Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
GIÁO DỤC GIA ĐÌNH, VÀI NÉT ĐẸP MỞ NGỎ CHO TIN MỪNG
 
Dẫn nhập

"Tân Phúc Âm hóa" đã trở thành một đề tài quan trọng, được đề cập đến cách thường xuyên trong các văn kiện, cũng như trong các chuyến viếng thăm mục vụ của hai vị Giáo hoàng gần đây, đặc biệt ở Mỹ châu Latinh và Âu châu. Ngày nay, "tân Phúc Âm hóa" đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công giáo.

Diễn ngữ "tân Phúc Âm hoá" được đức Gioan Phaolô II phát biểu lần đầu tiên trong chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan năm 1979. Chủ đề này, được ngài lặp lại nhiều lần với ý nhấn mạnh rằng việc "tân Phúc Âm hóa" không đụng đến bản chất và nội dung của Tin Mừng, mà đúng hơn ám chỉ khả năng lãnh hội, lối trình bày, cách thế diễn tả Tin Mừng, cũng như công cuộc hội nhập văn hoá, đường lối sống Đạo và tinh thần dấn thân của các Kitô hữu.[1]

Trong bài này, người viết sẽ giới hạn đề tài trong phạm vi giáo dục gia đình. Truyền thống giáo dục trong gia đình Việt Nam có những nét nào khả dĩ cho công cuộc “tân Phúc Âm hoá”?

Truyền thống giáo dục Việt Nam có nhiều điểm đặc trưng. Đó là một nền giáo dục đặt nền tảng từ trong gia đình, nơi đó các thành viên noi theo gương mẫu của ông bà, cha mẹ, và bà con dòng họ. Nền giáo dục nhấn mạnh đến đạo nghĩa làm người hơn là tri thức. Nề nếp gia đình, gia phong lễ giáo, đạo làm con, v.v... là những nội dung lớn của giáo dục gia đình Việt Nam. Trong những nội dung này, có nhiều yếu tố có thể là đối tượng cho công cuộc tân Phúc Âm hoá, nhất là đạo hiếu và việc kính nhớ ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, yếu tố sau cùng này là một nội dung lớn, cần được nghiên cứu riêng biệt, nên người viết không đề cập đến trong bài viết này.

1. Tinh thần trọng danh dự và việc sống xứng đáng danh hiệu Kitô hữu

Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam khá lâu và có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống người dân Việt. Giáo dục, và nhất là giáo dục trong truyền thống gia đình cũng chịu những tác động sâu đậm. Dưới những ảnh hưởng đó, giáo dục trong gia đình xưa lấy sự nêu gương làm trọng. Người hơn tuổi phải làm gương cho người trẻ, người trên phải làm gương cho người dưới. Tất cả đều hướng về việc duy trì truyền thống danh giá của dòng họ, làng xã. Giáo dục của người xưa cốt ở chỗ “người trong một gia tộc phải cố giữ cái danh giá nhà mình cho trong sạch, phải cố làm cho mình được vẻ vang; phải giữ lấy thói lề, lấy nền nếp của ông cha để lại; phải tránh những điều gì trái đạo, có thể làm nhục đến cả nhà, cả họ. Những người có lòng vì gia tộc là những người hiếu đễ, đáng kính, đáng mến[2].

Ngày nay, ảnh hưởng của nền giáo dục này không còn mạnh mẽ nhưng dư âm của nó vẫn còn đâu đó, nhất là ở những làng quê, nơi mà nền nếp gia phong rất được coi trọng. Việc đề cao danh giá này cũng tồn tại trong môi trường các xứ đạo. Thật vậy, chiều hướng đề cao danh giá lại gặp được đất sống “mầu mỡ” trong tinh thần phong kiến của dân Việt, để trổ sinh thành những khuôn phép “truyền thống” trong đời sống đức tin.[3]

Việc đề cao danh dự này, cũng giống như niềm tự hào của dân Israel.  Họ luôn tự hào mình là dân được tuyển chọn, là dân riêng, dân thánh của Thiên Chúa. Chính vì vậy, trong truyền thống của dân Israel, người ta thường nhắc nhở nhau những lời Đức Chúa phán dạy qua miệng Môsê: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất… Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy (Xc. Đnl 6,4-9). Qua sự nhắc nhở đó, họ vừa giáo dục con cái luôn tôn thờ Thiên Chúa đồng thời họ lưu truyền cho nhau niềm tự hào và kêu gọi sống xứng đáng là dân riêng được tuyển chọn. Đó là cách họ dạy dỗ con cháu sống tương quan với Thiên Chúa. Niềm tự hào ấy thật chính đáng nhưng nó cũng có mặt trái. Chính Đức Giêsu đã chấn chỉnh những mặt trái trong truyền thống dân tộc Israel. Ngài đưa niềm tự hào quá khích thành một tâm tình biết ơn để sống bao dung hơn với “dân ngoại”; Ngài phê phán những truyền thống quá chi li cứng ngắc của cha ông để đưa họ trở về tâm tình thờ phượng Thiên Chúa đích thực (x. Mt 15, 1-9).

Ở Việt Nam, khi nói đến việc gìn giữ danh dự gia đình, làng xóm, ta thường nghĩ đến khía cạnh tiêu cực. Đây là điều đáng tiếc, và có lẽ là hậu quả của một lối nhìn phiến diện vì quá đề cao danh dự, đến nỗi đánh đổi nhiều thứ khác hay vì hiểu chưa đúng “ý nghĩa” của danh dự. Chẳng vậy mà nhiều nơi vì danh dự riêng tư, người ta đi đến cục bộ, ích kỷ hay đánh đổi bằng những cái giá rất đắt. Chính vì thế, cái nhìn về danh dự cần có một sự thanh lọc hay chuyển hướng. Gia đình giữ đạo tốt, giáo xứ nền nếp mấy mươi năm (thậm chí mấy trăm năm) là điều đáng tự hào. Nhưng phải biến niềm tự hào đó, biến danh dự đó thành niềm tri ân. Trước hết, là tri ân Thiên Chúa vì tình thương quan phòng gìn giữ của Ngài, tri ân các thế hệ đi trước đã đặt nền móng vững chắc. Niềm tự hào phải chuyển thành niềm vui, và quyết tâm sống xứng đáng với truyền thống. Nội dung của danh dự phải là vì được mang danh Kitô hữu, vì được Chúa thương chọn gọi giữa bao gia đình, làng xóm. Đó cũng chính là tâm tình, mà các ngôn sứ luôn kêu gọi và nhắc nhở dân Israel. Một khi các gia đình Việt Nam sống đúng với niềm vinh dự này, thì đó đã là một phương thế làm chứng cho Tin Mừng rồi.

2. “Tiên học lễ, hậu học văn” với việc giáo dục đức tin

Gia đình chính là trường học, và cha mẹ là những giáo viên đầu tiên. Truyền thống giáo dục Việt Nam xưa nay, vốn nhấn mạnh đến đời sống đức độ: tiên học lễ, hậu học văn (đáng tiếc ngày nay nhiều người lại mỉa mai rằng “tiên học phí, hậu học thêm”). Giáo dục trước hết là nhấn mạnh đến nếp sống, cách cư xử trong tương quan, khởi đi từ nề nếp trong gia đình đến xóm làng. Với gia đình Công giáo, trước hết phải là giáo dục đức tin. Cha mẹ nói với con cái về tình thương Thiên Chúa, dạy con đi vào mối tương quan cá nhân, chứ không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài. Gia đình cần tạo một nếp sống đạo đức tuy bình dân nhưng có chiều sâu của một đức tin sống động. Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã nhắn nhủ giáo dân của mình qua Thư chung năm 2007, về chủ đề giáo dục Kitô giáo như sau: “Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành, làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt, trong những biến cố vui buồn của cuộc sống, và qua những mẫu gương đức tin”[4].

Giáo dục đức tin trước hết là nhắm đến một mối tương quan cá vị, là hướng dẫn và tập cho con cái có những tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa, để mỗi người hình thành cho mình một đức tin vững vàng và sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, việc giáo dục nhân bản Kitô giáo cũng rất quan trọng. Nó là vế thứ hai của giới luật yêu thương. Nền giáo dục này, đặt nền tảng trên lòng mến và tôn trọng nhau. Đối tượng đầu tiên cần hướng đến, là những người thân trong gia đình. Thảo kính cha mẹ phải là ưu tiên số một trong tương quan với tha nhân. Từ đó, nền nhân bản này mở rộng đến cả những người không quen biết, không cùng tôn giáo v.v... Giáo dục nhân bản Kitô giáo, không chỉ căn cứ trên 10 điều răn nhưng phải là những đức tính thấm đượm tinh thần Tin Mừng, và là hoa trái của Chúa Thánh Linh. Đó là: bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ v.v... (Xc. Gl 5 22-23).

Các giờ cầu nguyện chung trong gia đình, cũng là cách thức giáo dục đức tin hết sức cần thiết. Trong truyền thống gia đình Do Thái, những người lớn tuổi luôn nhắc nhở cho con cái, về những kỳ công Chúa đã thực hiện đối với dân Ngài. Thánh vịnh 44 câu 2 diễn tả điều này như sau: “Lạy Thiên Chúa/ tai chúng con đã từng được nghe/ truyện cha ông vẫn thường kể lại/ về công trình Chúa đã làm nên/ thời các cụ thuở xa xưa ấy”. Việc kể lại này, có thể diễn ra trong khung cảnh phụng vụ, nơi mọi người tập trung để cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa. Gia đình Việt Nam cũng có một truyền thống tương tự: đó là các buổi quy tụ gia đình. Gia đình Việt Nam có nhiều dịp để quây quần bên nhau, và một trong các dịp đó là giờ kinh chung. Tầm quan trọng của giờ kinh này, đã được đức Gioan Phaolô II viết trong thư gửi cho các gia đình như sau: “Cầu nguyện trong cộng đoàn gia đình có thể trở thành nơi nhớ đến nhau, vì gia đình là cộng đoàn các thế hệ. Mọi người phải hiện diện cầu nguyện: những người sống, những người chết, những người sẽ chào đời nữa. Trong gia đình, cần phải cầu nguyện cho từng người theo thiện ích gia đình đối với họ, và thiện ích mà họ mang về cho gia đình[5]. Như vậy, giờ kinh gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho con cháu. Qua đó, tạo một bầu khí sống đạo ngay trong những sinh hoạt của gia đình. Đó là nơi ông bà, cha mẹ chia sẻ những kinh nghiệm đức tin của mình, cũng như hướng dẫn con cái gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành cùng gia đình. Ngày nay, các giờ kinh chung cũng đang thưa dần. Trước tình hình đó, các đấng có trách nhiệm, các bậc phụ huynh cũng như mỗi người, cần ý thức và gầy dựng lại truyền thống tốt đẹp này, làm sao để giờ kinh gia đình thực sự là giờ quy tụ mọi người để cùng diễn tả niềm xác tín của mình.

Bên cạnh việc giáo dục đời sống đức tin trong gia đình, việc gìn giữ và nội tâm hoá các sinh hoạt truyền thống của xứ đạo cũng là điều cần thiết. Trước đây, đời sống người dân giới hạn trong những sinh hoạt đạo đức đã trở thành truyền thống của gia đình và giáo xứ. Ngày nay, cái khung truyền thống này đã được mở rộng. Do đó, nhiều người, nhất là giới trẻ không còn tìm thấy ý nghĩa hay chiều sâu nội tâm trong các sinh hoạt truyền thống này[6]. Xin nhắc lại, các truyền thống này không xấu nhưng dường như nó còn thiếu cái chiều sâu đức tin. Chính vì thế, Giáo Hội cần thổi vào đó một nguồn sống mới, nhằm giúp tín hữu diễn tả và kín múc đức tin đích thực và sống động. Đức Bênêdictô XVI trong thư gửi các chủng sinh ngày 18.10.2010 cũng nhấn mạnh điều. Ngài viết: “Dĩ nhiên, lòng đạo đức bình dân có xu hướng trở nên vô lý, có lẽ đôi khi nó chỉ có hình thức bề ngoài. Nhưng loại bỏ hoàn toàn lòng đạo đức bình dân là điều rất sai lầm. Qua lòng đạo đức ấy, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tâm tình, tập quán, cảm thức chung và lối sống của họ. Vì thế, lòng đạo đức bình dân là một gia sản lớn của Giáo Hội. Đức tin được trở nên cụ thể. Chắc chắn lòng đạo đức bình dân phải luôn được thanh tẩy, được qui hướng vào điều trọng yếu, nhưng nó đáng được chúng ta yêu mến, và lòng đạo đức ấy làm cho chúng ta trở thành ‘Dân Chúa’ một cách rất thực tế”.[7]

3. Bữa cơm gia đình

Với người Việt Nam, bữa cơm gia đình trở thành một truyền thống và là một nét văn hoá độc đáo riêng biệt. Bữa cơm là nơi gắn kết các thành viên lại gần nhau, là lúc ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên nhau, cùng ăn và chuyện trò trong không khí ấm cúng thân mật. Bữa ăn làm gia đình thêm đầm ấm, đó là sợi dây vô hình gắn kết tình thân giữa các thành viên. Truyền thống, nề nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đó. Trong bữa cơm, mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ mà thông qua đó biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu.

Gia đình Công giáo Việt Nam cũng đã tiếp thu và chuyển hoá những tâm tình trên hướng về Thiên Chúa. Trước bữa ăn, mọi người cùng làm dấu thánh giá, rồi một người đại diện sẽ xướng kinh trước khi ăn. Sau bữa ăn, mọi người cùng cám ơn và làm dấu. Điều đó đã trở thành một truyền thống đẹp trong gia đình Công giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, các bữa cơm gia đình đang dần vắng bóng. Chính vì vậy, việc khám phá lại tầm quan trọng và những ý nghĩa tôn giáo trong bữa cơm gia đình là rất cần thiết.

Lần giở những trang Tin Mừng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy sứ vụ của Đức Giêsu gắn bó mật thiết với các bữa ăn. Trước hết, là tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã chuyển hoá nỗi buồn của gia chủ thành niềm vui (Ga 2,1-12); rồi đến những bữa ăn no nê nhờ phép lạ hoá bánh ra nhiều (Ga 6,1-15), hay lời dạy của Đức Giêsu về việc không phải lo lắng cho của ăn thân xác (Mt 6,25-34) nhưng hãy xin Cha trên trời cho được lương thực hằng ngày (Mt 6,11). Bữa ăn còn là nơi diễn tả tình yêu tha thứ (Mt 9, 10-13), sự hối lỗi (Lc 15,11-35), niềm vui nước trời (Mt 22,1-14; 25,1-13); và có lẽ bữa ăn quan trọng hơn cả được nhắc tới trong Kinh Thánh là Bữa Tiệc Ly (Mt 26,7-35), bữa ăn mà qua đó Đức Giêsu thiết lập lương thực nuôi sống linh hồn mọi kẻ tin.

Thiết nghĩ, bữa cơm của gia đình Việt Nam, cũng chất chứa những giá trị Tin Mừng như thế. Vấn đề là làm sao để mỗi gia đình, mỗi thành viên ý thức được điều đó, để duy trì bữa ăn như một dấu chỉ diễn tả niềm tin. Thực vậy, bữa cơm gia đình Việt Nam luôn mang tâm tình tạ ơn và hiệp thông. Trước hết, là tạ ơn Chúa, vì qua đó Ngài đã quy tụ mọi người trong cùng một gia đình, một bữa ăn. Qua đó, ta cảm ơn và xin Ngài tiếp tục hiện diện, đồng hành với gia đình trong mọi biến cố. Bữa cơm còn là nơi mọi người chia sẻ cho nhau những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống; là nơi thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương san sẻ. Bữa cơm không chỉ để cám ơn Chúa, và thể hiện sự hiệp thông trong gia đình mà thôi, nhưng còn nói lên tình liên đới với những người liên hệ. Ca dao Việt Nam có câu “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” là để nhắc nhở nhau nhớ đến công lao của bao người vất vả nắng mưa, mới có hạt cơm thơm ngon như vậy. Chính vì thế, bữa cơm còn là dịp cho ta thể hiện tình liên đới với biết bao người đang vất vả ngược xuôi mong tìm được những bữa cơm ngon lành.

Trước đây chỉ có một người (thường là người lớn nhất trong gia đình) đại diện để nói lên những tâm tình này, và thường là đọc một kinh quen thuộc. Theo người viết, đã đến lúc cha mẹ nên hướng dẫn con cái nhận thức đầy đủ những ý nghĩa trên và thay đổi luân phiên. Mỗi bữa ăn sẽ có một thành viên bất kỳ thay mặt gia đình nói lên những tâm tình trên một cách tự phát (có thể hướng dẫn con nhỏ chuẩn bị trước). Như thế, những tâm tình của ta sẽ không trở nên máy móc, cứng nhắc, nhưng mỗi lời nói thực sự thể hiện chiều sâu nội tâm của tâm tình tạ ơn và hiệp nhất.

Tóm kết

Trên đây chỉ là những suy nghĩ và gợi ý còn rất sơ sài. Thiết nghĩ truyền thống giáo dục của gia đình Việt Nam rất phong phú và sâu sắc. Điều đó cũng thể hiện nơi những gia đình Công giáo. Vì vậy, để có một cuộc tân Phúc Âm hoá từ gia đình thì cần phải có nhiều cuộc nghiên cứu chuyên sâu hơn. Để cụ thể hoá công việc này, trước hết cần sự quan tâm, kêu gọi và hướng dẫn cụ thể của các vị hữu trách, những ban ngành, đoàn thể có liên quan. Tiếp đó, các bậc phụ huynh cũng giữ một vai trò quan trọng không kém. Là những người trực tiếp lèo lái con thuyền gia đình, hơn ai hết họ phải ý thức vai trò giáo dục của mình cũng như của bầu khí gia đình để từ đó, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, công cuộc tân Phúc Âm hoá trong gia đình mới mong đạt được những kết quả tốt đẹp như lòng mong ước.

Vĩnh Thịnh, OP.
 

[1] Nguyễn Thái Hợp, Sứ vụ loan báo tin mừng từ ơn gọi Đaminh. Truy cập ngày 14.12.2010.
[2] Luân lý giáo khoa thư, lớp sơ đẳng. Nha học chính Đông Pháp, 1941, tr. 19.
[3] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Đạo hiếu kính.
[4] Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2007 về chủ đề Giáo Dục Kitô Giáo, số 28.
[5] Gioan Phaolô II, Thư gửi cho các gia đình, số 10, ban hành ngày 02.02.1994, Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ.
[6] X. Nguyễn Trọng Viễn, Đạo sinh hoạt.
[7] Đức Bênêdictô XVI, Thư gửi các chủng sinh, số 4, ngày 18.10.2010, chuyển ý Trần Đức Anh, O.P..
 
 


3 cách giải thích vì sao ta tin Chúa (12/4/2024)

Sáu cách khuyến khích trẻ lắng nghe tích cực (21/2/2024)

Tại sao hôn nhân thời nay dễ đỗ vỡ? (30/1/2024)

ĐTC Phanxicô đề nghị chúng ta hãy tập tha thứ (15/1/2024)

3 đoạn Kinh Thánh đem lại bình an cho cha mẹ (9/12/2023)

Tin tưởng người bạn đời là gì? (10/11/2023)

Năm lời khuyên giúp trẻ biết kiểm soát và có hành vi đúng mực (14/10/2023)

Gia Đình & Giáo Dục (15/9/2023)

Tương quan với các thành viên trong gia đình: Sự tha thứ và ân sủng của Chúa (19/8/2023)

Nhìn lại mình (3/8/2023)

Đoán giới tính thai nhi theo kinh nghiệm dân gian (28/7/2011)

Tổng kết sau một năm làm vợ (25/7/2011)

Lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út (18/7/2011)

Tình yêu và đôi cánh (13/7/2011)

Cần hiểu chồng hơn nữa (9/7/2011)

Hiểu chồng và cảm thông với chồng (5/7/2011)

Nhìn nhận sự bình đẳng của vợ (29/6/2011)

“Bánh tình yêu” (20/6/2011)

Lãng mạn với Ngày của Cha (17/6/2011)

Chiếc giày phải bên trong cánh cửa (14/6/2011)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn