Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
CHẮP CÁNH CHO GIÁ TRỊ ĐỜI THƯỜNG
 
Lời Chúa (Ep 4,29-32)

Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy lọai trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.

Được sinh đến trên trần đời này, chúng ta đã là người nhưng chưa hẳn đã làm người. Làm người là một quá trình dài từ lúc chào đời đến khi xuôi tay nhắm mắt. Chúng ta là người lữ hành. Chúng ta chưa là thánh mà cũng không là quỷ. Đôi lúc chúng ta tự cảm thấy mình thật tốt lành thánh đức. Nhưng cũng có lúc ta tự cảm thấy mình thật ác độc và nhẫn tâm. Trong ta pha trộn cả người  lẫn ngợm. Pha trộn nét lành thánh lẫn ác quỷ. Vì là người nên chân ta chạm đất. Nếu ai luôn sống hổng chân, bay bổng, không thực tế thì người khác bảo thiêng liêng quá. Một điều trớ trêu là đôi lúc hay thường khi, chúng ta quên ơn gọi chính của bản thân là phải làm người. Chúng ta quên mất việc chúng ta trau dồi chất người ở nơi bản thân của mình lại chính là ơn gọi làm con Thiên Chúa. Một điều không thể chối từ, là tất cả những vị thánh đều là những người sống ơn gọi làm người, sống giá trị đời thường một cách mỹ mãn nhất. Vì vậy, để các bạn trẻ chắp cánh vào đời, để mỗi chúng ta tôn tạo cuộc sống hạnh phúc cho mình và cho người khác, để chúng ta dìu nhau tiến về Vương Quốc, thì không gì hơn là ta hãy nỗ lực để làm người cho nên. Đó chính là sống những giá trị đời thường, tận dụng những nén bạc Chúa cho một cách tốt lành nhất. Vì thế, tôi xin được khai triển những ý tưởng rất đời thường hầu chúng ta nhắc nhở nhau hãy sống có ý thức: Vì Chúa đã làm người. 
 
LÀM NGƯỜI

Làm người. Sao đơn giản thế hai chữ “làm người”! Nhưng cũng gian lao thế cuộc sống làm người. “Vi nhân nan”, Đức Khổng Tử đã có lần nói thế, “Làm người quả là thật khó”. Đức Giêsu đã đi trọn hành trình “làm người”. Bằng cách đó, Ngài thăng tiến ý nghĩa cuộc sống bình thường của mỗi chúng ta.

Trong tác phẩm “Ngư ông và biển cả”, Ernest Hemingway, một nhà văn Mỹ nổi tiếng viết: “Đã làm người thì không bao giờ được bó tay chịu thua, con người có thể bị tiêu diệt nhưng không thể bị khuất phục”.

Làm người, đó là một lần dong buồm ra khơi và lần lên đường này là lần lên đường duy nhất, không được quyền quay lui mà cũng không được phép đầu hàng, không có quyền trả giá cò kè bớt một thêm hai. Làm người, đó là chấp nhận cô đơn giữa trùng dương bao la tăm tối, nơi đó không ai có thể thế chỗ cho mình, chính mình phải dành cho được một vị thế. Làm người, đó là chấp nhận một cuộc thách đấu mà chỉ có người thua kẻ thắng, chứ chẳng có thể hoà, thách đấu với bao sóng gió, bao thế lực và bao yếu đuối của chính bản thân mình. Làm người, đó là dám hiên ngang ngay cả khi ngọn cờ của mình cũng chẳng còn phất phới bay nhưng đã rách nát, ủ rũ.

Đức Giêsu đã làm người theo nghĩa đó. Ngài đã đi trọn con đường làm người với bao gian nan khốn khó. Ngài đã phải trải qua bao đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Ngài đã hụp lặn sâu thẳm đến những vùng cùng cực nhất của kiếp người, chiến đấu đến cho đến lúc thều thào: “Mọi sự đã hoàn tất”, rồi Người gục đầu xuống tắt thở. Trong cơn hấp hối khốn cùng với thân hình bê bết máu trên thập tự, Ngài vẫn hiên ngang xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ giết hại Ngài. Trọn vẹn cuộc sống của Ngài là yêu thương, thứ tha và phục vụ.

Làm người thật khó. Đức Kitô đã chọn đi trên con đường khó. Mỗi chúng ta ai muốn dễ dãi, thì khó lòng làm môn đệ thực sự của Đức Kitô. Nếu cuộc sống mỗi chúng ta thích ngồi mát ăn bát vàng, nếu bản thân của mỗi chúng ta thích ngồi chờ sung rụng, thì không thể làm môn đệ thực sự của Đức Kitô. Và như thế, ta cần xin ơn Chúa để trở thành người có thế giá trong ngôn ngữ cũng như trong hành động. Trước tiên, hãy tận dụng báu vật là ngôn từ của Chúa.
 
GIÁ TRỊ CỦA NGÔN TỪ

Trong kho tàng tục ngữ ca dao có câu:

"Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Trong Thánh Vịnh chúng ta thường đọc, một tác giả Thánh vịnh diễn tả kẻ ác nói rằng:

"Sức mạnh của ta là nhờ ba tấc lưỡi,

Với môi mép này ai làm gì nổi được ta."

Đúng là:

"Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo,

Miệng không vành miệng méo tứ tung".

Chúng ta có thể dùng lời nói để vực dậy một người khác. Ngược lại, chúng ta cũng có thể dùng chính ngôn ngữ của mình, để dìm người khác chúi xuống không thể ngóc đầu lên được. Ngôn từ có khả năng chữa lành, và cũng có khả năng giết chết. Tùy theo cách chúng ta sử dụng ngôn từ thế nào.

Ngôn từ là một tặng vật của Thiên Chúa ban riêng cho con người

Chúng ta là con người. Chúng ta hơn con vật vì chúng ta biết nói. Chúa ban cho chúng ta có khả năng biết nói để ca tụng Chúa, và nói lời Sự Thật. Thật vậy, chúng ta, những con người Công giáo, chúng ta có ơn gọi để nói về thế giới một cách đúng sự thực, để gọi những sự việc đúng tên của chúng. Chúng ta là những hữu thể Thiên Chúa sáng tạo nên, để dùng ngôn ngữ mà ca mừng thế giới Người đã sáng tạo.

Thiên Chúa đã mời gọi con người cộng tác vào sự sáng tạo của Thiên Chúa, khi trao ban cho con người quyền đặt tên cho vạn vật. Nhờ tình bằng hữu với Đấng Sáng Tạo, Ađam biết các thụ tạo và hơn nữa, khi đặt tên cho các con vật, ông cộng tác với Thiên Chúa kiến tạo một thế giới có trật tự và ý nghĩa, thắng vượt cõi hỗn mang. Tên gọi các con vật không phải Ađam dán nhãn lên nhưng chính là một hành trình khám phá và hiểu biết chúng. Ông gọi con này là con cò, nó là con cò. Gọi con kia là con kiến, nó là con kiến. Ông gọi cây này là thì là, thì tức khắc nó là thì là... Ông đặt tên và gọi chúng như chính chúng.

Khi con rắn bò đến nói cho Ađam và Eva biết rằng, ăn trái cây Thiên Chúa cấm là điều tốt, lúc bấy giờ hai ông bà bắt đầu lạm dụng ngôn từ. Ngôn từ bắt đầu mất đi ý nghĩa, khi có sự gian xảo xen vào. Ngôn từ mất ý nghĩa, khi con người không gọi sự vật như chính chúng. Khi đó, con người bắt đầu có cái nhìn méo mó về thế giới. Con người thay vì yêu thích vạn vật, làm cho sự vật có ý nghĩa, thì bắt đầu khiếp hãi. Con người không coi vạn vật là ơn huệ nữa. Đó là một điều hết sức bất hạnh, và bằng cách đó con người cũng xa Chúa, đánh mất cái nhìn về Thiên Chúa là Đấng tặng ban ân huệ.

Nếu ơn gọi của Ađam là gọi các sự vật theo tên của chúng, thì như vậy lời nói có giá trị. Khi nói, chúng ta có thể giúp cho thế giới mà Thiên Chúa mong muốn được xuất hiện, trở thành những người đồng sáng tạo với Người. Chúng ta có thể nói ra những lời sáng tạo hay phá hủy, những lời xây dựng hay những lời làm kiệt sức sống của một con người và hành hạ họ.

Cha Tymothy Radcliffe, cựu Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đaminh, diễn tả rằng ở Châu Mỹ có một con vật sống trong ao hồ, người ta đặt tên cho nó là rệp nước khổng lồ. Nó lướt trên những con cóc và hút hết bộ đồ lòng, chỉ để lại bộ da trống không. Chúng ta có thể nói những lời giống như những Lời của Thiên Chúa, làm cho sự vật hiện diện, hay ngược lại, cách nói của chúng ta có thể như con rệp nước khổng lồ phá hủy thế giới của Thiên Chúa. Lời nói của chúng ta có giá trị, và có lẽ đó là điều căn bản nhất chúng ta phải dạy cho các em thiếu nhi nếu trong vai trò giáo dục. Các bà mẹ Công giáo phải dạy cho con cho cháu mình biết nói lên lời sự thật. Dạy con cái có thì nói có, không thì nói không. Điều này đòi phải trả giá rất đắt. Nhưng chúng ta được mời gọi để sống chân lý, sống sự thật.

Giống như Thiên Chúa, ngôn từ của chúng ta có sức mạnh của sự sống và sự chết.

George Steiner đã viết:

Trong ngôn từ cũng giống như trong một phân tử vật lý, có vật thể và phản vật thể. Có xây dựng và huỷ diệt. Cha mẹ và con cái, đàn ông và đàn bà, khi trao đổi ngôn từ với nhau, đều có sự rủi ro rất cao. Ngôn từ có thể làm tổn thương mối tương quan nhân bản, có thể huỷ diệt niềm hy vọng. Lưỡi dao ngôn từ là lưỡi dao bén nhất. Thế nhưng cũng những ngôn từ đó, cũng những câu đó, cũng những cấu trúc ngữ pháp đó, cũng những ý nghĩa đó, lại là khí cụ của sự mặc khải, của trạng thái ngất ngây, của sự thông cảm kỳ diệu tức là sự hiệp thông.”[1]

Có những người luôn muốn nói lời hay lẽ phải nhưng khi hành động thì lại sai. Họ thấy quả thực những ngôn từ tôi sử dụng hết sức quan trọng, vì ngôn từ của tôi có thể là lưỡi dao giết người.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Có thì nói có, không thì nói không, gian dối phát xuất từ ma quỷ”. Khi chúng ta nói lời sự thật, lời động viên xây dựng, chúng ta đang cộng tác với công trình sáng tạo của Chúa. Khi nói lời huỷ diệt, lời giết chết, lời làm cho người khác phải chói tai buốt lòng, là chúng ta đang nói lời xuất phát từ quỷ.

Đức Giêsu đã trân trọng ngôn từ và ngôn từ của Ngài có sức xoa dịu, chữa lành, động viên, an ủi. Nếu muốn cho ngôn từ của ta có sức mạnh, trước hết chúng ta phải học cách trân trọng ngôn từ. Nói những lời có ý nghĩa từ đó chúng ta mới có cơ may nói Lời Thiên Chúa, Lời Chân Lý và Lời sự thật. Lời trao ban và Lời chữa lành.

Người nghèo đến với Đức Giêsu, Người nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ”.

Người cùi đến với Đức Giêsu, Ngài nói: “Anh hãy được sạch !” và họ trở nên thanh sạch.

Người què đến với Đức Giêsu, Ngài nói: “Tội anh đã được tha, anh hãy vác chõng mà về !”. Anh đứng dậy vác chõng trở về nhà.

Người câm đến với Đức Giêsu, Ngài nói: “Anh hãy nói được !”. Anh ta mở miệng ca tụng Chúa.

Giakêu, vẫn bị mọi người khinh khi đến với Đức Giêsu, Ngài nói một điều mà ông không dám mong ước: “Giakêu, hôm nay tôi ở lại nhà ông!” Đang khi dùng tiệc, ông Giakêu nói rằng ông sẽ bồi thường cho những người ông ăn hối lộ và phân chia của cải cho người nghèo, Đức Giêsu nói với ông: “Ơn cứu độ đã đến nhà này!”

Người phạm tội ngoại tình đến với Đức Giêsu, Ngài nói: “Không ai kết án chị à! Tôi cũng thế, tôi không kết án chị đâu. Hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa”.

Cô gái điếm khóc lau chân Đức Giêsu, Ngài chỉ nói một câu chị cần nghe nhất: “Con được tha nhiều nên con yêu nhiều. Mọi tội con đã được tha. Hãy ra đi bình an và đừng phạm tội nữa”.

Hẳn rằng bất kỳ ai đến với Đức Giêsu, dù tội lỗi ngập đầu ngập cổ đều nhận được những lời khích lệ động viên, lời chữa lành, lời xoa dịu. Những ai đến với Đức Giêsu trong u sầu sẽ ra đi trong hân hoan.

NGÔN NGỮ THƯỜNG NGÀY CỦA CHÚNG TA 

Chúng ta là những người trẻ. Hẳn rằng, mỗi chúng ta có nhiều ký ức và kỷ niệm, về ngữ vựng chúng ta nhận được từ nơi gia đình của mỗi chúng ta.

Chúng ta dám nói với nhau rằng: Ân nhân lớn nhất của mỗi chúng ta là người mẹ. Mẹ là người có ảnh hưởng đến con cái nhiều nhất. Ngôn từ của người mẹ sẽ ngấm vào con của bà nhiều nhất. Lời ru, lời nói chuyện khi con chưa biết nói, đều tiệm tiến ngấm vào tiềm thức của trẻ. Vì thế, trẻ sẽ diễm phúc nếu là người mẹ biết nói lời êm tai, lời giàu tình thương và lời chứa đựng ân sủng Chúa.

Lời mẹ dạy con gọi cha khi tập nói, kinh Kính Mừng mẹ dạy con khi mới bi bô, những lời cầu nguyện mẹ dạy con khi còn thơ ấu sẽ làm cho trẻ lớn lên trong ân nghĩa cùng Thiên Chúa và trong ân nghĩa của mọi người.

Hôm vừa rồi tôi về nhà và chơi với hai đứa cháu trai lớp mầm và lớp chồi. Tôi mắc mùng cháu tôi ngủ vì bác cháu chơi giỡn đã khuya. Trước khi đi ngủ, hai cháu tự động làm dấu và cầu nguyện: “Con lạy Đức Bà cho con khoẻ mạnh, con ăn con chơi. Con cầu cùng Đức Bà cho ông bà con khoẻ mạnh, cho ba mẹ con khoẻ mạnh, cho các bác các anh các chị con khoẻ mạnh, cầu cho bác con là linh mục tốt...” Tôi nghe những lời này rất quen thuộc vì từ thuở nhỏ mẹ tôi đã dạy chúng tôi cầu nguyện như thế. Tôi nhận ra rằng, lời cầu nguyện của trẻ thơ như thế là một cách giáo dục Kitô giáo. Đó là dạy cho trẻ biết nhớ đến Thiên Chúa và xác tín tuy không nhìn thấy Chúa nhưng vẫn có Chúa hiện diện và để mắt đến chúng. Khi chúng biết cầu nguyện cho những nhu cầu của người khác là chúng đang tiệm tiến đi vào đời sống tương quan với người khác thật ý nghĩa.

Tôi sống trong môi trường nhà quê. Những bà mẹ những ông bố quê chất phát rất thương con, nhưng đôi khi lại dùng lời làm tổn thương con cái không thể nào chấp nhận được. Chẳng hạn như nói rằng: "Mặt mày sau này chỉ đi xúc cứt con ạ. Mày là đứa vô dụng sau này chẳng làm được tích sự gì đây. Mày sang mà xách dép cho thằng Mít ở nhà bên cạnh kìa. Bằng tuổi mày đấy mà nó làm được bao việc". Trong khi con cái họ đâu phải là đứa vô dụng. Nó yếu kém mặt này nhưng trổi vượt mặt kia. Ông bố và bà mẹ đâu biết rằng, ngày này qua ngày khác ông bà gieo vào đầu óc con mình những tư tưởng như thế và biến con mình thành vô dụng thực.

Thực lòng, ai cũng thích lời động viên an ủi nhưng sao nói một lời động viên chân thành khó đến thế. Người ta có thể xa xả vào mặt nhau một cách dễ dàng nhưng để nói một lời khen ngợi hay động viên thì đòi phải nỗ lực lắm lắm!

Ngôn ngữ là phương tiện thường ngày chúng ta chuyển tải thông điệp cho nhau. Một lời nói ra, có thể vực dậy một người anh em và một lời nói ra, có thể làm cho người anh em mất ăn mất ngủ, và có thể có những kẻ bỏ cộng đoàn vì câu nói của một ai đó.

Xin được trích dẫn tâm sự của Đức cha “Fuklton Sheen”, nhà thuyết giáo nổi tiếng của Hoa Kỳ:

“Tại Lavie, trong khi giúp lễ trên bàn thờ, một cậu bé vô tình đã đánh đổ lọ nước. Vị linh mục nổi giận tát cậu bé nảy lửa và quát:

- Cút đi và từ nay đừng bao giờ trở lại đây nữa.

Cậu bé đã ra đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Sau này cậu đã trở thành nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản. Tên cậu là Titô.

Tôi còn nhớ tôi cũng là cậu bé giúp lễ tại nhà thờ chánh toà. Vị Giám mục sở tại là Đức cha John Pouldin. Lúc đó tôi lên bẩy. Trong một phiên giúp lễ tôi cũng đã có lần đánh rơi bình rượu. Có lẽ nghe cả một trái bom nguyên tử nổ cũng không bằng âm thanh của một bình rượu rơi trên nền đá lúc bấy giờ. Tôi sợ tưởng chết đi được bởi vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi ai cũng nghĩ Đức cha là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng cha chẳng tỏ thái độ gì cả. Sau thánh lễ, vị Giám mục nói với tôi :

- Lại đây cậu bé, lớn lên con sẽ học ở trường nào?

Đối với một cậu bé bẩy tuổi như tôi lớn lên có nghĩa là vào trường trung học, tôi liền nói:

- Thưa đức cha, con sẽ xin vào trường Sud Pondu.

Thế nhưng vị Giám mục nói với tôi:

- Cha nói là khi nào con lớn kia, con có bao giờ nghe nói đến trường Luvard không?

- Dạ thưa có ạ! Tôi đáp.

Ngài nói:

- Vậy thì con hãy về nói với mẹ con rằng: khi con lớn, con sẽ vào học ở đại học Luvard, và một ngày nào đó con cũng như Đức cha.

Tôi đã thưa với mẹ tôi như Đức giám mục đã nói và mẹ tôi nói với tôi: “Luvard là một trường đại học nổi tiếng ở Châu Âu”. Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức linh mục, tôi đã ngồi trên chiếc xe lửa trực chỉ Luvard, đúng là nơi Đức cha đã nói với tôi.

Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về hướng này, còn Titô đã đi hướng ngược lại”.

Tâm sự của Đức cha “Fuklton Sheen” đáng để chúng ta suy nghĩ trong cách chúng ta sử dụng ngôn từ.

Có những lời nói của những bậc bề trên và những bậc làm cha mẹ làm thăng hoa cuộc sống của con cái. Cũng có những lời nói làm cho con cái họ đi đến bế tắc hoặc chán sống.

Lời nói động viên nhau cần thiết biết mấy nhưng cũng khó nó làm sao. Có lần từ tu viện trở về nhà định bụng sẽ nói với bố rằng con thật hãnh diện vì bố. Bố không tài giỏi nhưng bố thật hiền lành. Lúc chạy về nhà, thì không có ai ở nhà. Chạy vào rẫy gọi mãi, mới thấy bố từ trên đồi đi xuống. Thật thương bố nhưng im lặng và hỏi thăm vu vơ. Những lời kia vẫn còn cất giữ.

Một điều kỳ lạ là ta rất cần những lời khen ngợi, động viên phát xuất từ đáy lòng mình. Thế mà nói ra những lời đấy sao khó thế. Có những người thật hối hận khi không nói được lời cần nói khi còn cơ hội, để rồi ngàn đời không có cơ hội gặp lại người đó nữa, ta cảm thấy xót xa.

Sẽ tốt lành biết mấy nếu những ông bố, bà mẹ biết nói với con cái những từ đại loại như: “Con à, đã đến lúc cha mẹ không thể bao bọc cho phận đời của con. Con phải sống cho cuộc sống của con. Rồi đây con sẽ phải ra đi để gầy dựng cuộc sống cho riêng mình. Cuộc đời thật khó khăn, bất an và gian khổ. Con sẽ chật vật khi phải xa gia đình. Tuy nhiên, con hãy nhớ rằng gia đình ta nghèo vật chất nhưng luôn giàu tình thương yêu. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Khi nào con cảm thấy rã rời và mệt mỏi thì gia đình là chốn con quay về. Chính gia đình sẽ sưởi ấm tình yêu cho con”. Gia đình phải là chốn quay về. Gia đình là kho tàng của lời chữa lành.

Và rồi trong cuộc sống thường ngày. Bất kể ta là ai. Bất kể ta làm gì. Ta kinh doanh nơi gia đình hay ngoài phố chợ. Ta tần tảo trên đồng ruộng hay làm nội trợ trong gia đình. Mọi người chúng ta luôn phải xác tín rằng, ngôn ngữ có giá trị. Vì thế chúng ta cố gắng diễn tả lời của Thiên chúa, lời chữa lành, xoa dịu và vực dậy trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta.

Là người Kitô hữu, ta cố gắng ý thức loại trừ những ngôn từ làm cho người khác phải đau khổ, phải chết. Và như thế, lời nói hành nói xấu, lời vu oan cáo vạ, lời móc lò móc họng làm cho người khác phải lộn gan điên tiết sẽ không xuất hiện trên môi miệng người con Thiên Chúa.

"Miệng tôi nói lời hay lẽ phải,

Lòng gẫm suy câu khéo điều khôn,

Tai lắng nghe nhịp câu ngạn ngữ,

Mượm phím đàn giải nghĩa nhiệm mầu" (Thánh Vịnh).
 
GIÁ TRỊ TÍNH CẦN LAO

Khi con người từ chối một dự định của Thiên Chúa, thì con người thấy mình trần truồng, vô nghĩa. Cả cuộc sống trở thành gai góc, và sự kết thúc cuộc sống trở thành cái chết, thành một tai hoạ vì nó thả rơi con người vào trong tối tăm. Sứ mạng lao động trở thành một hình phạt. Tất cả chỉ vì cuộc sống trở thành con đường đi vào thất bại. Các nhà chú giải Thánh Kinh, và các nhà thần học suốt nhiều thế kỷ đã muốn giải thích lời Thiên Chúa tuyên phạt con người (St 3,16-19), bằng một loạt những ơn vượt tự nhiên như là trước đó loài người không phải khổ, không bệnh, không chết… Ngày nay người ta thường giải thích bằng sự đánh mất ý nghĩa.

Sách Sáng Thế (2,5) ngầm cho thấy rằng, Thiên Chúa dựng nên con người để lao động hầu hoàn thành công trình sáng tạo của Ngài. Trước khi phạm tội và sau khi phạm tội con người vẫn canh tác đất đai, vẫn lao động. Cái đã thay đổi là ý nghĩa của lao động. Khi đã từ chối ý nghĩa cuộc đời, từ chối chính mình, con người sống như một kẻ bị đày ải, bị bắt phải sống. Muốn sống phải lao động, nhưng cuộc sống không còn ý nghĩa, thì lao động trở thành một thứ khổ sai. Lao động để mà sống, sống để mà đi tới một cái vô nghĩa hoàn toàn, để kết thúc bằng tối tăm mịt mù. Cuộc sống con người là một hành trình trong không gian và trong thời gian. Hành trình mà không có đích tới, thì tất cả đều vô nghĩa, đều là một thứ hình phạt. Con người cần một tương lai, để theo hiện tại mà đẩy mình đi tới. Khi con người thấy rằng, mình đã từ chối tình yêu tuyệt đối, tình yêu duy nhất làm cho mình tồn tại, làm cho cuộc sống của mình có một điểm tới, thì con người thấy mọi sự đều mất ý nghĩa. Đức Giêsu đã nhập thể làm người. Ngài đã sống ba mươi năm đời thường tại Nazareth. Ngài đã tần tảo lao động. Ngài cũng có một cái nghề là nghề thợ mộc. Đọc Tin Mừng chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu làm việc liên lỉ: khi thi hành sứ mạng loan báo Vương Quốc, Ngài làm việc không ngừng, đêm về, Ngài tìm nơi thanh vắng cầu nguyện, sáng sớm tinh sương, Ngài cầu nguyện.

Thánh Phaolô cũng là một điển hình của tính lao động. Vừa rao giảng về Đức Kitô, vừa làm lều chõng để không trở thành gánh nặng cho người khác. Ngài cũng nói với những tín hữu rằng ai không làm thì đừng ăn.

Quả thật, tính cần lao là một phương thế rất cao cả của ơn gọi làm con Chúa. Có người nói rằng quà tặng của ta là lao động. Lao động làm bàn tay ta khéo léo như Thiên Chúa. Và cũng chính lao động mà con người có khả năng đi hai chân và tay ta vươn về Thiên Chúa. Con người gần Thiên Chúa hơn mọi vật hữu hình Chúa tạo thành nhờ vào bàn tay cần lao.

Hạnh phúc cho gia đình nào có bố mẹ chăm chỉ. Gia đình đó sẽ trở thành thiên đàng tại thế nếu nhà đó sạch đẹp, có cơm ngon canh ngọt, giàu tình thương và có Chúa ở cùng.

Hạnh phúc thay gia đình nào biết dạy cho con cái của họ biết chăm chỉ tự lo cho bản thân. Vì nhờ cần lao trẻ thơ sẽ nên người biết lo cho mình và cũng biết lo cho người khác.

Không biết quý vị thế nào, còn tôi, tôi luôn phải chiến đấu thường khi với căn bệnh mà tôi vẫn gọi là bệnh “hủi” hay bệnh “rệp”, tức kí sinh “lười”.

Đời đời chẳng ai thích sống với “con hủi” hay “con rệp”. Nếu tôi “trở thành” hai loại côn trùng này thì vô phúc cho tôi. Tôi sẽ là một vi khuẩn gây hại, và rất có thể anh em và cộng đoàn sẽ xua tôi như xua tà, vì sợ lây nhiễm. Tôi nhớ có lần tôi khen mợ Tư của tôi số nhàn hạ. Anh Hai tôi nói: “Lười thì có. Ở trên đời này chẳng có ai nhàn cả, ngoại trừ những người không muốn làm. Giả như mợ ấy chăm chỉ hơn một chút thì cậu đâu phải nai lưng ra làm mọi việc”. Tôi phải chân nhận mợ Tư lười. Mợ lười nên nhà mợ bê bối bẩn thỉu, chúng tôi chẳng muốn đến nhà mợ. Cậu mợ mời ăn cơm, anh em tôi từ chối khéo chỉ vì chuyện “bát không sạch nên không ngon cơm”. Chúng tôi cũng chẳng dám nhờ mợ giúp gì, vì các em tôi bảo mợ là “rệp”.

Là người sống trong ơn gọi tu Dòng, tức sống cộng đoàn. Thú thật anh em chúng tôi không “đụng” nhau vì những chuyện gì lớn cho bằng chuyện rửa bát, lau nhà, quét nhà, tức những việc tầm thường. Chắc chắn sẽ có người nói: nhỏ nhặt như thế thì làm sao làm được chuyện lớn. Tôi tự nghĩ chuyện lớn phải được hình thành từ cái rất nhỏ. Dụ ngôn hạt cải, chuyện năm nén, mười nén Đức Giêsu đã chẳng dạy ta như thế là gì.

Trong một nhóm công tác, chỉ cần có một “con rệp” kí sinh, mọi việc sẽ phiền toái thêm nhiều. “Con rệp” đó có thể là bạn và tôi. Ví dụ tôi và bạn được chia công tác rửa bát. Đến lúc làm, tôi “lỉnh” đi mất vì một lý do rất thuyết phục. Tôi “lỉnh” liên tục và lần nào cũng có lý do rất thuyết phục. Tôi đang chất gánh nặng của tôi lên vai bạn. Thà không có tôi bạn làm việc vất vả nhưng không bận lòng. Đằng này khi tôi “lỉnh” như thế tôi sẽ làm cho bạn bực tức khi làm việc nữa. Như thế thật bất công. Người khác đã mệt mỏi gánh vác phận vụ của họ, mình lại chất gánh nặng của mình lên vai của họ nữa. Có bất công chăng? Chúng ta cũng phải mời gọi anh chị em mình như Đức Kitô: “Hãy đến với tôi hỡi tất cả những ai vất vả, tôi sẽ bổ sức cho, vì ách của tôi thì êm và gánh của tôi thì nhẹ”. Nhẹ và êm vì tôi mang giúp và gánh giúp chứ không chất thêm.

Bệnh “con rệp” thâm nhập vào cả đời sống phụng vụ nữa. Tu lâu chầu mỏi. Thú thật lắm lúc nghĩ tới kinh nguyện ớn tới cần cổ. Phóng xe ra đường gặp gỡ những người mình quý mến, tỉ tê tâm sự, hút điếu thuốc, uống ly cà-phê sẽ thú vị hơn nhiều. Lúc bấy giờ lại phải chiến đấu với bệnh “con rệp”. Đôi khi nó thua nhưng lắm lúc nó vẫn thắng.

Trong đời sống đâu đó ta vẫn nghe những lời lẽ: Đạo nào chẳng giống đạo nào, đạo tại tâm; xưng tội mà làm gì, năng chừa hơn năng xưng. Thật ra đó chỉ là cách biện hộ của những kẻ lười biếng. Chẳng có thứ tình yêu nào mà là tình yêu tại tâm cả. Cứ điều gì thiện hảo và tốt lành, ta sẽ thể hiện bằng hành động. Khi không thể biểu hiện sự tốt lành ra hành động, vì ta chưa có hay không có.

Là con Thiên Chúa, chúng ta không được phép lười như hủi. Ví von “lười như hủi” ta lại có lỗi với người hủi. Vì người hủi còn chăm chỉ hơn ta.

Trong bộ phim phóng sự Chuyện Tử Tế của Nguyễn VănThủy có nói về người hủi khiến bản thân ta phải hổ thẹn. Người đời nói rằng: Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường tình, chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì.

“Đồ hủi, xấu như hủi, bẩn như hủi, lười như hủi, không giây với hủi”. Đó là những câu nói cửa môi dành cho người Hủi. Nhưng vẫn có người hủi đáng cho ta khâm phục.

Phóng sự Chuyện tử tế có chưng dẫn:

“Cháu có tên là Tú Anh nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà Nội quá. Mình thì người nhà quê, bố cháu tên Chiện, bà gọi cháu là Chiền.

Thằng Chiền một thời ít bạn, vì tiếng đồn khắp vùng mẹ nó là người hủi. Mẹ nó là người hủi, thì bố nó bỏ đi luôn. Mẹ nó, chị Nguyễn Thị Hằng phải bỏ nhà, bỏ làng lang thang bờ bụi kiếm được đồng tiền bát gạo, đêm đêm chị lần mò len lén đem về cho nó. Nỗi đau thể xác, và nhất là sự xỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định: phải tự vẫn. Nhưng còn thằng Chiền! Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời. Vậy là đêm đêm chị lần về, và bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp không đủ ngón đốt đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch. Hỡi những người lành lặn và tử tế! Một vạn tám ngàn viên gạch. Đêm, lạnh buốt và đau đớn.

Khi ngôi nhà đã hình thành, mẹ thằng Chiền, một người hủi còn có một ước mơ rất thơ mộng là viết để lại cho con những dòng thơ tâm sự.

Sổ thư của người hủi có cả ảnh và thơ cộc lốc. Chữ viết của người hủi có bao giờ thẳng hàng:
 
Túp lều nát rùng mình trong gió rét
Chiếc nôi nghèo run rẩy trước đêm đông
Bố bỏ đi biền biệt xứ chẳng một lời
Thế là hết, không còn ai chăm sóc con ơi
Tội nghiệp cho Tú Anh cái tên trong sáng.
Như chim non bé bỏng mồ côi
Mẹ nghĩ phải gắng sống, sống vì con
Gắng làm cho con một nếp nhà xinh
Đó là nếp nhà mẹ chịu nắng sương
Chịu cái giá rét của đêm dài cô quạnh.
 
Tạo hóa bao giờ cũng có nhân có quả, mẹ thằng Chiền đã gặp được các bác sĩ tốt, đã giúp chị thoát khỏi bệnh tật. Nhiều lần dắt con đi trên bến sông Trà Lý, nhắc đến tên những bác sĩ đã trợ giúp cho mình, chị bật khóc”.
Là những người lành, ta đã làm được gì cho mình và cho người khác. Hẳn rằng, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi, khi ta để đời mình trôi qua một cách phí phạm.  
 
SUY GẪM KẾT LUẬN

Lời nói và việc làm, là hai khí cụ song hành trong cuộc sống mỗi chúng ta. Ta có thể nói lời tạo dựng hoặc nói lời hủy diệt. Ta có thể tần tảo gầy dựng thiên đàng tại thế, hoặc ta lười biếng để khu vườn ta mọc đầy cỏ hoang, là chọn lựa sống của mỗi chúng ta.

Dẫu sống trong ơn gọi tu trì, cuộc sống độc thân tại thế, hay bậc sống hôn nhân gia đình, chúng ta đều là con Thiên Chúa. Lời của Chúa là Lời chân thật. Việc Ngài làm thật đáng cậy tin. Đến lượt mình chúng ta cũng ý thức từng lời ta nói và kỹ lưỡng trong mọi việc ta làm.

Chỉ có như thế, người trẻ mới có khả năng tung cánh vào đời một cách mạnh mẽ tự tin. Chỉ có như thế, người trẻ mới có khả năng trở thành điểm tựa cho những người cần sự trợ giúp của ta. Chỉ một khi có Chúa ở cùng thì người trẻ mới có đủ sức mạnh để vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc sống.

Cảm ơn Chúa đã ban cho ta lành lặn. Cảm tạ Chúa đã ban cho ta được làm người và làm con Thiên chúa. Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, ta đón nhận nến sáng với lời nhắn nhủ “Hãy lãnh nhận ánh sáng Chúa Kitô, con hãy sống như con cái của sự sáng”. Với việc mặc lấy chiếc áo trắng tinh tuyền của Đức Kitô, chúng ta thuộc về Đức Kitô, chúng ta trở thành con của Ngài. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta là Kitô hữu. Là Kitô hữu nghĩa là chúng ta là hiện thân của Chúa Kitô. Như thế ta sống cho Chúa Kitô và cuộc đời ta diễn tả dung mạo Chúa Kitô. Ước gì từ lời ăn, tiếng nói, đến sự hiện diện của chúng ta nơi gia đình, nơi cộng đòan Dòng tu, nơi giảng đường, nơi công sở hoặc giữa phố chợ, ta luôn làm ngời sáng một dung mạo Kitô: hiền lành, khiêm nhường và nhân ái với mọi người. Ước chi mỗi chúng ta sẽ không là gánh nặng của người khác, nhưng trở thành những người mạnh mẽ trong Thiên Chúa. Ước gì mỗi khoảnh khắc đời thường của ta luôn an lạc và hân hoan, vì Chúa đã làm người bình thường giữa muôn người, Ngài đã sống cuộc sống đời thường và cho cuộc sống đời thường của chúng ta có ý nghĩa. Xin Ngài chúc lành cho mọi lỗ lực và cố gắng nơi mỗi chúng ta. Amen.
 
Lm. Giacôbê Vũ Thế Hanh, O.P.


[1] Real Presences : Is there Anything in What We say ?, Luân Đôn, 1989, tr. 58 (trích lại trong Hát lên bài ca mới, tr. 19


Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em (26/4/2024)

Từ Hồi giáo đến với Đức ki tô: việc cải đạo đã đưa đến bí tích thánh thể (23/4/2024)

2024: Năm Đức Mẹ ban tràn đầy hy vọng (5/2/2024)

ĐGM Barron: Tuyên ngôn mới của Vatican khẳng định giáo huấn vượt thời gian của Giáo hội về hôn nhân (26/12/2023)

Phụ Huynh của Tuổi Teen (27/11/2023)

Sức mạnh của từ ngữ (10/11/2023)

Sáu tội mà người tín hữu Kitô không còn phân biệt được (27/10/2023)

Trẻ cảm thấy thế nào khi cha mẹ cãi nhau? (19/10/2023)

Trẻ em cảm thấy thế nào khi chúng ta than phiền về chúng ngay trước mặt chúng (15/9/2023)

Giáo dục: Chuyện của con tim (31/8/2023)

Tác nhân chính trong giáo dục gia đình (11/11/2010)

Dạy con theo kiểu... Tây (11/11/2010)

Những điều mẹ dạy con gái (11/11/2010)

Bảo vệ trẻ em về Internet (11/11/2010)

Những câu hỏi từ... Thiên Chúa (11/11/2010)

Giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi vị thành niên (11/11/2010)

Tuổi teen cần gì ở cha mẹ? (11/11/2010)

Mười lời khuyên của Vatican cho các tài xế (11/11/2010)

Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng (11/11/2010)

Làm thế nào đối với những thói xấu của con trẻ? (11/11/2010)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn