ĐTC ĐỌC DIỄN VĂN TẠI QUỐC HỘI LIÊN BANG ĐỨC
 “Chúng ta cầu xin cho có một tâm hồn biết lắng nghe”. Đó là câu kết thúc bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 trước các vị Đại diện dân cử ở Quốc Hội liên bang nước Đức hôm 22.09.2011, ngày thứ nhất chuyến viếng quê hương của Ngài.
Cuộc viếng thăm trở về quê hương nước Đức của Ngài lần này, đã có những phản đối ồn ào từ nhiều phía. Nhưng trên chuyến máy bay sang Đức hôm 22.9.2011, Đức Giáo Hoàng đã cho đó là chuyện bình thường, trong một xã hội dân chủ tự do đa dạng.
Khi Đức Giáo Hoàng đến, chính phủ Đức quốc đã ra tận cầu thang máy bay đón tiếp Ngài với đủ nghi thức ngoại giao lịch sự dành cho một vị Nguyên thủ quốc gia trên thế giới - Đức Giáo Hoàng Công giáo Roma không chỉ là vị thủ lãnh Giáo Hội, đại diện Chúa Giêsu Kitô trên trần gian, nhưng về mặt công pháp quốc tế Ngài còn là Quốc Trưởng quốc gia độc lập Vatican, cho dù quốc gia này có diện tích rất nhỏ bé trên thế giới.
Tổng Thống Đức quốc, Dr. Wulff đã chào mừng Ngài trọng thể với đầy đủ các nghi lễ dành cho một vị Quốc Trưởng tại khu sân trong dinh Tổng Thống ở Berlin cùng với hơn một ngàn khách danh dự được mời tham dự.
Từng bước chân, từng lời nói của Đức Giáo Hoàng đều được chú ý ghi nhận, rồi làm đề tài phân tích phê bình. Điều này cần thiết. Nhưng với người Công giáo chúng ta, những gì Đức Giáo Hoàng nói ra đều mang tính cách của bước chân nhà truyền giáo.
1. Tự do trong tương quan liên đới
Trong bài diễn văn chào mừng Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống đã nêu lên vấn đề, hay đúng hơn những ưu tư thắc mắc của con người xã hội nơi đây, với Giáo Hội về phương diện đức tin: “Giáo Hội chiếu tỏa tình yêu thương thông cảm thế nào với những đổ vỡ trong đời sống con người? Giáo Hội đối xử thế nào với những thiếu xót của họ? Đâu là chỗ đứng của người giáo dân bên cạnh các linh mục, của phụ nữ bên cạnh đàn ông? Giáo Hội làm gì để bài trừ sự căng thẳng trong Công Giáo, trong Tin Lành, trong Chính Thống?”
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 với cung cách khiêm nhường của một vị mục tử, cùng với suy tư thần học, đã cám ơn và chào mừng Tổng Thống cùng mọi người đã đón tiếp ngài long trọng. Và Ngài đã nói lên mục đích chuyến viếng thăm của ngài: “Tôi đến thăm qúy quốc, cũng là quê hương của tôi, không phải như những vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới, bàn về những mục tiêu chính trị cùng kinh tế - điều này thật đúng chính đáng - nhưng tôi đi tìm gặp con người và nói chuyện với họ về Thiên Chúa…
Tôn giáo là nền tảng căn bản cho đời sống chung được thành công “Như tôn giáo cần tự do, cũng vậy, tự do cần tôn giáo”. Sự tự do cần dựa liên kết với nền tảng cao cả hơn. Vì có những gía trị không phải tự nhiên mà có, cũng như không ai có thể tạo biến chế thay đổi ra được, đó là sự bảo đảm cho tự do của chúng ta. Con người đều biết mình có bổn phận trách nhiệm cho sự thật và cho sự tốt lành, cũng có đồng bổn phận trách nhiệm khai triển sự tự do, và chịu trách nhiệm trước sự tốt lành cao cả hơn. Sự tốt lành này chung cho tất cả. Vì thế, tôi và mọi người phải nhận biết điều này. Sự tự do không thể sống động trong nơi không có tương quan liên đới”.
Dù chỉ là bài đáp từ cám ơn chào mừng thôi, nhưng đã nhắn gửi truyền đi sứ điệp truyền giáo của Ngài đến đây, làm gì rồi cho Thiên Chúa cùng con người.
2. Bài diễn văn trước Quốc Hội
Tuần lễ trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng xảy đến, những nhóm chống đối ngài, phản đối chuyến viếng thăm, đã rầm rộ ồn ào phát biểu, phát động trong mọi hệ thống truyền thông công tư, bằng đủ mọi hình thức.
Và mọi người cũng chờ đợi xem Đức Giáo Hoàng sẽ nói gì lần đầu tiên trước Quốc Hội dân cử nước Đức.
2.1. Xâm phạm tính cách trung lập
Nhóm Dân biểu Quốc Hội, khoảng 100 người, đã phản đối đặt câu hỏi: nếu để Đức Giáo Hoàng Công giáo Benedictô 16 đến thăm Quốc Hội và đọc diễn văn nơi đây sẽ làm cho tính cách trung lập về thế giới quan, sự phân biệt Quốc gia và Giáo Hội tôn giáo bị tổn thương xâm phạm. Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đọc diễn văn ở Quốc Hội với tư cách là vị Quốc trưởng một quốc gia hay là Vị Thủ lãnh Giáo Hội?
Dựa vào lý do đó, nhóm Dân Biểu này đã phản đối tẩy chay, không đến tham dự phiên họp Quốc Hội, đón tiếp cùng nghe bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 hôm 22.9.2011.
Nhưng Đức Giáo Hoàng đã nói: “Thưa Qúy vị, tôi cám ơn Qúy Vị đã mời tôi đọc diễn văn nơi đây trong tòa nhà Quốc Hội. Đây là một vinh dự và niềm vui cho tôi. Tôi hiểu lời mời tôi đọc diễn văn có giá trị cho vị Giáo Hoàng, là Giám Mục thành Roma, có trách nhiệm tối cao cho toàn thể những người Công giáo. Và như thế công nhận vai trò của Tòa Thánh như một thành phần trong cộng đồng các dân tộc, các quốc gia trên thế giới”.
Với lời phân định như trên, Đức Giáo Hoàng đã đánh tan những nghi kỵ hiểu sai lạc về vai trò của ngài. Và như vậy Ngài đã mở ra cánh cửa (lúng túng, gỡ rối) cho Quốc Hội trong tương lai, có nên mời những vị lãnh đạo các Tôn giáo khác đến thăm viếng cùng đọc diễn văn không, mà không sợ tính trung lập cũng như sự phân biệt giữa Quốc gia và Tôn giáo bị tổn thương xâm phạm.
Đúng là một vị mục tử có tầm nhìn của một người khôn ngoan, nhưng đứng trên nền thực tế đời sống, với lòng khiêm nhượng sâu thẳm, và rõ ràng trong sáng trong ngôn ngữ phân định!
2.2. Nền tảng của luật pháp
Trong thế giới ngày hôm nay, nhất là ở xã hội tự do Âu châu đang trên đà tục hóa, người ta dựa vào luật pháp làm ra luật để giúp cho đời sống có trật tự. Nhưng một đàng, lại có những cản trở theo luật lệ làm cho đời sống chung bị khó khăn, có khi gặp cảnh phải chịu đựng vì mất công bình. Nền tảng đó là thế nào?
Đức Giáo Hoàng đã dựa vào Kinh Thánh nói về nền tảng luật pháp. Ngài trưng lời cầu khẩn của Vua Salomon cầu xin cùng Thiên Chúa làm dẫn chứng mở đầu: "Nhà vua trẻ tuổi Salomon không xin sự thành công, không xin được giầu sang nhiều của cải, được sống lâu trường thọ để tiêu diệt quân thù. Nhưng nhà Vua xin cho được một trái tim tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân chúng, cùng biết phân biệt sự tốt lành khỏi sự dữ điều xấu xa" ( 1Các Vua 3,9).
Theo Ngài, đó là thước đo cùng là căn bản cho việc làm của những người làm chính trị, không được phép lấy sự thành công và sự giầu sang làm chính. Chính trị phải nỗ lực xây dựng sự công bằng, tạo điều kiện mang lại hòa bình. Lẽ dĩ nhiên, người làm chính trị cần sự thành công để giúp họ khai triển đường lối hình thái chính trị. Nhưng sự thành công phải quy dựa trên thước đo sự công bằng chính trực, dựa trên nền tảng ý muốn của luật pháp. Sự thành công có thể là cám dỗ đi đến xâm phạm sai luật pháp, và phá đổ sự công bằng. Như Thánh Augustino đã nhận định: “Một quốc gia bài trừ, đặt luật pháp ra một bên, sẽ chẳng còn gì khác lớn lao hơn là một băng đảng cướp”.
Thật là một nhận định trong sáng đầy thuyết phục, cùng bất ngờ cho mọi người của một vị Giáo Hoàng giáo sư Thần học, với những suy tư thâm sâu nhưng thời sự về mối tương quan đạo đời.
2.3. Lý trí và tự nhiên (natural)
Thắc mắc làm sao nhận biết ra được điều gì là nền tảng cho luật pháp? Người ta ngày nay không muốn nói đến ảnh hưởng của Kitô về luật pháp, trong đời sống xã hội đã có từ ngàn năm xưa. Nhưng không ai có thể chối bỏ được thực tế, sự nảy sinh và thành hình của ảnh hưởng đó trên văn minh, trên luật pháp trong xã hội đời sống nơi đây.
Đức Giáo Hoàng trình bày suy tư: “Trong lịch sử, những luật lệ luật pháp đều bắt nguồn có gốc rễ ở niềm tin tôn giáo: hướng nhìn về Thiên Chúa thần thánh là mấu chốt nhận ra điều gì phải, xứng hợp cho con người. Kitô giáo không như các tôn giáo khác, không bao giờ đưa ra luật của sự mạc khải, luật pháp trật tự sự mạc khải. Thay vào đó, Kitô giáo quy hướng vào Thiên Nhiên và lý trí, là nguồn của luật pháp - trong tương quan liên kết phần lý trí khách quan và lý trí chủ quan, được xây dựng bắt nguồn từ nơi lý trí sáng tạo của Thiên Chúa.
Những nhà thần học Kitô giáo đã tiếp nhận luồng tư tưởng này về triết học và luật học, mà đã thành hình từ thế kỷ thứ hai trước Chúa Giáng sinh. Vào đầu nửa thế kỷ thứ hai trước Chúa giáng sinh, thành hình phong trào giữa triết học phái Stoismus về luật tự nhiên trong xã hội, và những thầy dạy của luật pháp Roma. Trong khung cảnh tiếp cận đó, nền văn hóa về luật pháp tây phương đã hình thành và ra đời. Từ dây tương quan trước Chúa Giáng sinh về luật pháp cùng triết học, con đường văn hóa của luật pháp cho nhân loại tiếp tục trải qua vào thời trung cổ nền văn hóa Kitô giáo, sang đến thời điểm khai triển luật pháp của thời kỷ nguyên mới, được làm sáng tỏ với bản tuyên ngôn nhân quyền, và được ghi khắc vào bản Hiến Pháp 1949 của Cộng Hòa Liên Bang Đức làm nền tảng căn bản nhân quyền, không được xâm phạm tổn thương và không được đem ra rao bán. Quyền này là căn bản cho đời sống cộng đồng của con người, của hòa bình và sự công bằng trên thế giới.
Sự phát triển luật pháp, và sự phát triển về nhân đạo là điều quyết định, khiến các nhà thần học Kitô giáo đã đứng về phía triết học. Họ đã công nhận lý trí và tự nhiên cùng chung hợp như nguồn luật pháp.
Thánh Phaolô cũng đã khẳng định như thế: “Dân ngoại là những người không có Luật Môsê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Môsê (15). Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó” (Roma 2,14-15).
Và nơi đây, nói tới hai ý tuởng tự nhiên và lương tâm, mà lương tâm không là gì khác hơn điều mà Vua Salomon nói đến, một trái tim, một tâm hồn biết lắng nghe, như là ngôn ngữ của bản thể lý trí mở ra…”
Đúng là suy tư lý luận của một nhà thần học, một học giả bậc thầy, uyên bác với lối văn chương triết học lý luận, trình bày khúc chiết. Như ký giả P.Seewald đã có nhận xét: Trí óc suy luận của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 là một kho tàng qúi báu vô gía cho thời đại ngày hôm nay.
2.4. Bảo vệ gìn giữ sự sống thiên nhiên
Càng ngày việc bảo vệ gìn giữ thiên nhiên luôn xanh tốt khoẻ mạnh trong lành, không còn là một phong trào hay ý thức hệ, gây tranh cãi với những đòi hỏi cùng phản đối nữa, nhưng là bổn phận khẩn thiết của con người, của quốc gia đất nước. Việc gìn giữ thiên nhiên,
đi liền với đời sống của mọi thế hệ con người trên mặt đất.
Bổn phận hay đúng hơn thách đố này đòi hỏi mọi người và còn có chiều sâu xa hơn nữa. Ngày nay người ta quy hướng nhiều vào việc bảo vệ đất đai, cây rừng, không khí, mà như bỏ sót hay quên đi yếu tố quan trọng khác nữa. Đó là chính con người.
Đức Giáo Hoàng đã đi vào vấn đề này theo chiều suy luận vừa trên căn bản tự nhiên, vừa trên nền tảng đức tin thần học... "Phong trào trở về với thiên nhiên của nền chính trị nước Đức, từ những năm 70 của thế kỷ trước không là mở tung cánh cửa sổ, nhưng trước sau vẫn là tiếng gào thét đi tìm kiếm làn không khí tươi mát, điều này phải được lắng nghe và không được xếp đẩy qua một bên. Những người trẻ đã ý thức nhận ra có điều sai trái về cung cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Vật chất tài nguyên không chỉ cho con người tự do làm gì thì làm, nhưng thiên nhiên trái đất có nhân vị riêng của nó và chúng ta phải nghe theo chỉ dẫn của thiên nhiên…
Chúng ta phải nghe hiểu ngôn ngữ của thiên nhiên và có câu trả lời tương hợp thích đáng. Theo tôi, có một thiên nhiên của con người nữa. Vâng, con người cũng là một thiên nhiên. Con người phải chú trọng đến điều này, và không thể được theo sở thích biến đổi. Con người không tự mình làm ra mình. Con người là tinh thần và ý muốn, con người cũng là thiên nhiên. Ý muốn của con người đúng, khi con người lắng nghe thiên nhiên, khi con người kính trọng chính mình, chấp nhận mình như mình là, và không phải tự do mình làm ra mình. Chỉ chấp nhận như thế, con người mới có được tự do đích thực”.
Một tầm nhìn xa trông rộng của một trí óc quan sát những sự việc, những sinh hoạt con người trên trần gian với hướng nhìn mở rộng vừa hướng lên trời cao, vừa đi vào chiều sâu bản chất cũng như sự việc cùng đời sống con người.
Phải chăng suy tư này, là câu trả lời hay đúng hơn là gợi ý giúp phản tỉnh trong việc bảo vệ qúi trọng sự sống con người, dù còn trong bào thai, người còn trẻ hay đã lớn tuổi, hay người bị bệnh tật! Họ cũng phải được luật pháp bảo vệ.
Kiến thức uyên thâm cùng đời sống chiêm niệm suy tư, đã tạo nên trí óc thông minh cho vị Giáo Hoàng lỗi lạc như thế.
2.5. Nền gốc văn hóa Âu châu
Nói đến văn hóa Âu châu, người ta thường nghĩ đến sự già cỗi có từ lâu đời của nó. Đang khi thời đại càng biến đổi, thay đổi nhanh chóng. Điều này tạo ra tiến trình trong đời sống xã hội như muốn chối cắt bỏ gốc rễ căn tính nền văn hóa Kitô giáo bên các nước Âu châu với phong trào tục hóa cùng tương đối hóa nhất là trong lãnh vự đạo giáo tinh thần.
Trước đe dọa đó, Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đã nói với cử tọa là những vị dân cử ở Quốc Hội có trách nhiệm làm ra luật lệ cho đời sống của dân nước.
“Khởi từ niềm xác tín Thiên Chúa, Đấng tạo hóa là ý tưởng của nhân quyền, ý tưởng về sự bình đẳng của mọi con người trước luật pháp, sự nhìn nhận hiểu biết về điều nhân phẩm con người không thể bị đem ra phân giải đụng chạm tới, đã được khai triển ra. Những sự hiểu biết này của lý trí làm trí nhớ văn hóa chúng ta. Bỏ qua, quên đi qúa khứ, là vô tình làm cho nền văn hóa chúng ta bị thương gãy, rồi bị ráp nối băng bó, và cũng vô tình làm cho toàn thể nền văn hóa bị lấy mất tàn phá đi.
Nền văn hóa của Âu châu thành hình do sự gặp gỡ từ Giêrusalem, Athen, và Roma. Từ cuộc gặp gỡ giữa đức tin vào Thiên Chúa của dân Israel, nền triết học lý trí của người Hy Lạp và nền luật pháp của người Roma đã thành hình ra. Cuộc gặp gỡ ba chiều đó đã kiến tạo nên bản tính nội tại của Âu châu. Căn tính đó khắc ghi vào trong ý thức về trách nhiệm của con người trước Thiên Chúa, và trong sự công nhận nhân phẩn con người không được bị đụng chạm phân giải, thước đo của luật pháp bảo vệ chống đỡ cho chúng ta trong giờ phút lịch sử mà nhân phẩm mỗi con người ra trình diện.
...Ngày xưa vị Vua trẻ tuổi Salomon trong giờ phút lịch sử lên ngôi Vua đã cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một trái tim tâm hồn biết lắng nghe – khả năng biết phân biệt điều tốt và sự xấu để làm luật pháp cho đúng, để phục vụ xây dựng sự công bằng cùng cho nền hòa bình.”
Đạo đức cùng thâm thúy hơn, tưởng khó có thể được của một tâm hồn có kiến thức bao la cùng ý thức về cội rễ nền văn hóa của nhân loại của Âu châu đang trong cơn lốc làm cho chao đảo xáo trộn, như đang dần bị chối bỏ cắt đứt khỏi gốc rễ của nó.
Đây chỉ là một vài điểm nhỏ trong bài diễn văn thôi, nó còn chứa đựng nhiều điều to lớn hơn nữa.
Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng đã được đón nhận rộng rãi, cùng gây tiếng vang rất tích cực nơi mọi tầng lớp. Bài diễn văn lịch sử này đã gây chú ý cùng rất ngạc nhiên và sự vui mừng thích thú cho mọi người. Vì bài diễn văn gói ghém ẩn chứa nhiều kiến thức thâm sâu, nhiều ý tưởng gợi ý suy nghĩ tiếp, như về luật pháp, về lý trí, về thiên nhiên, về lương tâm, về tự do, về tôn giáo, về triết học, về tiếng nói trong tâm hồn, nhất là về Thiên Chúa trong đời sống con người.
3. Cơn bão tố quay lưng lại với Giáo Hội
Hằng năm Giáo Hội Công giáo Đức mất đi vào khoảng hơn một trăm ngàn người tín hữu - năm 2010 có 181.193 người tín hữu Công giáo quay lưng lại với Giáo Hội - không kể người qua đời. Lý do vì họ xin ra khỏi đạo. Có nhiều động lực khác nhau khiến họ đi tới quyết định quay lưng lại với Giáo Hội.
Nhưng từ hai năm qua, khi tin tức về những lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên loan tải rộng rãi đã xảy ra trong nội bộ Giáo Hội nước Đức, số người xin ra khỏi Giáo Hội nhiều thêm lên. Uy tín Giáo Hội suy yếu giảm thiểu nhiều. Cộng thêm sự thu gọn các xứ đạo nhỏ lại. Tình trạng thật thê thảm tới mức báo động.
Đức Thánh Cha Benedictô 16 sang thăm Giáo Hội nước Đức lần này, nhằm muốn củng cố tinh thần Giáo Hội cũng như người Giáo dân nơi đây, trước cơn bão tố suy giảm uy tín trong Giáo hội, cùng số đông người tín hữu quay lưng lại với Giáo Hội đang trên đà gia tăng.
Chiều ngày 22.9.2011, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ với 70.000 ngàn người ở sân vận động Olympia Berlin. Trong bài giảng, Ngài đã nói về sức sống của Giáo Hội cùng kêu gọi mọi người hãy ở lại với Giáo Hội.
“Ngài lấy hình ảnh trong Phúc âm về ví dụ Chúa dung: Thầy là cây nho, các con là cành nho” (Ga 15,5), nói lên mối tương quan liên hệ không có tính cách lý tưởng thi vị, suy tư hay dấu chỉ tượng trưng, nhưng là sự thuộc về Chúa Giêsu Kitô theo ý nghĩa sinh vật đầy đủ sự sống. Đó là Giáo Hội, đó là cộng đoàn sự sống với Chúa Giêsu và cho nhau, đã được thành hình trong Bí tích rửa tội và Bí tích Mình Thánh Chúa. Chúa Giêsu nói “Thầy là cây nho” trong ý nghĩa “Thầy là anh em, anh em là Thầy”. Đây là căn cước tính của Chúa với chúng ta, với Giáo Hội của Người.
Nhiều người nhìn vào Giáo Hội, và dừng lại cơ cấu bên ngoài. Như thế, Giáo Hội không hơn kém chỉ là một trong những tổ chức hội đoàn trong một xã hội dân chủ, và căn cứ theo khuôn thước mà đo, theo luật lệ mà xét xử, phê phán chiều kích của Giáo Hội. Khi những kinh nghiệm đau thương đổ ập kéo đến, vì trong Giáo Hội có cá tốt lẫn cá xấu, có nho lẫn cỏ dại, họ cũng chỉ nhìn Giáo Hội dưới nhãn quan tiêu cực. Và như thế không còn mở tầm nhìn ra mầu nhiệm to lớn cùng sâu thẳm của Giáo Hội nữa.
Cứ như thế không còn niềm vui nữa với Giáo Hội, về sự liên quan thuộc về Giáo Hội như thân cây nho. Sự bất bình cùng mất niềm vui lan rộng, khi người ta nhìn thấy bề nổi bề ngoài không đúng hợp với sự mong chờ tưởng tượng mơ ước của mình trong Giáo Hội không còn như xưa nữa. Vì nơi đó không còn lời ca tiếng hát với niềm hân hoan vui mừng “Dank sei dem Herrn, er mich aus Gnad´in seine Kirche berufen hat” trải qua mọi thế hệ xưa nay vẫn quen hát thuộc lòng.
Chúa Giêsu tiếp tục nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Anh em hãy ở lại trong Thầy, Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4).
Hình ảnh cây nho là dấu hiệu niềm hy vọng và tin tưởng. Chúa Giêsu Kitô đã làm người xuống trần gian, là nền tảng gốc rễ cho chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và hạn hán, Ngài là nguồn mang đến nước cho sự sống, giúp nuôi dưỡng cùng củng cố sức mạnh cho chúng ta. Ngài tự nguyện mang gánh trên vai lấy tội lỗi, sự lo âu sợ hãi và đau khổ, cùng tẩy rửa và biến đổi cách nhiệm mầu trong rượu nho tốt lành.
Đôi khi, chúng ta cảm thấy trong những giờ phút khó khăn như bị vùi dập đè ép, giống như trái nho hoàn toàn bị ép nghiền nát. Nhưng chúng ta biết rằng, liên kết với Chúa Kitô chúng ta sẽ thành rượu nho nồng độ chín mùi. Thiên Chúa cũng biết sự khó khăn dày vò của đời sống chúng ta, để biến đổi trong tình yêu thương. Quan trọng là chúng ta ở lại gắn liền với cây nho bên Chúa Kitô.
Ở lại trong Chúa Kitô là cũng ở lại trong Giáo Hội. Toàn thể cộng đoàn những tín hữu gắn liền với thân cây nho Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này Người bao bọc nâng đỡ chúng ta, và đồng thời tất cả mọi thành phần cũng bao bọc nâng đỡ lẫn nhau. Mọi người cùng chung đứng chống lại cơn giông bão và nâng đỡ che chở nhau. Người nào tin, họ không lẻ loi một mình. Chúng ta không tin một mình, nhưng chúng ta tin cùng với toàn thể Giáo Hội.
Cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội, chúng ta được phép loan báo cho mọi người rằng Chúa Kitô là nguồn đời sống, rằng Ngài là đấng luôn có mặt, rằng Ngài cao cả mà chúng ta hằng khao khát tìm đến. Ai tin vào Chúa Kitô, người đó có tương lai. Vì Thiên Chúa không muốn sự khô khát hạn hán, sự chết, điều gì sau cùng bị vất bỏ, nhưng sự mầu mỡ sinh hoa kết qủa và sự sống, sự sống tràn đầy”.
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16, người kế vị Thánh Phêrô, nỗ lực trong sứ mạng thiêng liêng chăn dắt đàn chiên của Chúa ở trần gian và củng cố đức tin của người tín hữu trong Giáo Hội Chúa. Những lời giảng dạy của Ngài trên tòa giảng, trong các thư viết là những chỉ dẫn hướng đi, những gợi ý suy nghĩ cho mọi người trên đường đi tìm thánh nhan Thiên Chúa.
Gieo rắc niềm vui, củng cố niềm hy vọng, và tin tưởng vào Chúa là nền tảng của sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội.
4. Củng cố đức tin vào Chúa trong tinh thần đại kết
Nước Đức là nôi, là quê hương của phong trào cải cách, của đạo Tin Lành. Năm 1517, Thầy Dòng Augustino Martin Luther đã đưa ra đề án cải cách đời sống đạo Công giáo, và từ đó nảy sinh ra hệ phái đạo Tin Lành tách riêng ra khỏi đạo Công Giáo với cơ cấu tổ chức riêng được Vua chúa Quốc gia công nhận cùng nâng đỡ.
Từ hàng chục năm nay, phong trào đại kết giữa Tin lành và Công Giáo qua những cuộc đối thoại đã mở ra con đường đại kết (Oekumene). Tin vào một Thiên Chúa như nhau giữa hai bên, nhưng cách thức thực hành niềm tin lại có những khác biệt.
Bên Giáo Hội Công Giáo có 7 Bí tích làm nền tảng cho việc thực hành đức tin, đang khi bên Giáo hội Tin Lành chỉ có 2 Bí tích: Rửa tội và bữa Tiệc ly.
Hai bên đã đi đến công nhận Bí tích rửa tội của nhau. Nhưng bên Công giáo không công nhận việc cử hành Bí tích Thánh Thể của bên Tin Lành. Lý do vì theo Công giáo các vị tư tế ( Mục sư) bên Tin Lành không có chức Linh mục như Bí tích truyền chức thánh bên Công giáo. Nên không thể có chung việc cử hành chung Bữa tiệc ly Thánh Thể được.
Bên Công giáo có phẩm trật từ trên xuống dưới, do Thiên Chúa kêu gọi sắp đặt ban cho trong Giáo Hội: Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục và Tu sĩ nam nữ, đang khi bên Tin Lành không có phẩm trật như thế.
Bên Giáo Hội Công Giáo, việc tôn kính Đức Mẹ Maria, là mẹ Thiên Chúa và loài người, các Thánh là những vị anh hùng làm gương sống đức tin cùng là người bầu cử cho con người trước tòa Chúa, là nếp sống đạo đức bình dân, nhưng phổ thông cùng được khuyến khích yêu chuộng. Đang khi bên Tin lành không có tập tục này, hay còn nghi ngờ.
Trong chuyến viếng thăm nước Đức lần này, Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đã đến tận nhà dòng Augustino ở Erfurt, nơi đây Martin Luther đã sống là một Thầy dòng , và năm 1507 ông đã chịu chức Linh mục. Năm 1517, Martin Luther ở Wittenberg đã đưa ra 95 đề tài đòi cải cách Giáo Hội khỏi những sai lầm thời đó.
Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đến tu viện lịch sử Augustino, quê hương của nhà cải cách, vị sáng lập Giáo Hội Tin Lành Martin Luther, đã cùng với các Vị chức sắc cao cấp của Tin lành nói chuyện và cùng cầu nguyện chung trong tinh thần đại kết.
“Đây là giây phút cảm động cho tôi, vị Giám mục thành Roma, hôm nay đến tu viện Augustino cũ ngày xưa gặp gỡ các Vị đại diện của Giáo Hội Tin Lành. Cũng nơi đây Martin Luther đã học thần học. Nơi đây năm 1507, ông đã chịu chức Linh Mục. Ngược lại với ý muốn cha mình, muốn ông học ngành luật khoa, Luther đã theo học thần học và đã theo đuổi con đường làm Linh mục trong Dòng Augustino. Ông theo đuổi con đường này không vì điều này điều khác. Nhưng ông muốn đi tìm Thiên Chúa. Điều này đã khiến ông với lòng yêu mến ray rứt sâu thẳm, luôn luôn xao xuyến nghĩ tới trong đời sống mình: “Làm sao tôi có thể tiếp nhận được Thiên Chúa nhân từ khoan dung?” Thắc mắc đó hằng sống động khơi lên trong tâm hồn ông, và trong những suy tư thần học cũng như xoay quanh những thảo luận thần học.
Điều quan trọng nhất cho việc đại kết, theo tôi, là chúng ta đừng để vô tình không chú ý bị phong trào tục hóa thúc đẩy làm đánh mất những điểm chung lớn lao, những điểm đó làm cho chúng ta trở nên người tín hữu Chúa Kitô, cùng là ân đức và nhiệm vụ trao cho chúng ta. Rõ ràng đã là điều thiếu sót sai lầm của thời đại về tôn giáo, mà chúng ta nhìn thấy sự ngăn chia, và không chấp nhận điều đó từ căn băn. Những điều trong Kinh Thánh và tuyên xưng đức tin về đạo Chúa Kitô ngày xưa là điều chung hợp của chúng ta.
Chúng ta đã đạt được bước tiến triển lớn lao trong tinh thần đại kết từ những thập niên qua là cần thiết có sự chung hợp, là chúng ta cùng nhau hát ca tụng Thiên Chúa, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau loan truyền nền luân lý đạo đức cho thế giới, cùng nhau làm nhân chứng cho Chúa Giêsu trong thế giới này…
Nhưng không phải sự suy giảm bớt đi về đức tin giúp chúng ta, nhưng chỉ sống đức tin toàn vẹn trong thế giới ngày hôm nay. Đó là bổn phận chính yếu trung tâm của đại kết. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau thực hành điểm này: sống đức tin sâu xa và sống động. Không phải những hành động có tính chiến thuật cứu giúp đạo Kitô giáo chúng ta, nhưng đức tin được suy nghĩ mới lại, một đức tin sống động mới, nhờ Chúa Kitô, và trong Người, đấng là Thiên Chúa sống động đi vào trong thế giới hôm nay.”
Vị đại diện Chúa Giêsu trên trần gian trong cung cách khiêm nhượng, kính trọng ca ngợi Luther, đánh gía cao việc cùng công nhận sự cần thiết của Đại kết, nhưng không vì thế mà từ bỏ cốt lõi chính của đức tin: Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm cốt lõi của đại kết.
5. Hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria
Ngày thứ hai của chuyến viếng thăm, thứ sáu ngày 23.09.2011, sau khi thăm viếng cùng cầu nguyện chung đại kết ở Tu viện Augustino ở Erfurt với các Vị đại điện Tin lành, Đức Thánh Cha Benedictô 16 đã cùng với 90.000 người hành hương đến trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Maria ở Etzelsbach, thuộc vùng Đông Đức cũ. Nơi đây ngài đã cùng với đoàn tín hữu Chúa Kitô cử hành giờ phụng vụ Kinh Chiều kính Đức Mẹ Maria.
Trong thời đại con người gặp nhiều bước đường khó khăn, nghi hoặc, việc sùng kính đi hành hương kính Đức Mẹ Maria là cần thiết cho sức mạnh, cho tâm hồn niềm tin. Nhưng đâu là ý nghĩa của việc này?
“Hành hương kính Đức Mẹ, tập trung vào sự chiêm ngắm suy niệm mối tương quan giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu, người con của Đức Mẹ. Người tín hữu luôn tìm thấy những khía cạnh mới giúp nhận ra mầu nhiệm bí ẩn, hình ảnh trái tim vẹn sạch của Đức Mẹ là như dấu chỉ sâu thẳm cùng không chia sẻ giữ lại của sự hiệp nhất về tình yêu với Chúa Giêsu Kitô. Không phải sự tự ca ngợi vinh danh đưa đến sự khai mở của con người, như ngày nay có hình ảnh hướng dẫn về đời sống mới trong các quảng cáo, sẽ có thể dễ dàng dẫn đến sự ích kỷ cách tinh vi tế nhị. Nhưng nhiều hơn là cung cách của sự hy sinh dấn thân, như nơi trái tim Đức Mẹ cùng trái tim của Đấng cứu chuộc chúng ta…
Thiên Chúa nơi Đức mẹ Maria đã làm tất cả thành lành thánh tốt đẹp, và Ngài cũng không ngừng qua Đức Mẹ Maria làm cho sự tốt đẹp lành thánh lan tỏa trong thế giới. “Trong khoảnh khắc sự hy sinh hiến tế cho loài người, Chúa Giêsu Kitô đồng thời cũng đặt Đức Mẹ Maria là người trung gian của dòng suối ân sủng từ Thánh giá tuôn trào ra”. “Dưới chân thập giá Chúa Giêsu Đức Mẹ Maria trở nên người đồng hành và che chở gìn giữ cho con người trên đường đời sống”.
Đức Mẹ Maria muốn nói gì với chúng ta, khi người cứu giúp chúng ta trong cơn khốn khó? Đức Mẹ muốn giúp chúng ta thấu hiểu chiều sâu thẳm cũng như chiều rộng của ơn kêu gọi Kitô giáo của chúng ta. Người muốn với thái độ thận trọng của người mẹ để cho chúng ta hiểu rằng, cả đời sống của chúng ta là câu trả lời cho tình yêu đầy giầu lòng thương xót của Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự tốt lành và không bao giờ mong muốn sự gì khác ngoài hạnh phúc đích thật, Đấng có quyền đòi hỏi nơi Bạn một đời sống hoàn toàn và vui vẻ theo ý muốn của Ngài, cùng suy niệm nhìn ra rằng: nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có tương lai.
Đúng vậy, nơi nào để tình yêu Thiên Chúa ảnh hưởng trên cùng trong đời sống chúng ta, nơi đó tầng trời mở ra. Và như thế có thể xây dựng thời điểm hiện tại cho phù hợp với tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Và nơi đó những điều sự việc nhỏ trong đời sống hằng ngày có ý nghĩa, cùng tìm thấy giải đáp cho những vấn đề lớn lao”.
6. Các vị Thánh, gốc rễ Kitô giáo Đức quốc
Sáng ngày 24.9.2011, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ ở sân nhà thờ chính tòa Erfurt với gần 30.000 người. Erfurt là thành phố lớn có tòa Giám Mục nằm trong vùng lãnh thổ của Đông Đức cộng sản cũ. Người dân nơi đây đã phải chịu đựng những đàn áp bất công, cấm cách do chế độ cộng sản suốt 40 năm thống trị gây ra. Dù vậy họ vẫn một lòng trung thành với đức tin vào Chúa, vào Giáo Hội.
Nhưng đâu là gốc rễ của đạo Công Giáo ở đây?
Trong bài giảng Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhớ đến thời điểm khó khăn ngày xưa của chế độ độc tài mầu nâu cũng như mầu đỏ gây ra những trận mưa chua chát cay đắng cho những người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, mà hậu qủa cho tới ngày nay vẫn còn phải điều chỉnh sửa chữa lại nhất là lãnh vực tinh thần đạo giáo. Phần đông con người nơi đây sống xa đức tin vào Chúa Giêsu và xa cộng đoàn Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy, họ đã chứng tỏ cho thấy từ 20 năm qua những kinh nghiệm tốt đẹp: một chân trời mở rộng, một sự trao đổi rộng rãi, một niềm tin vững mạnh rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta một mình, Người dẫn đưa chúng ta đến những con đường mới.
Thời điểm hiện tại chiếu tỏ cách đặc biệt qua các Vị Thánh. Chúng ta nhớ nghĩ đến những Vị Thánh bổn mạng của Giáo phận Erfurt: Thánh nữ Elisabeth thành Thüringen, Thánh Bonifatius, và Thánh Kilian. Thánh nữ Elisabeth từ một nước xa lạ Ungarn đến Wartburg miền Thüringen. Thánh nữ sống một đời sống siêng năng cầu nguyện. Thánh nữ sống mối dây liên kết với tinh thần của Bí tích Hòa giải và sự khó nghèo của phúc âm. Vì thế Thánh nữ hằng đều đặn xuống khỏi thành quách đến thành phố Eisenbach gặp gỡ săn sóc người nghèo và người bệnh. Đời sống của Thánh nữ ở trên trần gian ngắn ngũi, Thánh nữ qua đời lúc 24 tuổi, nhưng hoa quả sự thánh thiện của Thánh nữ rất to lớn. Thánh nữ Elisabeth được cả người Công Giáo lẫn Tin Lành rất kính phục nể trọng. Thánh nữ có thể giúp chúng ta tất cả, khám phá ra kho tàng đức tin truyền để lại và diễn dịch ra trong đời sống hằng ngày.
Gốc rễ đức tin Kitô giáo của đất nước nơi đây cũng như của Giáo phận Erfurt được thành lập năm 742 bắt nguồn từ nơi Thánh Bonifatius. Điều này còn ghi lại trong sử sách của thành phố. Thánh Bonifatius, vị Giám mục truyền giáo từ nước Anh tới nơi đây. Công việc truyền giáo Ngài làm trong sự hợp nhất và liên kết chặt chẽ với Giám mục Roma, là người kế vị Thánh Phêrô. Thánh Bonifatius biết rằng Giáo Hội phải hiệp nhất nên một chung quanh Thánh Phêrô. Chúng ta tôn kính Ngài như vị Tông đồ của nước Đức. Thánh nhân qua đời là một vị tử đạo. Hai vị Thánh cùng đồng hành cùng đổ máu ra làm chứng cho đức tin Kitô giáo được tiếp tục loan truyền được chôn cất ở nhà thờ chánh tòa Erfurt: Thánh Eoban và Thánh Adelar.
Người tín hữu Chúa Kitô đã sống trải qua năm 1989 cuộc thay đổi chính trị trong đất nước chúng ta không chỉ theo đòi hỏi đời sống sung túc đầy đủ và sự tự do đi lại, nhưng điều quyết định là sự khao khát mong muốn điều chân thật. Sự khao khát mong muốn này luôn được con người gìn giữ nhắc nhở cho sống động, mà họ sẵn sàng đứng trọn vẹn trong cung cách phục vụ cho Thiên Chúa cùng cho con người, dẫu phải hy sinh đời sống mình. Họ và những vị Thánh đã nhắc tới trao tặng chúng ta lòng can đảm sống trong khung cảnh mới lúc này. Chúng ta không ẩn dấu muốn đức tin của mình, nhưng chịu trách nhiệm phát triển tạo dựng hình thành sự tự do đã do thắng lợi có được. Chúng ta muốn chạy với các vị Thánh Kilian, Bonifatius, Adelar, Eoban và Elisabeth như những người công dân của chúng ta và mời gọi các Ngài, cùng với chúng ta khám phá ra kho tàng Tin mừng của Chúa, thời hiện tại và sức mạnh đời sống cùng vẻ đẹp trong sáng.”
***
Đức Thánh Cha Benedictô 16 tiếp tục đến thăm viếng tổng giáo phận Freiburg, thành phố Freiburg, nơi đó chiều tối ngày 24.9.2011 gần 30.000 bạn Trẻ đang chờ đón Ngài trong buổi cầu nguyện canh thức.
Và sáng ngày 25.9.2011 ở khu sân phi trường Freiburg gần 100.000 người sẽ cùng dâng Thánh lễ với ngài.
Đất nước nào, nhất là trong lúc kinh tế khủng hoảng gặp khó khăn, chính phủ thường đầu tư việc giáo dục đào tạo nghề nghiệp cho người dân, người trẻ. Đầu tư dù tốn phí ngày hôm nay, nhưng sẽ mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước, cho con người ở ngày mai.
Cũng vậy, Giáo Hội Công giáo Đức đã đầu tư tốn phí nhiều trong việc đón tiếp Đức Giáo hoàng lần này, vào một thời điểm đang gặp nhiều khó khăn thử thách về đức tin về uy tín của Giáo Hội. Sự hiện diện cùng những lời giảng thuyết của Đức Giáo Hoàng đã và sẽ còn mang đến những kết quả tinh thần rất phấn khởi cho người tín hữu, làm sống lại niềm vui đức tin cho sức sống Giáo Hội nơi đây; chưa hết, cùng cho cả lãnh vực tinh thần cũng như công ăn việc làm lợi nhuận của đời sống xã hội không nhỏ.
Ngày xưa, Chân Phước cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã đưa ra sáng kiến mở Công đồng Vatican thứ hai bằng câu nói thời danh: “Hãy mở rộng cánh cửa sổ để cho làn khí mới tràn vào”.
Ngày nay, trước các vị dân cử ở Quốc Hội Đức ngày 22.9.2011, Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đã kêu mời “Những cánh cửa sổ phải được mở tung ra. Chúng ta phải hướng tầm nhìn ra xa trên thế giới, hướng nhìn lên trời và đất, và cùng dùng tất cả trong ngay chính để học hỏi”.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
|