SỐNG MÙA VỌNG

trở lại trang đầu

Ngày 14/12/2018 – Thứ sáu sau Chúa Nhật II Mùa Vọng

“Bạn có nghe thấy những gì tôi đang nghe không”?

Đó là tên một bài hát Giáng Sinh khá phổ biến, đã được viết thực sự như là một lời nguyện cầu cho hòa bình.

Vào tháng Mười năm 1962, Hoa Kỳ và Liên Xô dường như đang ở bên bờ vực chiến tranh hạt nhân vì cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Nhà soạn nhạc Noel Regney trên đường cuốc bộ về nhà (ở New York), đã ghé thăm một người bạn đang “theo dõi truyền thanh xem chúng ta có bị xóa tên trên mặt đất này không”.

Ông nhớ lại, đang khi đi đường “Tôi thấy hai bà mẹ với những đứa con trong xe đẩy. Những đứa bé nhìn mọi người và mỉm cười. Và, mọi sự trong tôi bỗng trở nên tuyệt diệu”.

Trở về nhà, Regney (một kháng chiến quân của Pháp vào thời Đệ nhị thế chiến), bắt đầu viết lời cho một bài hát về hòa bình. Ông nghĩ về những cánh đồng xanh của thiên nhiên nước Pháp, những con cừu non vô tội, và sự an bình của đêm Giáng Sinh đầu tiên.

Bản nhạc “Bạn có nghe thấy những gì tôi đang nghe không?” (do vợ ông viết nhạc), được đề cử là mặt B cho một bài hát đang được dự đoán đứng nhất. Khi kế hoạch thu âm bị hoãn, một công ty thu băng khác liền chọn bài của Regney.

Tung ra vào cuối tháng 11 năm 1962, tất cả 250 ngàn đĩa được bán sạch trong một tuần.

Noel Regney mất vào ngày 25.11.2002 – gần 40 năm sau khi bài hát được phổ biến khắp nơi. Ông được chôn cất tại Đền thờ Đức Mẹ ở Ridgefield, Connecticut.

Do You Hear What I Hear? (with lyrics) - YouTube

https://www.youtube.com/watch?v=t84OSRahBRo

 

* * *

Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.’

Cũng vậy, Ông Gioan đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Người này bị  quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè của phường thu thuế và tội lỗi”. (Mt 11,16-19)

Dụ ngôn xoay quanh việc mô tả hai nhóm trẻ chơi ngoài chợ không thống nhất được là chơi “hát đám cưới” hay chơi “đưa ma”.

Hằng thế kỷ nay, các học giả đã cố gắng làm sáng tỏ ý nghĩa và ứng dụng dụ ngôn này, nhưng thấy khó có thể nói được chính xác nó như thế nào.

Nhiều người giải thích rằng: Lũ trẻ mời mọi người mừng đám cưới hay khóc đám tang là tượng trưng cho Thánh Gioan và Chúa Giêsu. Lũ trẻ hờn dỗi và từ chối đại diện cho mọi người để chấp nhận cách khổ hạnh của thánh Gioan cũng như cách vui vẻ của Đức Giêsu. Dân chúng không bằng lòng cách nào cả vì họ quyết định không đón nhận Thánh Gioan cũng như Chúa Giêsu.

Một điều có thể ứng dụng tương tự cho sinh hoạt giáo xứ hiện nay là một khi trở thành môn đệ của Đức Kitô, có nghĩa là phải trở nên thành viên của một nhóm. Luôn luôn là vậy. Bao giờ cũng là vậy.

Trở nên thành viên của một nhóm, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận một số thích nghi, một số thay đổi nào đó. Mối dây nào liên kết giữa những tín hữu trong một giáo xứ - những người khác biệt màu da dân tộc, đảng phái chính trị, tình trạng kinh tế hay sở thích thị hiếu?

Thưa là Thiên Chúa.

Dành vài phút thinh lặng với Chúa.

Jos. Nguyễn Hùng Cường

trở lại trang đầu