngày Hội thánh khi giúp con người cảm nghiệm được vẻ đẹp của một ngày Chúa nhật được mọi người sống chung với nhau, tránh đi cái tầm thường của một cuối tuần chỉ biết hưởng thụ, và thỉnh thoảng có cơ hội sống kinh nghiệm hiệp thông huynh đệ giữa các gia đình.

(Bài Giáo lý số 10, Đại Hội Gia Đình Thế Giới Milanô 2012). 


3 cách giải thích vì sao ta tin Chúa (12/4/2024)

Sáu cách khuyến khích trẻ lắng nghe tích cực (21/2/2024)

Tại sao hôn nhân thời nay dễ đỗ vỡ? (30/1/2024)

ĐTC Phanxicô đề nghị chúng ta hãy tập tha thứ (15/1/2024)

3 đoạn Kinh Thánh đem lại bình an cho cha mẹ (9/12/2023)

Tin tưởng người bạn đời là gì? (10/11/2023)

Năm lời khuyên giúp trẻ biết kiểm soát và có hành vi đúng mực (14/10/2023)

Gia Đình & Giáo Dục (15/9/2023)

Tương quan với các thành viên trong gia đình: Sự tha thứ và ân sủng của Chúa (19/8/2023)

Nhìn lại mình (3/8/2023)

Ba vẫn không về! (18/6/2013)

“Gia đình là thiêng liêng, tiền bạc không mua được gia đình” (1/6/2013)

Chăm sóc mục vụ cho gia đình (1/6/2013)

Khoa học xã hội & Hôn nhân đồng tính (25/5/2013)

Nguyên tắc giáo dục con cái trong gia đình (21/5/2013)

Tình yêu vô bờ bến của mẹ (10/5/2013)

Cùng Mẹ con sống đức tin (4/5/2013)

Gia đình KiTô - Cánh cửa đức tin mở ra cho vợ chồng (26/4/2013)

Vai Trò Làm Chồng Và Làm Cha (22/4/2013)

Bình đẳng là trân trọng giá trị của nhau (10/4/2013)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn