ĐTC: NẾU CHỐI BỎ THIÊN CHÚA, CON NGƯỜI SẼ TRỞ THÀNH NÔ LỆ CHO CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VÀ CHO VIỆC SÙNG BÁI NGẪU TƯỢNG
 Con người chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa, vì nơi nào không có sự hiện diện của Thiên Chúa, con người trở thành nô lệ cho việc sùng bái ngẫu tượng, như đã thấy trong các chế độ độc tài trong thời đại chúng ta, trong việc nô lệ cho sự sùng bái ngẫu tượng và nhiều hình thức khác của chủ nghĩa hư vô làm con người say mê ngẫu tượng và biến họ thành nô lệ cho chúng. Đây là lời cảnh báo của Đức Bênêđictô XVI - nói với hàng ngàn khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư 16.6 - trích dẫn từ câu chuyện Kinh Thánh về tiên tri Êlia, “được Thiên Chúa đánh động để đưa con người đến việc hoán cải”.
Tiếp tục bài giáo lý của ngài về cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng tập trung vào một đoạn trong Thánh Kinh thuật lại lời cầu nguyện của tiên tri Êlia trên núi Carmel, nơi “tất cả quyền lực của vị tiên tri với tư cách là người can thiệp được biểu lộ, khi ông đứng trước toàn dân và cầu nguyện với Thiên Chúa để xin Ngài tỏ lộ chính mình”.
Vào thế kỷ IX trước Công nguyên, Israel sống trong “chủ nghĩa hỗn tạp” và người ta “tôn thờ Thiên Chúa cùng với Thần Baal, vị thần trấn an; người ta tin rằng thần này ban mưa xuống, làm cho đồng ruộng phì nhiêu, mang lại sự sống cho con người và súc vật: người ta tìm kiếm sự an toàn nơi vị thần và họ nghĩ rằng họ sẽ có được sự thịnh vượng và sung túc qua hành vi cúng tế vị thần này.
Sùng bái ngẫu tượng - ĐTC Bênêđictô XVI nói - là sự cám dỗ liên tục trong đời người tín hữu, những người dại dột tin rằng họ có thể làm tôi hai chủ, họ cố gắng phục vụ Đấng Toàn Năng qua việc đặt niềm tin vào các vị thần bất lực do con người tạo ra.
Ngôn sứ Êlia, được Thiên Chúa kêu gọi giúp dân Chúa hoán cải, vì muốn vạch rõ hành động sai trái này, đã tụ tập dân trên núi Carmel, và thách thức các tư tế của thần Baal hãy chứng tỏ xem Chúa của họ có nghe lời cầu nguyện của họ hay không. Và thế là có hai bàn thờ được chuẩn bị.
Qua sự kiện này, người ta thấy được 2 cách thức rất khác nhau để cầu khẩn Thiên Chúa. Những người cầu khẩn thần Baal thì nhảy múa, la hét, rồi lấy giáo đâm mình đến độ chảy máu, một cử chỉ khôi hài, bởi vì trong khi tìm kiếm dấu hiệu sự sống nơi vị thần linh của họ, họ lại mang một thân mình đầy máu, một dấu hiệu của chết chóc. Họ ‘cậy dựa vào chính mình’, và ‘trong nỗ lực theo ý riêng của mình’ để cầu khẩn, nhưng vị thần của họ vẫn lặng câm. Tục tôn thờ ngẫu tượng thay vì mở cửa trái tim để giúp con người ra khỏi cái nhìn hẹp hòi của tính ích kỷ, thì lại đóng khung con người vào vòng độc tài và làm họ tuyệt vọng trong việc tìm kiếm chính mình.
Cách thức của Ngôn sứ Êlia thì khác hẳn. Với mục đích đưa những người lầm đường lạc lối trở về với Thiên Chúa, ông kêu mời toàn dân cùng tham gia vào hy tế của ông. Ông lập một bàn thờ bằng 12 viên đá, mỗi viên đá tượng trưng mỗi chi tộc Israel. Những viên đá này đại diện cho toàn dân Israel và toàn bộ lịch sử mà dân đã trải qua. Bàn thờ là nơi thánh thiêng có sự hiện diện của Thiên Chúa, và những viên đá đại diện cho dân chúng. Tuy nhiên, biểu tượng cần phải trở thành hiện thực, dân cần phải nhận ra Thiên Chúa của họ. Do đó, Êlia cầu xin Chúa biểu lộ chính Ngài. Các viên đá cũng là một lời nhắc nhở về lòng trung tín của Thiên Chúa. Do đó, Êlia cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nhận lời con, để người ta có thể nhận biết rằng Chúa là Thiên Chúa, và xin biến đổi tâm hồn họ”.
Trong kinh nguyện, Êlia nói với Thiên Chúa của Israel như danh xưng của Chúa, qua đó ngài nhắc nhớ rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong lịch sử dân Ngài. Êlia cầu xin Chúa thể hiện những gì Ngài muốn làm, để tỏ lòng thương xót của Ngài và điều kỳ diệu đã xảy ra: lửa từ trời xuống thiêu huỷ tất cả của lễ và bàn thờ. Ngọn lửa, một yếu tố vừa cần thiết vừa kinh khủng, biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa lắng nghe lời nguyện của Êlia, chấp nhận lễ toàn thiêu. Ngài tỏ mình ra cho dân một cách rõ ràng, không những thiêu huỷ của lễ trên bàn thờ mà còn làm khô cả nước đổ ở trên và xung quanh bàn thờ. Ngài tự tỏ lộ trong sự tốt lành của Ngài và chờ đợi lời đáp trả của các thụ tạo trong tình yêu và lòng trung thành.
Hình ảnh đó - ĐTC giải thích - nhấn mạnh đến các điểm giáo lý. Trước tiên là sự ưu tiên của điều răn thứ nhất: Thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất; và nếu không có Thiên Chúa, con người sẽ trở thành nô lệ cho chế độ độc tài và cho việc sùng bái ngẫu tượng. Điểm thứ hai là sự hoán cải: lửa của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sống theo Thiên Chúa, sống cho tha nhân. Và điểm thứ ba là một sự tiên báo, tức là nói đến một hình bóng tương lai, nói về Chúa Kitô, đó là một bước tiến trên con đường hướng về Chúa Kitô. Và các Giáo phụ dạy chúng ta: Hãy nhìn lại lửa thật của Thiên Chúa, lửa tình yêu hướng dẫn Chúa cho đến thập giá, đến độ tận hiến chính mình.
ĐTC kết luận: Sự thờ phượng đích thực đối với Thiên Chúa là tận hiến cho Ngài và cho loài người; sự thờ lạy chân thực chính là tình yêu; sự thờ lạy Thiên Chúa không phá huỷ, nhưng đổi mới và biến đổi. Chắc chắn lửa của Thiên Chúa, lửa của tình yêu, đốt cháy, biến đổi, thanh tẩy, nhưng lửa đó không huỷ hoại mà kiến tạo sự thật về con người chúng ta, tái tạo tâm hồn chúng ta. Và như thế, chúng ta thực sự sống nhờ hồng ân của lửa, nhờ Thánh Linh, nhờ tình yêu Thiên Chúa, qua đó chúng ta trở thành những người thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý.
Hùng Nguyễn
(Vatican, 15-6-2011, AsiaNews / RV)
|