Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
BÌNH AN LÀ TRẠNG THÁI CỦA TÂM HỒN

Tôi đang ở Bùi Chu – một giáo phận gần như nằm gọn trong sáu huyện đồng bằng của tỉnh Nam Định.

Không kể những thị trấn với một vài ngôi chợ và một vài con phố có đông kẻ qua người lại, không kể những bến phà thưa thớt bên những dòng sông đục và vài con đường biển ngắn ngủi lèo tèo người tắm và dạo chơi, còn tất cả đều là những ngôi làng với những cánh đồng xanh mướt. Sừng sững nhìn xuống những cánh đồng ấy là những ngôi giáo đường cao vút. Trong những ngôi làng ấy rải đều những tiếng chuông nhà thờ.

Ngay cả trong những ngày gặt này, người ta cũng không nghe thấy tiếng ồn ào lao xao của kẻ gặt người hái. Chiều đến, chen giữa đám khói bay lên từ những gốc rạ vừa được đốt ở ngoài ruộng là sương mù giăng kín. Tối về, ngoài tiếng kêu rỉ rả của côn trùng, tiếng chó sủa bất chợt và tiếng nhạc yếu ớt từ đâu đó vọng về, là cả một không gian tĩnh lặng. Lặng tới mức nhiều khi có cảm giác ở đây không còn sự sống. Nhưng, giữa không gian êm đềm và tĩnh lặng vô cùng ấy, tôi vẫn không thấy bình an hay ít ra, vẫn cảm thấy một nỗi buồn vu vơ nào đó.

Thế mới biết, bình an chưa hẳn là kết quả của một không gian không tiếng động không tiếng ồn. Hay đúng hơn, trước khi là kết quả của ngoại cảnh tĩnh mịch, bình an là một trạng thái của tâm hồn.

Thi hào Nguyễn Du đã có lí khi cho rằng chính tâm hồn mới quyết định tình cảm của con người, chứ không phải là cảnh sắc bên ngoài : “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”. Chỉ tiếc là dường như chúng ta cũng không làm chủ được tâm hồn mình.

Chúng ta đã chẳng muốn lòng bình an đấy ư, nhưng có được đâu? Thật vậy, khi trở về với lòng mình, chúng ta phải đau khổ thú nhận: chính lòng mình cũng ngổn ngang trăm mối. Tưởng rằng sự thống nhất và an bình không tìm được ở bên ngoài thì sẽ tìm thấy khi quay về lòng mình !

Khi xem các bộ phim thám hiểm đại dương của thuyền trưởng Jean Cousteau, người ta những muốn tâm hồn mình cũng như thế : cho dù trên bờ và trên mặt biển là biết bao sự cố và sóng gió, nhưng dưới lòng đại dương luôn luôn là một sự yên bình rất đáng cho những người thợ lặn phóng mình xuống. Làm thế nào để có được một tâm hồn bình an, để nếu không từ đó phả ra ngoài một bầu khí bình an thì ít ra đó cũng là một chỗ để chúng ta quay về tránh gió bão !

Bất chợt, tôi nhớ tới khuôn mặt của Đức Giêsu: khuôn mặt an bình của một hài nhi ngủ yên trong máng cỏ, khuôn mặt hồn nhiên của một em bé nằm trong lòng mẹ trên đường từ Ai-Cập về Nadarét và đùa nghịch trong sân nhà, khuôn mặt hào hứng của một thiếu niên tại đền thờ Giêrusalem, khuôn mặt trầm ngâm của một thanh niên tại dòng sông Giođan rồi tại sa mạc trước khi bước vào đời, khuôn mặt vui tươi của một khách dự tiệc cưới ở Cana, khuôn mặt phấn khởi của một ráp-bi Do Thái khi giảng dạy và chiêu mộ môn đệ, khuôn mặt thương cảm của người thầy thuốc khi chữa lành bệnh tật, khuôn mặt bực tức nhưng vẫn điềm tĩnh của một ngôn sứ khi tranh luận với nhà cầm quyền Do Thái, khuôn mặt đau khổ nhưng vẫn thư thái của một vị ân nhân khi bị phản bội, tố cáo và kết án, khuôn mặt hấp hối nhưng rất thanh thoát của một người con và của một người tôi trung khi trút linh hồn và giao lại sự nghiệp trong tay Cha…

Xuyên qua tất cả những khuôn mặt ấy, Đức Giêsu lúc nào cũng là một người an bình. Đúng như tên hiệu của Ngài là “Thái Tử hoà bình” và đúng như thông điệp của Ngài là tin vui hoà bình.

Tại sao Đức Giêsu có thể luôn luôn bình an và bình an sâu xa tới mức có thể làm cho mọi người tiếp xúc với Ngài cũng cảm thấy bình an? Chẳng phải cuộc đời của Ngài có quá nhiều sóng gió đấy hay sao ? Chẳng phải sứ mạng của Ngài cũng lắm phức tạp đó hay sao? Chẳng phải hoàn cảnh xã hội – chính trị – tôn giáo của Ngài lúc ấy cũng có lắm éo le đó hay sao? Chẳng phải gia đình và cộng đoàn của Ngài cũng gặp nhiều khó khăn đó hay sao? 
 
Đức Giêsu lúc nào cũng là một người an bình. Đúng như tên hiệu của Ngài là “Thái Tử hoà bình” và đúng như thông điệp của Ngài là tin vui hoà bình.
Đức Maria cũng không khác lắm với Đức Giêsu, không phải chỉ vì “mẹ nào, con nấy”, mà quan trọng hơn vì Đức Maria đã không quên vai trò làm mẹ của mình chỉ có ý nghĩa thực sự khi được đặt trong chương trình của Thiên Chúa : làm mẹ để giúp Thiên Chúa thực hiện chương trình nhập thể cứu độ. Chính vì thế, Đức Maria không làm mẹ chỉ theo bản năng tự nhiên, mà làm mẹ theo bài bản của Thiên Chúa, và vì thế, ngài luôn học hỏi với Thiên Chúa và với chính Con Thiên Chúa về chính nhiệm vụ làm mẹ của mình.

Thế nên, cũng như Đức Giêsu, ngài luôn làm mẹ với một tâm hồn hết sức bình an, dù cuộc đời của ngài và nhiệm vụ của ngài diễn ra hết sức nổi trôi – thậm chí trong thân phận một thiếu nữ và một phụ nữ hoàn toàn tùy thuộc chồng con và xã hội như các thiếu nữ và các phụ nữ Do Thái đương thời, cuộc đời ấy và nhiệm vụ ấy còn khó khăn nhiều hơn nữa. 14 hay 15 tuổi lấy chồng và sinh con – mà không phải lấy chồng và sinh con cách bình thường : lấy chồng nhưng không có con với chồng mà có con của Trời ; phải sinh con và nuôi con ở phương xa, không người thân thích ; và gần giống như qui luật của người Á Đông : “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” Maria đã theo con vào đời sau khi chồng chết – dù luôn ở hậu trường nhưng không bao giờ xa cách con, càng không bao giờ đứng ngoài các lo lắng và đau khổ của con, đến nỗi có thể nói “đòng đâm tim con là gươm thâu lòng mẹ”.

Đức Maria cũng là một trong những người ít ỏi chứng kiến từ đầu đến cuối cái chết bi đát của con. Đau đớn hơn nữa, đã không được con phụng dưỡng tuổi già như bao bà mẹ may mắn khác, Đức Maria còn phải đưa vai gánh nốt sự nghiệp của con để lại là đồng hành và hỗ trợ giáo hội non trẻ, nhất là trong những ngày tháng ban đầu cheo leo.

Tin Mừng không nói rõ ngài đã chết thế nào, nhưng đó chắc chắn không phải là cái chết vẻ vang (bằng không, sử sách đã không ngại kể lại !) và cũng chưa hẳn là cái chết an nhàn vì cho đến cuối thế kỉ thứ nhất giáo hội của con ngài vẫn còn ngụp lặn trong bách hại và thử thách.

Thế nhưng, cũng như Đức Giêsu, chúng ta chưa một lần nghe thấy một lời ai oán hay một tiếng thở dài của Đức Maria. Nét mặt, câu nói, dáng đi, cử chỉ… của ngài vẫn rất bình an thư thái.

Nhờ đâu vậy ?
Chúng ta chưa một lần nghe thấy một lời ai oán hay một tiếng thở dài của Đức Maria. Nét mặt, câu nói, dáng đi, cử chỉ… của ngài vẫn rất bình an thư thái.

Theo tôi, câu trả lời nằm ở chỗ cả hai ngài có một nhân đức trông rất tầm thường nhưng vô cùng quan trọng và không dễ dàng tập luyện. Đó là đức đơn sơ hay đức đơn giản (“simplicité”).

Gọi bằng cách nào cũng đều thấy có chữ “đơn”, tức là một và chỉ một mà thôi.
Đơn sơ hay đơn giản là có khả năng nhìn mọi sự dù đa tạp đến đâu cũng chỉ qui về một, có khả năng thống nhất mọi sự dù dị biệt đến đâu. Thấy được một trong nhiều, thấy được thống nhất trong đa tạp, và sống theo nhận thức ấy, đó chính là bản chất của đức đơn sơ hay đơn giản.

Nếu thế, điều duy nhất ấy là gì đối với Đức Giêsu ? Chỉ một Chúa thôi để tôn thờ, chỉ một nhân loại thôi để yêu mến, chỉ một việc làm thôi là cứu vớt, chỉ một thái độ thôi là vâng phục, chỉ một hy sinh thôi là bản thân mình… Nói tóm lại, “chỉ có một điều cần thiết thôi” hay chỉ có một điều đáng kể thôi là hoàn thành kế hoạch cứu độ của Chúa Cha.

Khi đã nhìn ra cái duy nhất trong đa tạp và dị biệt như thế, hẳn Đức Giêsu không còn cảm thấy bị dằng co xâu xé, không còn cảm thấy bất an bất ổn, mà luôn cảm thấy bình an thư thái. Và điều duy nhất ấy là gì đối với Đức Maria ? Chỉ một đối tượng để yêu thương là Thiên Chúa – Thiên Chúa trên cao hay Thiên Chúa nhập thể. Chỉ một việc phải làm là hỗ trợ Thiên Chúa hoàn tất chương trình nhập thể cứu độ. Chỉ một thái độ để sống là lắng nghe tiếng Chúa và thi hành ý Chúa. Chỉ một điều phải quên đi là bản thân mình với những ước mơ, những tính toán hay nỗi lòng riêng… “Người bảo sao thì cứ làm vậy”.

Đó là châm ngôn sống của ngài khi theo con vào đời. Còn trước đó là “Tôi chỉ là nữ tì Chúa. Ngài muốn sao nên vậy”.

Ngày nay, nhiều người coi thường sự đơn sơ và đơn giản, và hay đề cao những sự phong phú dồi dào, đa tài đa năng, đa mang đa đoan. Thế nhưng, càng lớn, người ta càng thấy người trưởng thành là người đơn sơ và đơn giản bằng cách có khả năng thống nhất tất cả về một mối : nói một chữ mà tóm tắt tất cả tình cảm, viết một câu mà tóm tắt tất cả tư duy, làm một hành động mà tóm tắt tất cả kế hoạch hay dự phóng.

Khoa học ngày nay cũng đánh giá cao những định đề, những khái niệm, những biểu tượng hay những thuật ngữ nào càng ngắn gọn và sơ sài mà hàm súc. Trong thực tế, nói nhiều, viết nhiều và làm nhiều không khó lắm, nhất là khi nói nhiều, viết nhiều và làm nhiều nhưng chẳng có mấy nội dung và chẳng có mấy ý nghĩa. Nhưng nói ít mà được hiểu nhiều, viết ít mà gợi nhiều ý, làm ít mà kết quả nhiều… quả thật là khó, đôi khi tới mức phải là thiên tài hay thánh nhân mới đạt được.

Bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao hồng y linh mục kiêm thần học gia Hans Urs Von Balthasar viết rằng đức đơn sơ hay đơn giản là nhân đức căn bản và đặc thù của Kitô Giáo.

Bây giờ tôi cũng hiểu ra tại sao sống giữa một không gian hết sức tĩnh lặng và một bầu khí hết sức thanh bình mà lòng mình lại không yên. Chẳng phải là vì tôi không có sự đơn sơ trong cái nhìn, nói năng, ăn mặc, đi đứng, cư xử, hành động, hay vì tôi không có sự thống nhất trong tất cả những điều ấy hay sao ?

Tôi đa đoan và đa mang nhiều thứ quá : nào là lo cho tương lai và sự nghiệp của mình, lo cho sức khoẻ và tài sản của mình, lo cho vòng bè bạn và thân quen của mình ; nào là lo cho phần rỗi của mình sau này, lo cho sự cứu độ của người khác, lo cho cả thế giới…

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Đức Giêsu không bằng lòng về lối sống, cách cư xử và nhìn nhận sự việc của bà Mácta : “Con lo lắng lăng xăng nhiều việc quá." Đang khi chỉ có một điều duy nhất để lo thôi.

Và Maria đã làm được điều ấy”.

Nếu có cầu chúc cho anh chị em và nếu có muốn anh chị em cầu nguyện cho tôi, thì tôi chỉ xin nêu ra điều ấy – một điều duy nhất thôi : hãy làm sao có được nhân đức đơn sơ hay đơn giản, theo nghĩa lúc nào cũng chỉ nhìn ra một điều trong vạn sự, lo lắng một điều trong vô số bận tâm, ước mơ một điều trong ngàn giấc mơ. Đó là yêu Chúa và yêu con người. Đó là tôn vinh Chúa và tôn vinh con người. Đó là phục vụ Chúa và phục vụ con người. Chúa và con người là một.

Mùa Noel sắp tới. Đó cũng là mùa của an bình và vui tươi. Sở dĩ Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse trong mùa này an bình và vui tươi được, dù sống giữa bao nghịch cảnh và khó khăn, đó là vì cả ba đều sống rất đơn sơ và đơn giản : chỉ suy nghĩ một việc, chỉ lo lắng một điều, và điều đó chính là làm sao thực hiện kế hoạch Thiên Chúa nhập thể để cứu độ con người. Cuộc đời đa tạp không đáng là nơi cho chúng ta lao vào để tìm an bình. Nhưng tâm hồn chúng ta chỉ đáng cho chúng ta quay về tìm lấy bình an, khi đó là một tâm hồn đơn sơ và đơn giản, một tâm hồn chỉ có một bận tâm – một ước mơ – một tính toán, đó là tất cả đều chỉ để “làm vinh danh Chúa và cứu độ anh em”.

Phêrô Đặng Xuân Thành


Giáo lý về thói xấu và nhân đức (22.05.2024): Bài 21 – Đức khiêm nhường (27/5/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (15.05.2024): Bài 20 – Đức mến (27/5/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (08.05.2024): Bài 19 – Đức cậy (27/5/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (01.05.2024): Bài 18 – Đức tin (3/5/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (24.04.2024): Bài 17 – Đời sống ân sủng trong Chúa Thánh Thần (3/5/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (17.04.2024): Bài 16 – Nhân đức tiết độ (23/4/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (10.04.2024): Bài 15 – Nhân đức can đảm (12/4/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (03.04.2024): Bài 14 – Nhân đức công bình (4/4/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (27.03.2024): Bài 13 – Nhân đức kiên nhẫn (4/4/2024)

Giáo lý về thói xấu và nhân đức (20.03.2024): Bài 12 – Nhân đức khôn ngoan (4/4/2024)

Đại đức Thích Thanh Huân: 'Đừng để cha mẹ mất trong tâm mỗi người' (16/8/2013)

Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhà báo trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma (2/2) (4/8/2013)

Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhà báo trên chuyến bay từ Rio de Janeiro trở về Roma (1/2) (4/8/2013)

Tóm lược về 12 Thánh Tông Đồ (21/6/2013)

Lẽ sống tháng 06-2013 (1/6/2013)

Tuần Cửu Nhật xin hoa quả Chúa Thánh Thần (18/5/2013)

Lẽ sống tháng 05-2013 (5/5/2013)

Lẽ sống tháng 04-2013 (2/4/2013)

Giêsu Kitô - danh hiệu trên mọi danh hiệu (26/3/2013)

Lẽ sống tháng 03-2013 (28/2/2013)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn