THÔNG CÁO CỦA TOÀ THÁNH LIÊN QUAN ĐẾN TUYÊN BỐ CỦA ĐỨC THÁNH CHA VỀ VIỆC DÙNG BAO CAO SU
Thông cáo của Vatican về tuyên bố của Đức Thánh Cha trong cuốn sách – trao đổi với Peter Seewald
 Trong cuốn sách trao đổi của Peter Seewald với Đức Thánh Cha sắp được phát hành vào ngày 23/11 bằng nhiều thứ tiếng, Đức Thánh Cha nhìn nhận việc sử dụng bao cao su trong «những trường hợp cá biệt được chứng thực» nhưng «lập luận của Đức Giáo Hoàng không thể được định nghĩa như là một bước ngoặt cách mạng». «Đức Giáo Hoàng không cải cách hay không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội», đó là nhưng gì mà thông cáo của Tòa Thánh minh định.
Cha Lombardi, Giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra thông cáo trên nhằm phản ứng lại nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này sau khi nhật báo Osservatore Romano loan báo về những lời phát biểu của Đức Thánh Cha liên quan đến tính dục.
Vào cuối chương 10 của cuốn sách-trao đổi này, Đức Thánh Cha đã trả lời cho hai câu hỏi về cuộc đấu tranh chống lại bệnh sida và về việc dùng bao cao su, gợi lại cuộc tranh luận được khơi lên bởi những lời phát biểu của ngài trên chuyến bay đến Camerun ngày 17/3/2009.
Với những lời phát biểu được phổ biến trong cuốn sách này, cha Lombardi khẳng định «Đức Giáo Hoàng không cải cách hay không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội nhưng tái khẳng định giáo huấn đó bằng cách đặt mình trong viễn ảnh của giá trị và phẩm giá của tính dục của con người như là sự diễn tả tình yêu và trách nhiệm».
Phát ngôn viên của Tòa Thánh cho biết thêm: «Đồng thời, Đức Giáo Hoàng xem xét một trường hợp ngoại lệ mà việc thực hành tính dục biểu lộ một nguy cơ đích thực đối với sự sống của người khác. Trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng không biện minh về mặt luân lý việc thực thi hỗn độn tính dục, nhưng ghi nhận rằng việc sử dụng bao cao su để giảm bớt nguy hiểm lây truyền là «một hành vi trách nhiệm đầu tiên», «một bước đầu tiên trên con đường hướng tới một tính dục nhân bản hơn», hơn là không dùng nó, đặt người khác vào chỗ nguy hiểm đến tính mạng».
Thông cáo nói tiếp: «Như thế, lập luận của Đức Giáo Hoàng không thể được định nghĩa như là bước ngoặt cách mạng». Quả thế, «nhiều thần học gia luân lý và nhiều nhân vật quan trọng trong Giáo Hội đã và đang bảo vệ những lập trường tương tự.»
Cha Lombardi không trích dẫn các tên tuổi này nhưng trong số họ có đức Hồng y George Cottier, nguyên là thần học gia của Vatican vào thời Đức Gioan Phaolô II và vào đầu triều đại của Đức Bênêđictô XVI, người đã khẳng định trong một cuộc trao đổi với hãng thông tấn Apcom ngày 31/1/2005: «Trong những hoàn cảnh đặc biệt – và tôi nghĩ đến những môi trường mà ma túy đang được lưu hành hay đến những môi trường mà đang tồn tại một sự chung chạ to lớn của con người và một sự khốn khổ lớn lao, như trong một số vùng của Châu Phi và Châu Á – trong những trường hợp đó, việc sử dụng bao cao su có thể được xem như là chính đáng».
«Humanae vitae» hôm nay
Những thông báo trước của «Osservatore Romano» cũng giới thiệu một bình luận của Đức Giáo Hoàng về thông điệp «Humanae vitae», thông điệp được công bố về những chủ đề này bởi Đức Phaolô VI vào ngày 25/7/1968.
«Những viễn ảnh của «Humanae vitae» vẫn có hiệu lực nhưng tìm ra những con đường thực hành được cách nhân bản lại là điều khác – Đức Giáo Hoàng giải thích trong cuốn sách. Tôi tin rằng sẽ luôn có những thiểu số xác tín sâu xa về sự chính xác của những viễn ảnh này và khi sống chúng, họ sẽ hoàn toàn thỏa mãn và như thế sẽ có thể là một khuôn mẫu cuốn hút phải theo đối với những người khác. Chúng ta là những tội nhân. Nhưng chúng ta không được đảm nhận sự kiện này như một ví dụ chống lại chân lý khi nền luân lý cao cả này không được sống. Chúng ta phải làm tất cả điều thiện có thể và phải nâng đỡ và chịu đựng lẫn nhau. Cũng diễn tả tất cả điều đó từ quan điểm mục vụ, thần học và khái niệm trong bối cảnh giới tính học hiện nay và của việc nghiên cứu nhân chủng học là một nhiệm vụ to lớn cần phải chuyên tâm vào hơn nữa và tốt hơn nữa».
Lần đầu tiên
Sau khi đã giải thích lập luận của Đức Thánh Cha về việc sử dụng bao cao su và nhắc lại rằng đó không phải là một «bước ngoặt cách mạng», cha Lombardi thừa nhận rằng chúng ta đã chưa từng nghe những lập trường này «cách rõ ràng như thế nơi môi miệng của một vị Giáo Hoàng, cho dầu đó là một cuộc trao đổi chứ không phải là một can thiệp của huấn quyền».
Với những lời tuyên bố này, cha Lombardi giải thích, «Đức Bênêđíctô XVI can đảm mang lại cho chúng ta một đóng góp quan trọng làm sáng tỏ và đào sâu về một vấn đề từ lâu đã được bàn cãi. Đó là một đóng góp độc đáo, bởi vì, một mặt, nó vẫn giữ sự trung thành với những nguyên tắc luân lý và chứng tỏ sự sáng suốt khi từ chối một con đường ảo tưởng như việc «tin tưởng vào bao cao su»; nhưng mặt khác, nó cũng biểu lộ một cái nhìn thông cảm và phòng xa, chú tâm đến việc khám phá những bước bé nhỏ – cho dầu đó là những bước đầu tiên và chúng vẫn còn lờ mờ – của một nhân loại thường rất nghèo nàn về mặt tâm linh và văn hóa, hướng đến một thực thi tính dục nhân bản và trách nhiệm hơn».
Gợi lại những lời nói của Đức Thánh Cha trên chuyến bay đến Camerun vào tháng Ba năm 2009, cha Lombardi đã giải thích rằng với sự can thiệp mới mẻ này, Đức Bênêđictô XVI «nhắc lại cách rõ ràng rằng khi đó ngài đã không muốn bày tỏ lập trường về vấn đề bao cao su nói chung», nhưng ngài đã muốn «khẳng định cách mạnh mẽ rằng vấn đề sida không thể được giải quyết bởi chỉ việc phân phát bao cao su, bởi vì cần phải làm nhiều hơn nữa: phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ, khuyên bảo, gần gũi những con người, để họ không rơi vào căn bệnh hay trong trường hợp họ bị bệnh».
Theo cha Lombardi, Đức Thánh Cha nhận xét rằng «môi trường không thuộc Giáo Hội cũng ý thức về điều đó, như lý thuyết được gọi là ABC (Abstinence/tiết dục – Be Faithful/sống chung thủy – Condom/bao cao su) cho thấy, trong đó hai yếu tố đầu tiên (tiết dục và chung thủy) là quyết định và nền tảng hơn nhiều cho cuộc đấu tranh chống lại bệnh sida, đang khi mà bao cao su xuất hiện ở vị trí cuối như là một lối thoát khi hai yếu tố kia bị thiếu đi. Bởi thế, cần phải rõ ràng rằng bao cao su không phải là giải pháp cho vấn đề».
Cũng theo cha Lombardi, trong cuộc trao đổi này, Đức Thánh Cha «tiếp đến mở rộng cái nhìn của mình và nhấn mạnh đến sự kiện rằng chỉ tập trung vào bao cao su thì tương đương với việc tầm thường hóa tính dục, mà đánh mất đi ý nghĩa diễn tả tình yêu của nó giữa những con người và trở nên một thứ «ma túy». Đấu tranh chống lại việc tầm thường hóa tính dục thuộc «phần của một nỗ lực to lớn để tính dục được đánh giá cách tích cực và nó có thể thực hiện hiệu quả tích cực nơi con người trong tính toàn diện của mình».
|