Con người ta khi muốn biểu lộ sự sung sướng, hài lòng, thích thú, thường mỉm cười. Cũng nhờ nụ cười này mà con người khác cây cỏ, súc vật như một triết gia đã nói: “Cười là đặc điểm riêng của loài người” (le rire est propre à l’homme). Đố bạn nào tìm được môt động vật nào khác loài người mà cười đó!
Tuy cùng một hành động cười nhưng không phải lúc nào nụ cười cũng diễn tả sự vui mừng. Có rất nhiều kiểu cười vì chúng tuỳ thuộc vào trạng thái tâm hồn của chủ nhân nó: nào là cười gằn, cười gượng, cười tươi như hoa, cười buồn, cười nham nhở, cười cầu tài, cười nham hiểm, cười bí hiểm (như nụ cười của La Joconde nổi tiếng muôn đời) nhưng đáng sợ nhất là nụ cười của mỹ nhân đã làm điên đảo bao đấng anh hùng (như xưa vua U Vương chỉ vì muốn nhìn thấy nụ cười của nàng Bao Tự mà đã làm mất nước).
Thế các bạn có biết nhờ đâu mà chúng ta có thể mỉm cười được và chúng ta đã phải vận dụng những cơ trên mặt nào để có một nụ cười như thế không? Nếu không xin mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về cơ thể học và sinh lý học của nụ cười.
CƠ THỂ HỌC:
Các cơ bám da trên mặt, khi bị kích thích, sẽ giúp biểu lộ tình cảm. Có một vài cơ, khi co lại sẽ tạo cho chúng ta một nét đặc biệt. Nếu những cơ này làm các cơ khác co theo, tình cảm biểu lộ trên mặt sẽ rõ rệt hơn. Chúng tôi biết lòng bạn đang vui khi miệng, cánh mũi và mắt bạn cùng được nâng lên một lúc.
Bạn có biết vì sao khi bạn mãn nguyện, mũi bạn lại nở to như trái cá chua, miệng bạn lại rộng cho đến mang tai không? Đó là vì cơ nở cánh mũi đã làm cánh mũi dạng xa đường giữa và to ra. Cơ này thường tác dụng phối hợp với cơ nâng cánh mũi và môi trên (Levator labii superior aqualae nasii) tạo nên vẻ mãn nguyện đó.
Sở dĩ cười là đặc điểm của con người là vì cơ cười (risorius) chỉ có ở người. Risorius là cơ của nụ cười khi nó co cùng một lúc với cơ vòng miệng (orbiclaris oris).
Có tất cả hai kiểu cười chính:

1/
Khi ai đó cười thật sự (Nụ cười tự nhiên) sẽ có sự tham gia của cả khuôn mặt và hai mắt. Không phải chỉ có miệng, mà nhiều cơ mặt sẽ tham gia vào. Điểm rõ rệt nhất là quanh hai mắt, và qua đó bạn sẽ nhận biết được cảm xúc thật sự của người đó.
Khi bạn cười thể hiện niềm vui sướng rõ rệt, cơ gò má lớn (zygomatic major) kéo mép của bạn lên khiến các phần mềm của gò má phồng lên và mí mắt dưới của bạn hơi nhếch lên. Cơ này biểu lộ sự vui mừng. Duchenne và diễn tả tuỳ theo độ co: tiếng cười hay nụ cười.
Nhiều khi, không cần phải nhìn thấy môi bạn nhếch lên khoe hàm răng trắng đẹp chúng tôi mới biết bạn cười. Trong phòng mổ, dù có đeo masque chúng ta muốn tặng ai một nụ cười người đó vẫn hiểu được và vẫn nhân được mà. Không tin bạn thí nghiệm thử xem! Tại sao khi cười lén trong giờ học, chúng ta đã cẩn thận lấy tay che miệng lại nhưng vẫn bị giáo sư bắt gặp? Giáo sư đã căn cứ vào mắt bạn mà biết bạn đang cảm thấy một nỗi vui nhộn không ăn nhặp gì với bài thầy giảng. Đó là nhờ sự liên hệ mật thiết giữa cơ gò má lớn và cơ vòng mắt phía dưới (orbicularis oculi) làm góc ngoài các mí mắt nheo lại một cách đặc biệt khi bạn cười. Động tác này cộng thêm với động tác của cơ cười và cơ nâng môi trên sẽ mang lại cho gương mặt bạn một vẻ hả hê vui lòng trọn vẹn.
Nụ cười tự nhiên Nụ cười xã giao

2/ Kiểu cười gượng ( Nụ cười xã giao):

Như chúng tôi đã đề cập, con người có nhiều kiểu cười. Qua những dòng trên các bạn chỉ mới tìm hiểu nụ cười tươi như hoa mà thôi. Nhưng chúng ta thế nào chẳng có lần phải nở nụ cười méo xệch, cười kiểu “tiếu tự văn nhân lạc đệ thì” chẳng hạn như khi trông lên bảng…thấy tên mình thi lại ! Nụ cười vàng vọt đó là
do chỉ có cơ gò má lớn của bạn co lại thôi trong khi gương mặt bất động.
Khi cười mọi người chúng ta đều khoe hàm răng như nhau thế nhưng tại sao một số người lại có được “nụ cười thật bắt mắt” làm kẻ đối diện phải “ngơ ngẩn ngẩn ngơ”?
Chỉ cần nhìn kỹ một chút thôi chúng ta sẽ nhận thấy nụ cười của họ được kèm theo đôi má lúm đồng tiền tăng thêm phần duyên dáng. Trời đã phú cho họ có được một khoảng cách lớn giữa cơ gò má lớn và cơ cười khi hai cơ co lại cùng một lúc
MỜI CÁC BẠN CÙNG ÔN LẠI CƠ THỂ HỌC CÁC CƠ VÙNG MẶT
SINH LÝ HỌC
Cho đến bây giờ người ta cũng chưa hiểu rõ được sinh lý học của nụ cười cũng như những trung tâm trên não điều khiển nụ cười.
Có người đặt giả thuyết là những luồng thần kinh từ Thalamus hay từ Globus pallidus đi tới một phần của TK VII. Khi có một nguồn kích thích phản xạ các cơ ở phần dưới mặt sẽ co lại đồng đều 2 bên tạo ra nụ cười.
Hai kiểu cười chính, nụ cười tự nhiên và nụ cười gượng được tạo thành do các loại cơ khác nhau từ đó sẽ được kiểm soát bởi những vùng khác nhau trên não: “Nụ cười tự nhiên” xuất phát từ vùng không tự chủ của não còn “nụ cười xã giao” xuất phát từ vùng tự chủ của vỉ não.
Chúng ta chỉ biết rằng khi chúng ta lo lắng, adrenalin sẽ được tiết ra ào ạt vào cơ thể và như thế sẽ làm tăng huyết áp, đường huyết và nhịp tim, tăng tiết mồ hôi và làm cho cơ thể căng ra để sẵn sàng đối phó với stress.
Ngược lại khi chúng ta cười, cơ thể nhận biết được và bơm adrenalin bị ngưng lại, endorphins và serotinin được tiết ra làm hạ huyết áp và giúp cơ thể thư dãn.
Chúng ta hãy xem nụ cười đem lại điều gì nhé!
Mẹ Têrêsa có nói “ Hòa bình bắt đầu bằng nụ cười”.
Đúng vậy, nụ cười giúp cho mối liên hệ giữa con người trở nên dễ dàng hơn, nâng cao tinh thần của những người xung quanh, có được nhiều bạn hơn và dễ thành công hơn trong sự nghiệp.
Đúng như ông bà ta đã nói: “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ “ ví dụ như trong y khoa một bệnh nhân đang lo lắng về căn bệnh của mình, sẽ cảm thấy an tâm hơn khi bác sĩ đến với họ với nụ cười trên môi...
Vậy các bạn ơi!
HÃY MỈM CƯỜI VỚI MỌI NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI SẼ MỈM CƯỜI VỚi BẠN.
-----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ DDS I S Mathews The anatomy of smile 1998 The journal of prosthetic dentistry Vol 9: 128- 135
2/ Nicolas Gueguen et al The effecrs os smiling on helping behaviour. Smiling and good samaritan behaviour 2003 Communication reports Vol 16
3/ Paul Ekan et al The Duchenne smile Emotional expression and physiology II 1990 Journalof personality and sound physiology Vol 88: 342-353
4/ Lee Ellis Gender differences in smiling. An evoluntary neuroadrogenic theory. Physiology and behaviour 2006 Vol 88 issues 4=5 303- 308
(Tâm Tâm An)