Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
TÔNG HUẤN GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU (1)
 
TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỔNG ECCLESIA IN ASIA GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỞI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ, CÁC NGƯỜI NAM NỮ SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, VÀ TẤT CẢ GIÁO DÂN VỀ ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐẤNG CỨU ĐỘ VỀ SỨ VỤ TÌNH YÊU VÀ PHỤC VỤ CỦA NGƯỜI TẠI Á CHÂU:

"ĐỂ CHO CHÚNG ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỔI DÀO"
(Ga 10,10)
 
DẪN NHẬP

Vẻ kỳ diệu trong kế hoạch của Thiên Chúa tại Á Châu

1. \"\\"\\"\"Giáo Hội tại Á Châu hát lời ngợi khen "Thiên Chúa cứu độ" (Tv 68,20) vì Người đã chọn khởi sự kế hoạch cứu độ của Người tại phần đất Á Châu, qua những người nam nữ của lục địa này. Quả thế, chính tại Á Châu mà Thiên Chúa đã mạc khải và hoàn thành ý định cứu độ của Người ngay từ đầu. Người hướng dẫn các tổ phụ (x. St 12) và kêu gọi ông Môisen giải thoát dân Người (x. Xh 3,10). Người nói với Dân được tuyển chọn qua nhiều ngôn sứ, quan án, vua chúa và những phụ nữ dũng cảm đầy lòng tin. Vào "thời viên mãn" (Gl 4,4), Người sai Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ, mặc lấy xác phàm làm người Á Châu! Hoan hỉ vì những điều thiện hảo nơi các dân tộc, các nền văn hoá và sức sống tôn giáo của lục địa, và đồng thời ý thức đến quà tặng duy nhất là đức tin mà mình đã lãnh nhận vì thiện ích mọi người, Giáo Hội tại Á Châu không ngừng loan báo: "Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 118,1).

Vì Đức Giêsu sinh ra, sống, chết và chỗi dậy từ cõi chết nơi Đất Thánh, vùng đất bé nhỏ ấy ở Tây Á đã trở nên mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người. Đức Giêsu đã biết đến và yêu mến mảnh đất này. Người gắn bó với lịch sử, những đau khổ và hy vọng của dân miền này. Người thương yêu dân miền này và đi theo truyền thống và di sản Do Thái. Quả thực từ lâu trước, Thiên Chúa đã chọn dân này và mạc khải chính mình cho họ để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Và từ mảnh đất này, nhờ lời rao giảng Tin Mừng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã ra đi để làm cho "muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19). Cùng với Giáo Hội hoàn cầu, Giáo Hội tại Á Châu sẽ bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, vừa kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện từ những bước đầu ấy cho tới ngày nay, vừa hiểu rõ rằng "cũng như trong ngàn năm thứ nhất, Thánh Giá đã được cắm trên miền đất Âu Châu, rồi trong ngàn năm thứ hai được cắm trên miền đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu ước nguyện rằng, trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một mùa gặt lớn về đức tin sẽ được thu hoạch tại lục địa rộng lớn và đầy sức sống này" (1).

Bối Cảnh Của Hội Nghị Đặc Biệt

2. Trong Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, tôi có đưa ra một chương trình để Giáo Hội đón mừng ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một chương trình tập trung vào những thách đố của công cuộc Phúc Âm hoá mới. Một nét quan trọng của chương trình này là họp Thượng Hội Đồng các lục địa, để các Giám Mục có thể đề cập vấn đề Phúc Âm hoá tuỳ theo hoàn cảnh riêng và nhu cầu của mỗi lục địa. Những kỳ họp Thượng Hội Đồng này, liên kết bằng một chủ đề chung là công cuộc Phúc Âm hoá mới, đã tỏ ra là một phần quan yếu trong việc Giáo Hội chuẩn bị mừng Đại Năm Thánh 2000.

Trong chính Tông Thư này, khi nhắc tới Hội Nghị đặc biệt Thượng Hội Đồng các Giám Mục Á Châu, tôi đã lưu ý rằng trên phần đất này của thế giới "việc gặp gỡ của Kitô giáo với những nền văn hoá và tôn giáo địa phương có từ lâu đời, phải là một vấn đề cấp bách. Đây là một thách đố lớn đối với việc Phúc Âm hoá, bởi vì những hệ thống tôn giáo như Phật giáo hay Ấn giáo đều có một đặc tính rõ rệt là cứu nhân độ thế" (2). Quả thực đây là một huyền nhiệm: tại sao Đấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á mà cho đến nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết đến Người. Thượng Hội Đồng sẽ là một cơ hội quan phòng đối với Giáo Hội tại Á Châu để suy nghĩ sâu sắc hơn nữa về huyền nhiệm này và tái dấn thân vào sứ mạng làm cho mọi người biết rõ Đức Giêsu Kitô hơn. Hai tháng sau khi công bố Tertio Millennio Adveniente, trong buổi nói chuyện với Hội Nghị khoáng đại lần thứ sáu của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Manila, Philíppin, nhân dịp cử hành ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ mười đáng ghi nhớ, tôi đã lưu ý các Giám mục: "Nếu Giáo Hội tại Á Châu phải hoàn thành vận mệnh quan phòng của mình, thì việc Phúc Âm hoá, nghĩa là một sự rao giảng vui tươi, nhẫn nại và tiệm tiến, về cái Chết và Phục sinh cứu độ của Đức Giêsu Kitô, phải là một ưu tiên tuyệt đối của các Hiền Huynh" (3).

Sự hưởng ứng tích cực của các Giám Mục và của các Giáo Hội địa phương về viễn tượng một Hội nghị đặc biệt về Á Châu của Thượng Hội Đồng Giám Mục thật hiển nhiên qua giai đoạn chuẩn bị. Các Giám Mục đã chia sẻ những mong ước và ý kiến của mình vào mỗi giai đoạn, cách chân tình và hiểu biết sâu sắc về lục địa. Các ngài đã làm điều đó trong thái độ hoàn toàn ý thức đến mối giây hiệp thông mà các ngài chia sẻ với Giáo Hội toàn cầu. Phù hợp với ý tưởng ban đầu của Tông Thư Tertio Millennio Adveniente và theo những đề nghị của Ban Chuẩn bị Thượng Hội Đồng sau khi xem xét các ý kiến của các Giám Mục và các Giáo Hội địa phương tại lục địa Á Châu, tôi đã chọn chủ đề cho Thượng Hội Đồng: Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ với sứ mạng tình yêu và phục vụ của Người tại Á Châu: "để cho chúng được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10). Qua công thức đặc biệt đó của chủ đề, tôi hy vọng rằng Thượng Hội Đồng có thể "minh hoạ và giải thích đầy đủ hơn chân lý này: Đức Kitô là Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người và là Đấng Cứu chuộc duy nhất của trần gian, bằng cách phân biệt Người cách rõ ràng với những vị sáng lập các tôn giáo lớn khác" (4). Bởi vì chúng ta tiến gần đến Đại Năm Thánh, Giáo Hội tại Á Châu cần đến khả năng loan báo với một nhiệt tình đổi mới: Ecce natus est nobis Salvator mundi, "Đây Đấng Cứu Độ trần gian sinh ra cho chúng ta", sinh ra tại Á Châu!

Cử Hành Hội Nghị Đặc Biệt

3. Nhờ ơn Chúa, Hội Nghị đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã diễn ra từ ngày 18/4 đến 14/5 năm 1998 tại Vatican. Hội nghị này tổ chức sau các Hội nghị đặc biệt dành cho Phi Châu (1994) và Mỹ Châu (1997), và được tiếp nối bởi Hội nghị dành cho Đại Dương Châu vào cuối năm (1998). Trong gần một tháng, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng và các tham dự viên, tụ họp quanh Đấng kế vị Thánh Phêrô và chia sẻ ơn thông hiệp phẩm trật, đã đem lại một tiếng nói và một khuôn mặt cụ thể cho Giáo Hội tại Á Châu. Quả thực đó là một thời gian ân sủng đặc biệt! (5). Những cuộc họp trước đó của các Giám Mục Á Châu, đã góp phần chuẩn bị Thượng Hội Đồng và tạo nên một bầu khí hiệp thông Giáo Hội và huynh đệ sâu sắc. Về phương diện này, có một tầm quan trọng đặc biệt là những Hội Nghị Khoáng Đại và những cuộc Hội Thảo đã được Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu và các Uûy ban tổ chức, đã qui tụ thường xuyên một số lớn Giám Mục Á Châu và đã cổ võ những mối giây liên lạc cá nhân cũng như thừa tác vụ giữa các ngài. Tôi đã có dịp thăm viếng vào một vài kỳ họp đó, đôi khi chủ sự việc cử hành Thánh lễ long trọng dịp khai mạc hay bế mạc. Trong những dịp này, tôi có thể trực tiếp quan sát cuộc gặp gỡ đối thoại giữa các Giáo Hội địa phương, có cả các Giáo Hội Đông Phương, qua các vị chủ chăn của họ. Những cuộc họp này và các cuộc họp khác theo miền của các Giám Mục Á Châu, do Chúa quan phòng, đã giúp chuẩn bị xa cho Thượng Hội Đồng.

Chính việc cử hành Thượng Hội Đồng này xác nhận tầm quan trọng của sự đối thoại như là một phương thức đặc thù của đời sống Giáo Hội tại Á Châu. Một sự chia sẻ chân tình và trung thực các kinh nghiệm, quan điểm và đề nghị, chứng tỏ đó là con đường đưa tới cuộc gặp gỡ đích thật của các tâm hồn, sự hiệp thông trí tuệ và con tim. Đó là một sự hiệp thông tôn trọng và vượt lên trên những khác biệt trong tình yêu. Đặc biệt gây xúc động là cuộc gặp gỡ giữa các Giáo Hội mới và các Giáo Hội cũ có nguồn gốc từ thời các Tông Đồ. Chúng tôi đã cảm nghiệm một niềm vui không gì bằng, khi thấy các Giám Mục các Giáo Hội địa phương tại Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Siberia và những nước cộng hoà mới tại Trung Á, ngồi bên các anh em mình, là những người từ lâu ước ao gặp mặt họ và đối thoại với họ. Nhưng cũng có một nỗi buồn vì các Giám Mục lục địa Trung Hoa không thể có mặt được. Sự vắng mặt của các ngài là một sự nhắc nhớ đến những hy sinh và đau khổ anh hùng mà Giáo Hội tiếp tục gánh chịu trong nhiều phần đất Á Châu.

Cuộc gặp gỡ trong đối thoại giữa các Giám Mục và Đấng kế vị Thánh Phêrô với nhiệm vụ làm cho anh em mình nên vững mạnh (x. Lc 22,32), thật là một sự củng cố trong đức tin và sứ mạng. Ngày qua ngày, phòng Thượng Hội Đồng và các phòng họp khác tràn ngập những báo cáo về đức tin sâu sắc, về tình yêu quên mình, về niềm hy vọng không hề lay chuyển, về những dấn thân bền bĩ trong đau khổ, về lòng can đảm chịu đựng và về sự tha thứ đầy lòng thương xót, tất cả những điều đó hùng hồn vạch ra sự thật của những lời Đức Giêsu đã nói: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày" (Mt 28, 20). Thượng Hội Đồng là thời gian ân sủng, bởi vì đó là một sự gặp gỡ với Đấng Cứu độ, Đấng vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Người qua quyền lực Chúa Thánh Thần, được cảm nhận qua sự đối thoại huynh đệ về sự sống, sự hiệp thông và sứ mạng.

Chia Sẻ Hoa Quả của Hội Nghị Đặc Biệt

4. Qua Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn chia sẻ với Giáo Hội tại Á Châu và khắp thế giới, những hoa quả của Hội Nghị Đặc Biệt này. Văn kiện này muốn chuyển đạt sự phong phú của biến cố thiêng liêng trọng đại đó của sự hiệp thông và tính tập đoàn Giám Mục. Thượng Hội Đồng đã là một cử hành tưởng niệm những nguồn gốc Kitô giáo tại Á Châu. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhắc nhớ lại cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, Giáo Hội tiên khởi, đoàn chiên bé nhỏ của Đức Giêsu trên lục địa mênh mông này (x. Lc 12,32). Các ngài nhớ lại những gì Giáo Hội đã lãnh nhận và lắng nghe từ lúc khởi đầu (x. Kh 33), và, sau khi nhớ lại, các ngài ngợi ca lòng "nhân ái vô cùng của Chúa" (Tv 154,7), lòng nhân ái không bao giờ vơi. Thượng Hội Đồng cũng là một cơ hội để nhận ra những truyền thống tôn giáo và các nền văn minh cổ xưa, những triết lý thâm sâu và sự khôn ngoan đã làm cho Á Châu trở thành như ngày hôm nay. Trên hết tất cả, đã gợi nhớ rằng chính các dân tộc Á Châu là sự phong phú thật sự của lục địa và là hy vọng cho tương lai. Suốt thời gian Thượng Hội Đồng, những người trong chúng tôi đang hiện diện đều chứng kiến một cuộc gặp gỡ sinh nhiều hoa trái cách lạ thường giữa các nền văn hoá, văn minh cũ và mới của Á Châu. Thật tuyệt diệu khi thấy chúng trong sự khác biệt và đồng nhất, nhất là khi các biểu tượng, các bài ca, các điệu vũ và các màu sắc cùng chung nhau tạo nên sự hoà hợp hài hoà xung quanh một Bàn Thờ Chúa trong các buổi phụng vụ Thánh Thể khai mạc và bế mạc.

Đây không phải là một cuộc cử hành có động cơ là lòng kiêu hãnh nhắm đến các thành công nhân loại, nhưng đây là một cử hành ý thức đến những gì Đấng Toàn năng đã thực hiện cho Giáo Hội tại Á Châu (x. Lc 1,49). Khi nhắc tới tình trạng khiêm tốn của Cộng Đồng Công Giáo, cũng như những yếu đuối của các phần tử mình, Thượng Hội Đồng cũng là một lời kêu gọi hoán cải, ngõ hầu Giáo Hội tại Á Châu có thể trở nên xứng đáng hơn với các ân sủng mà Thiên Chúa tiếp tục ban tặng.

Thượng Hội Đồng không những là một việc tưởng niệm và một cử hành, mà còn là một sự khẳng định mãnh liệt về lòng tin vào Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu độ. Tri ân vì hồng ân đức tin, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng không thấy có cách nào khác tốt hơn để tán dương đức tin cho bằng xác nhận đức tin trong sự toàn vẹn của nó, và suy nghĩ về đức tin trong mối tương quan với bối cảnh nó được loan báo và tuyên xưng tại Á Châu ngày nay. Các Nghị Phụ thường xuyên nhấn mạnh rằng đức tin đã được rao giảng với lòng tín thác và can đảm trên lục địa, cho dầu giữa những khó khăn to lớn. Nhân danh vô vàn người nam nữ tại Á Châu đặt niềm tin không nơi ai khác ngoài Chúa, các Nghị Phụ tuyên xưng: "Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga 6,69). Đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối do đau khổ, bạo lực, kỳ thị và nghèo đói mà phần đông các dân tộc Á Châu phải gánh chịu, các Nghị Phụ cầu nguyện: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi" (Mc 9,24).

Năm 1995, tôi đã mời gọi các Giám Mục Á Châu đang tụ họp tại Manila "hãy mở rộng cửa của Á Châu cho Đức Kitô" (6). Múc lấy sức mạnh từ sự hiệp thông với vô số các vị tử đạo, nhiều khi không tên tuổi, vì đức tin tại Á Châu, và được vững tâm trong niềm hy vọng nhờ sự hiện diện tồn tại mãi mãi của Chúa Thánh Thần, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng can đảm kêu gọi tất cả môn đệ Đức Kitô tại Á Châu tái dấn thân cho việc truyền giáo. Trong kỳ họp Thượng Hội Đồng, các Giám Mục và những tham dự viên đã làm chứng về căn tính, về ngọn lửa thiêng liêng và về lòng hăng say, nhờ đó Á Châu chắc chắc sẽ thành mảnh đất cho mùa gặt dồi dào trong ngàn năm thứ ba sắp tới.

CHƯƠNG I

BỐI CẢNH Á CHÂU

Á Châu, Nơi sinh của Đức Giêsu và của Giáo Hội

5. Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mà toàn thể Giáo Hội sẽ long trọng mừng kỷ niệm trong Đại Năm Thánh 2000, xảy ra trong bối cảnh lịch sử và địa lý nhất định. Bối cảnh đó gây nên một ảnh hưởng quan trọng trên đời sống và sứ vụ của Đấng Cứu Chuộc trong tư cách một con người: "Trong Đức Giêsu thành Nadareth, Thiên Chúa đã mặc lấy những nét đặc trưng của bản tánh nhân loại, gồm có sự thuộc về một dân tộc nhất định và một lãnh thổ nhất định. Nét đặc thù tự nhiên của phần đất và vị trí địa lý của nó không thể tách rời khỏi chân lý là xác phàm con người được Ngôi Lời mặc lấy" (7). Do đó việc hiểu biết thế giới mà Đấng Cứu độ "đã ở giữa chúng ta" (Ga 1,14) là chìa khoá quan trọng giúp hiểu rõ hơn về ý định của Chúa Cha hằng hữu và tình yêu bao la của Người đối với mọi loài thụ tạo: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16).

Cũng vậy, Giáo Hội sống và hoàn thành sứ mạng mình trong hoàn cảnh hiện tại của thời gian và không gian. Sự hiểu biết có phê phán về những thực tại khác biệt và phức tạp của Châu Á là thiết yếu nếu dân Chúa trên lục địa muốn đáp trả lại ý muốn của Thiên Chúa đối với họ trong vấn đề Tân Phúc Âm hoá. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng sứ vụ yêu thương và phục vụ của Giáo Hội tại Á Châu được quy định do hai yếu tố: một bên là sự hiểu biết của Giáo Hội về chính mình như là một cộng đồng môn đệ của Đức Giêsu Kitô, được tập hợp quanh các vị chủ chăn của mình, và bên kia là những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hoá và kinh tế tại Á Châu (8). Hoàn cảnh Á Châu được nghiên cứu tỉ mỉ trong Thượng Hội Đồng do những vị đã tiếp xúc hàng ngày với những thực tại rất khác biệt của một lục địa to lớn thế đó. Tiếp theo đây là bản tổng hợp thành quả những suy tư của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng.

Những Thực Tại Tôn Giáo và Văn Hoá

6. Á Châu là lục địa to lớn nhất trên trái đất, và là nơi cư ngụ của gần hai phần ba dân số thế giới, với hai nước Trung Hoa và Ấn Độ chiếm gần nửa dân số thế giới. Nét nổi bật nhất của lục địa là sự khác biệt về dân tộc, "thừa kế những nền văn hoá, tôn giáo và truyền thống cổ xưa" (9). Chúng ta không thể không kinh ngạc về nguyên tầm mức dân số Châu Á và sự đan chéo phức tạp của nhiều nền văn hoá, ngôn ngữ, niềm tin và truyền thống, từng đó thứ làm nên một phần đáng kể trong lịch sử và gia sản của gia đình nhân loại.

Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Zoroastrianism, Jainism (Ấn Độ), giáo phái Sikh và Thần Đạo (Nhật). Hàng triệu người cũng theo những tôn giáo truyền thống và bộ lạc, với nhiều cấp độ nghi thức và giáo thuyết. Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô.

Dân Á Châu hãnh diện về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình, như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sự đơn sơ, hài hoà, quên mình, bất bạo động, chăm chỉ làm việc, kỷ luật, sống mộc mạc, khao khát hiểu biết và tìm kiếm triết lý (10). Họ quý trọng những giá trị như tôn trọng sự sống, lòng trắc ẩn đối với mọi sinh vật, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, và một ý thức cộng đồng cao độ (11). Đặc biệt, họ coi gia đình là nguồn sống ban sức mạnh, một cộng đồng liên kết chặt chẽ có một cảm thức mạnh mẽ về tình liên đới (12). Các dân tộc Á Châu nổi tiếng có tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình. Tuy không phủ nhận rằng còn có những sự căng thẳng chua xót và những xung đội dữ dội, nhưng có thể nói rằng Châu Á thường tỏ ra có một khả năng thích nghi đặc biệt và cởi mở tự nhiên đối với nền phong phú các dân tộc, giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo và văn hoá. Hơn nữa, mặc dầu bị ảnh hưởng của hiện đại hoá và trần tục hoá, các tôn giáo ở Châu Á tỏ lộ dấu chỉ của một sức sống mạnh mẽ và một khả năng đổi mới, như thấy nơi các phong trào cải cách bên trong những nhóm tôn giáo khác nhau. Nhiều người, nhất là người trẻ, cảm nghiệm một khát vọng sâu xa đối với những giá trị thiêng liêng, như được chứng tỏ qua sự xuất hiện nhiều phong trào tôn giáo mới.

Tất cả những điều trên chỉ cho thấy một cảm thức thiêng liêng nội tâm và sự khôn ngoan về mặt luân lý trong tâm hồn người Á Châu, và đó là cốt lõi mà xung quanh đó được xây dựng một ý thức đang lớn mạnh về thế nào "là người Á Châu". Nhận thức "là người Á Châu" này được khám phá và khẳng định cách tốt nhất không phải trong sự chạm trán và đối nghịch nhau, nhưng trong tinh thần bổ sung và hoà hợp. Trong khung cảnh bổ sung và hoà hợp này, Giáo Hội có thể loan truyền Tin Mừng qua một cách thức vừa trung thành với truyền thống của mình và vừa trung thành với tâm hồn Châu Á.

Những Thực Tại Kinh Tế và Xã Hội

7. Về phương diện phát triển kinh tế, những hoàn cảnh trong lục địa Á Châu rất khác biệt nhau, không thể đơn giản phân loại được. Một số vùng đã phát triển cao, một số vùng khác đang phát triển nhờ các chính sách kinh tế có hiệu quả và một số vùng khác nữa vẫn còn thấy trong cảnh nghèo hèn khốn nạn, quả thế trong số những nước nghèo nhất trên thế giới. Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa duy vật và tục hoá cũng đang xâm lấn, nhất là tại những vùng đô thị. Khi xói mòn những giá trị truyền thống, xã hội và tôn giáo, những ý thức hệ này đe doạ các nền văn hoá Á Châu với những thiệt hại không thể lường trước được.

Các Nghị Phụ Thượng hội Đồng nói về những thay đổi nhanh chóng xảy ra trong các xã hội Á Châu và nói về những khía cạnh tích cực và tiêu cực do những thay đổi đó mang lại. Trong số đó có hiện tượng đô thị hoá và sự xuất hiện những khối đô thị khổng lồ, thường có những khu vực rộng lớn gây ngã lòng, nơi mà các tội ác có tổ chức, khủng bố, mại dâm và sự bóc lột những phần tử yếu kém hơn trong xã hội đang lớn mạnh. Việc di dân cũng là hiện tượng lớn xã hội, đặt hàng triệu người vào những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế, văn hoá và luân lý. Dân chúng di cư nội trong khu vực Á Châu và từ Á Châu đến các lục địa khác vì nhiều lý do, chẳng hạn nghèo đói, chiến tranh và xung đột sắc tộc, sự chối bỏ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản. Việc thiết lập những liên hiệp công nghiệp khổng lồ là một lý do nữa của sự di dân nội và ngoại, kèm theo những hậu quả tàn phá đời sống và các giá trị của gia đình. Cũng có nhắc tới việc xây dựng những nhà máy điện nguyên tử, vì quan tâm tới giá cả và muốn có hiệu năng mà ít nghĩ tới sự an toàn dân chúng và sự toàn vẹn của môi trường.

Ngành du lịch cũng cần được lưu ý cách riêng. Mặc dù là một công nghệ chính đáng với những giá trị văn hoá và giáo dục của nó, ngành du lịch trong một vài trường hợp đã có một tác động phá hoại luân lý và phong cảnh thiên nhiên của nhiều quốc gia Á Châu, bằng chứng là nhiều phụ nữ trẻ và cả đến các trẻ em bị mất phẩm giá vì nạn mãi dâm (13). Công tác mục vụ cho các người di dân, cũng như cho các khách du lịch thật gay go và phức tạp, nhất là tại Á Châu nơi những cơ cấu cơ bản cho công việc đó không phải lúc nào cũng có. Chương trình mục vụ ở mọi cấp bậc cần phải lưu ý tới những thực tại này. Trong khung cảnh này, chúng ta không nên bỏ quên những người di dân từ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đang cần chăm sóc mục vụ theo những truyền thống Giáo Hội riêng của họ (14).

Nhiều vùng Á Châu đối diện với những khó khăn liên quan tới sự tăng dân số, đó "không chỉ là một vấn đề dân số hay kinh tế, nhưng cách riêng là một vấn đề luân lý" (15). Rõ ràng, vấn đề dân số liên kết chặt chẽ với vấn đề thăng tiến con người, nhưng những giải quyết sai lầm đe doạ nhân cách và tính bất khả xâm phạm của sự sống thì nhiều và nêu lên một thách đố đặc biệt cho Giáo Hội tại Á Châu. Tới đây, có lẽ nên nhắc lại những đóng góp của Giáo Hội trong việc bênh vực và thăng tiến sự sống, nhờ chăm sóc sức khoẻ, phát triển xã hội và giáo dục, nhằm lợi ích cho dân chúng, nhất là người nghèo. Hội Nghị Đặc Biệt về Á Châu đã làm đúng khi nói lên lòng kính trọng đối với Mẹ Têrêxa Calcuta, "người nổi tiếng trên khắp thế giới vì việc chăm sóc đầy yêu thương và vô vị lợi của Mẹ dành cho người nghèo hèn nhất trong số những người nghèo" (16). Mẹ mãi là một mẫu gương của việc phục vụ sự sống mà Giáo Hội đang trao tặng tại Á Châu, can đảm đối đầu với những quyền lực đen tối đang hoành hành trong xã hội.

Một số Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh đến những ảnh hưởng ngoại lai được mang vào trong các nền văn hoá Á Châu. Nhiều hình thức sống mới đang xuất hiện do việc tiếp cận quá đáng với phương tiện truyền thông đại chúng và những loại văn chương, âm nhạc và phim ảnh đang phổ biến nhan nhãn trên lục địa. Tuy không phủ nhận rằng những phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp ích rất nhiều cho sự thiện, (17) chúng ta không thể coi thường ảnh hưởng tiêu cực nó thường mang lại. Những hiệu quả sinh ích của chúng có thể đôi kẩntở nên vô ích bởi cách thức chúng bị kiểm soát và sử dụng bởi những con người có những mục đích chính trị, kinh tế và ý thức hệ đáng nghi ngờ. Hậu quả là những khía cạnh tiêu cực của truyền thông và những công nghệ giải trí đang đe doạ các giá trị truyền thống và cách riêng, đe doạ sự thánh thiêng của hôn nhân và sự vững bền của gia đình. Ảnh hưởng của những hình ảnh bạo lực, khoái lạc, cá nhân và vật chất chủ nghĩa quá độ "đánh thẳng vào trung tâm những nền văn hoá Á Châu, vào tính tôn giáo của dân chúng, gia đình và toàn thể xã hội" (18). Đây là một hoàn cảnh gây nên một thách đố lớn đối với Giáo Hội và đối với việc loan báo sứ điệp.

Hoàn cảnh nghèo đói dai dẳng và sự khai thác bóc lột dân chúng là những sự việc đáng lo lắng nhất. Tại Á Châu có hàng triệu người bị áp bức, qua bao thế kỷ bị đặt bên lề xã hội về mặt kinh tế, văn hoá và chính trị (19). Khi suy nghĩ về hoàn cảnh người nữ trong xã hội Á Châu, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng "mặc dầu việc gây ý thức cho người nữ về nhân phẩm và quyền lợi của họ là một dấu chỉ thời đại có ý nghĩa nhất, nhưng sự nghèo đói và khai thác bóc lột người phụ nữ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng cho toàn vùng Á Châu" (20). Phụ nữ mù chữ nhiều hơn đàn ông; và trẻ gái bị giết khi còn là thai nhi hoặc sau khi ra đời xem ra cũng nhiều hơn. Cũng có hàng triệu người bản xứ hay dân bộ lạc khắp vùng Á Châu đang sống biệt lập về mặt xã hội, văn hoá và kinh tế khỏi tầng lớp dân đang thống trị (21). Thật là yên lòng khi nghe các Giám Mục Thượng Hội Đồng nói rằng trong một vài trường hợp, những sự việc trên được quan tâm hơn ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp quốc tế, và Giáo Hội tích cực tìm cách tiếp cận hoàn cảnh nghiêm trọng này.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã lưu ý rằng, suy tư vắn tắt cần thiết này về các thực tại kinh tế và xã hội tại Á Châu sẽ không đầy đủ, nếu không nhìn nhận sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của nhiều xã hội Á Châu trong những thập niên gần đây: một thế hệ mới gồm những thợ lành nghề, những nhà khoa học và kỹ thuật ngày càng gia tăng và con số đông đảo các người ấy là điềm báo tốt cho sự phát triển của Á Châu. Tuy nhiên, không phải mọi cái đều ổn định và vững chắc trong sự phát triển này, như đã thấy rõ qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng mới đây mà một số vùng Á Châu phải hứng chịu. Tương lai của Á Châu hệ tại ở sự hợp tác giữa các nước Á Châu và với các nước thuộc các lục địa khác, nhưng bằng cách luôn xây dựng trên điều mà các dân tộc Á Châu phải làm để tự phát triển cho mình.

Những Thực Tại Chính Trị

8. Giáo Hội luôn cần có một sự hiểu biết chính xác về hoàn cảnh chính trị trong các quốc gia khác nhau, nơi mà Giáo Hội đang cố gắng chu toàn sứ mạng mình. Ngày nay, tại Á Châu, toàn cảnh chính trị rất phức tạp, phô bày ra một loạt những ý thức hệ, từ những hình thức chính quyền dân chủ, cho tới những hình thức thần quyền. Những thể chế độc tài quân sự và các ý thức hệ vô thần, rất thường xuất hiện. Một vài quốc gia nhìn nhận một quốc giáo chính thức, nên nhóm thiểu số và những kẻ theo các tôn giáo khác ít được hay không được tự do tôn giáo. Có những quốc gia khác, dù không theo hẳn thần quyền, lại quy những nhóm thiểu số vào hạng công dân hạng hai, nên ít quan tâm bảo vệ những nhân quyền cơ bản của họ. Trong vài nơi, người Kitô hữu không được phép thực hành đức tin cách tự do và rao giảng Đức Giêsu Kitô cho kẻ khác (22). Họ bị bách hại và bị khước từ chỗ đứng hợp pháp trong xã hội. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc đến cách riêng dân tộc Trung Hoa và bày tỏ niềm hy vọng thiết tha được thấy tất cả những anh chị em công giáo Trung Hoa, một ngày kia có thể sống đạo trong tự do và công khai tuyên xưng sự hiệp thông trọn vẹn của họ với Toà Thánh Phêrô (23).

Trong khi đánh giá cao sự phát triển mà nhiều quốc gia Á Châu đang thực hiện dưới nhiều thể chế chính quyền khác nhau, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng quan tâm tới sự tham nhũng đang lan rộng khắp nơi, ở nhiều cấp bậc của cả chính quyền lẫn xã hội (24). Rất thường xuyên, dân chúng xem ra vô phương tự vệ chống lại những nhà chính trị, những nhân viên tư pháp, những người cầm quyền và công chức tham nhũng. Tuy nhiên, có một ý thức đang tăng trưởng khắp Á Châu về khả năng của người dân trong việc thay đổi những cơ cấu bất công. Có những yêu cầu mới cho được công bình xã hội lớn hơn, cho được tham gia nhiều hơn vào chính quyền và đời sống kinh tế, cho được cơ may đồng đều trong giáo dục, cho được chia sẻ công bằng hơn trong tài sản quốc gia. Dân chúng càng ngày càng ý thức về nhân phẩm và các quyền của mình và quyết tâm hơn để gìn giữ nó. Những nhóm thiểu số về nhân chủng, xã hội và văn hoá, lâu nay im lìm, bây giờ đang tìm cách trở thành tác nhân cho sự thăng tiến xã hội của chính mình. Thần Khí Chúa trợ giúp và nâng đỡ những cố gắng của dân chúng trong việc biến đổi xã hội, ngõ hầu khát vọng của con người về một cuộc sống dồi dào hơn, có thể được thoả mãn như lòng Chúa mong muốn (x. Ga 10,10).

Giáo Hội tại Á Châu: Quá Khứ và Hiện Tại

9. Lịch sử Giáo Hội tại Á Châu cũng xưa như chính Giáo Hội, bởi vì tại Á Châu Đức Giêsu đã thở hơi Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Người và sai họ đi tới tận cùng trái đất để rao giảng Tin Mừng và qui tụ những cộng đoàn tín hữu. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con" (Ga 20,21; x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18; Lc 24,47; Cv 1,8). Theo mệnh của Chúa, các Tông Đồ rao giảng Lời Chúa và thiết lập những Giáo Hội. Có lẽ là điều hữu ích khi nhắc lại một vài yếu tố của lịch sử hấp dẫn và phức tạp này.

Từ Giêrusalem, Giáo Hội lan rộng tới Antiôkia, tới Roma và xa hơn nữa. Giáo Hội đi tới Ethiôpia phía Nam, tới Scythia phía Bắc và tới Ấn Độ phía Đông, vùng đất theo truyền thống, Thánh Tôma Tông Đồ đã tới năm 52 sau Công Nguyên, và thiết lập các Giáo Hội miền nam Ấn Độ. Tinh thần truyền giáo của cộng đoàn Đông-Syria trong thế kỷ III và IV với trung tâm là Edessa, thật đáng kể. Những cộng đoàn khổ tu Syria là một sức mạnh chủ yếu của việc Phúc Âm hoá tại Á Châu từ thế kỷ III đổ về sau. Những cộng đoàn này đem lại sinh lực thiêng liêng cho Giáo Hội, đặc biệt trong thời kỳ bắt đạo. Vào cuối thế kỷ III, Amênia là quốc gia đầu tiên toàn diện theo Kitô giáo, và nay đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 1.700 năm lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Cuối thế kỷ thứ V, sứ điệp Kitô giáo lan tới các vương quốc Ả rập, nhưng vì nhiều lý do, kể cả những chia rẽ nội bộ người Kitô hữu, sứ điệp không đâm rễ sâu giữa lòng các dân tộc này.

Các thương gia Ba tư mang Tin Mừng tới Trung Hoa trong thế kỷ thứ V. Giáo hội Kitô đầu tiên được thiết lập ở đây vào đầu thế kỷ VII. Dưới triều đại nhà Tần (618-907 Công nguyên) Giáo Hội phồn thịnh gần hai thế kỷ. Sự suy sụp của Giáo Hội đầy sức sống này tại Trung Hoa, ở cuối ngàn năm thứ nhất, là một trong các chương đáng buồn hơn cả của lịch sử Dân Chúa tại Lục địa.

Thế kỷ thứ XIII, Tin Mừng được rao giảng cho người Mông Cổ và người Thổ, và một lần nữa cho người Trung Hoa. Nhưng Kitô Giáo hầu như biến khỏi các vùng này vì một số lý do, trong các lý do đó có sự nổi dậy của Hồi Giáo, sự tách biệt về mặt địa lý, thiếu sự thích nghi thích hợp với những văn hoá địa phương, và có lẽ hơn hết là thiếu chuẩn bị gặp gỡ các tôn giáo lớn tại Á Châu. Cuối thế kỷ XIV chứng kiến sự sa sút mãnh liệt của Giáo Hội tại Á Châu, trừ ra một cộng đồng biệt lập ở Nam Ấn Độ. Giáo Hội tại Á Châu phải chờ đợi một thời đại mới của nỗ lực truyền giáo.

Công lao Tông Đồ của Thánh Phanxicô Xavie, sự thành lập Hội Truyền Bá Đức Tin đời Giáo Hoàng Gregorio XV, và những chỉ dẫn cho các vị thừa sai biết tôn trọng và đánh giá cao những văn hoá địa phương, tất cả góp phần đạt đến những thành quả tích cực hơn suốt thế kỷ XVI và XVII. Vào thế kỷ XIX, lại có sự hồi sinh hoạt động tông đồ. Nhiều dòng tu hoàn toàn hiến thân cho công tác này. Hội Truyền Bá Đức Tin được tổ chức lại. Việc thiết lập những Giáo Hội địa phương được nhấn mạnh hơn. Những công trình giáo dục và bác ái đi đôi với việc rao giảng Tin Mừng. Cho nên, Tin Mừng tiếp tục đến với nhiều người hơn, đặc biệt đám người nghèo và bị thiệt thòi, nhưng đó đây cũng được rao giảng giữa hạng người ưu tú xã hội và trí thức. Những nỗ lực mới được thực hiện để hội nhập hoá Tin Mừng, tuy nhiên chúng chứng tỏ là chưa đủ. Mặc dầu hiện diện lâu đời và cố gắng làm việc tông đồ nhiều, Giáo Hội tại nhiều nơi còn bị coi là xa lạ với Á Châu, và quả thật, Giáo Hội thường bị gắn liền với những quyền lực thực dân trong tâm trí quần chúng.

Đó là tình trạng thời gian trước công đồng Vatican II, nhưng nhờ sự thúc đẩy công đồng mang lại, một sự hiểu biết mới về việc truyền giáo ló dạng và, cùng với nó là một niềm hy vọng lớn. Tính phổ quát chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, bản tính truyền giáo của Giáo Hội và trách nhiệm của mỗi người trong Giáo Hội đối với công tác này, được tái khẳng định cách mạnh mẽ trong Sắc Lệnh Công Đồng về Hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, trở nên khuôn khổ của một sự dấn thân mới. Trong Hội nghị đặc biệt, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng minh chứng sự lớn mạnh mới đây của cộng đoàn Giáo Hội giữa nhiều dân tộc khác biệt trong những miền khác nhau của Lục địa, và các Ngài kêu gọi nhiều nỗ lực truyền giáo hơn nữa cho những năm sắp tới, cách riêng khi xuất hiện nhiều khả năng rao giảng Tin Mừng trong vùng Siberia và những xứ Trung Á mới dành được độc lập, như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turmenistan (25).

Một cái nhìn tổng quát về các cộng đoàn Công giáo tại Á Châu cho thấy một sự đa dạng muôn màu muôn vẻ do bởi nguồn gốc và sự phát triển lịch sử của nó, và do những truyền thống thiêng liêng và phụng vụ khác nhau về lễ nghi. Tuy nhiên tất cả đều hợp nhất trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, nhờ chứng tá Kitô hữu, các việc bác ái và sự liên đới nhân loại. Đang khi một số Giáo Hội địa phương thi hành sứ mạng mình trong an bình và tự do, thì có những Giáo Hội khác gặp những hoàn cảnh bạo lực và xung đột, hay cảm thấy mình bị đe doạ bởi các nhóm người khác vì lý do tôn giáo hay lý do nào khác. Trong thế giới rất khác biệt nhau về phương diện văn hoá tại Á Châu, Giáo Hội chạm chán với nhiều thách đố về phương diện triết học, thần học và mục vụ. Công việc của Giáo Hội càng thêm khó khăn do sự kiện Giáo Hội là một thiểu số, chỉ trừ Phi luật tân nơi đa số là người công giáo.

Dầu gặp hoàn cảnh nào đi nữa, Giáo Hội tại Á Châu thấy mình ở giữa những dân tộc rất khát khao Thiên Chúa. Giáo Hội biết rằng sự khát khao này chỉ có thể được thoả mãn hoàn toàn nhờ Đức Giêsu Kitô, là Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi quốc gia. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ước muốn thiết tha rằng Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng cần lưu ý đến sự khao khát này và khuyến khích Giáo Hội tại Á Châu hăng say rao giảng, bằng lời nói và việc làm, rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Đoä.

Thần khí Thiên Chúa, luôn luôn hành động trong lịch sử Giáo Hội tại Á Châu, tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội. Nhiều yếu tố tích cực gặp được trong Giáo Hội địa phương, thường được nêu bật trong Thượng Hội Đồng, củng cố lòng mong đợi của chúng ta về "một mùa xuân mới của đời sống Kitô hữu" (26). Một nguyên nhân vững chắc của niềm hy vọng là con số gia tăng của những giáo dân được đào tạo tốt hơn, nhiệt thành và tràn đầy Thần Khí. Họ càng ngày càng ý thức hơn về ơn gọi chuyên biệt của mình trong cộng đồng Giáo Hội. Trong số họ, các giáo lý viên giáo dân đáng được công nhận và tán dương cách đặc biệt (27). Những phong trào tông đồ và đoàn sủng, cũng là một ân ban của Thần Khí, mang đến đời sống mới và sự hăng say trong việc đào tạo những người nam nữ giáo dân, các gia đình và giới trẻ (28). Khi dấn thân cổ võ nhân phẩm và công bằng, những hiệp hội và những phong trào Giáo Hội làm cho tính phổ quát của sứ điệp Tin mừng trở nên gần gũi và hữu hình, Tin mừng đó là làm cho chúng ta nên nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Rm 8, 15-16).

Đồng thời, có những Giáo Hội đang ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn, "bị thử thách ghê gớm trong việc thực hành đức tin của mình" (29). Các Nghị Phụ xúc động khi nghe các báo cáo về chứng tá anh dũng, sự kiên trì không hề lay chuyển và sự tăng trưởng vững chắc của Giáo Hội Công Giáo tại Trung hoa, khi thấy các nỗ lực giúp đỡ của Giáo Hội Nam Triều Tiên dành cho dân chúng Bắc Triều Tiên, do tính kiên định khiêm tốn của cộng đoàn công giáo tại Việt Nam, sự cách ly của những Kitô hữu tại những nơi như Lào và Myanmar, sự sống chung đầy khó khăn với thành phần đa số trong các quốc gia Hồi Giáo (30). Thượng Hội Đồng lưu ý cách riêng đến hoàn cảnh Giáo Hội tại Đất Thánh và tại thành thánh Giêrusalem "trung tâm Kitô giáo" (31), một thành phố thân yêu của mọi con cái ông Ápraham. Các Nghị Phụ phát biểu xác tín rằng hoà bình của vùng, và cả của thế giới nữa, phần lớn tuỳ thuộc vào hoà bình và hoà giải mà từ lâu đã vắng bóng tại Giêrusalem (32).

Tôi không thể kết thúc cái nhìn tổng quát vắn gọn về tình trạng Giáo Hội tại Á Châu, mặc dầu rất thiếu sót, mà không nhắc tới các vị thánh và các vị tử đạo tại Á Châu, cả những vị đã được nhìn nhận lẫn những vị chỉ được Chúa biết đến mà thôi, gương sáng các Ngài là nguồn gốc sự "giàu có thiêng liêng và là một phương tiện lớn cho việc Phúc Âm hoá" (33). Các Ngài âm thầm nhưng cách hùng mạnh nhất, nói về tầm quan trọng của sự thánh thiện trong đời sống và sự saün sàng hiến mạng sống mình vì Tin Mừng. Các Ngài là thầy dạy và đấng bảo trợ, là vinh quang của Giáo Hội tại Á Châu trong công tác truyền giáo. Cùng toàn thể Giáo hội, tôi cầu xin Chúa sai nhiều thợ gặt dấn thân hơn nữa để thu hoạch mùa gặt các linh hồn mà tôi thấy đã chín mùi và phong phú (x. Mt 9, 37-38). Lúc này đây, tôi nhớ lại điều tôi đã viết trong Thông điệp Redemptoris Missio: "Thiên Chúa đang mở ra cho Giáo Hội những chân trời của một nhân loại đã được chuẩn bị đầy đủ hơn cho việc rao giảng Tin Mừng" (34). Giấc mơ đó về một chân trời mới đầy hứa hẹn, tôi thấy đang hoàn thành tại Á Châu, nơi Đức Giêsu được sinh ra và nơi Kitô giáo bắt đầu.

CHƯƠNG II

ĐỨC GIÊSU CỨU THẾ:
MỘT QUà TặNG CHO Á CHÂU

Quà tặng Đức Tin

10. Trong quá trình thảo luận của Thượng Hội Đồng về những thực tại phức tạp tại Á Châu, thì điều càng ngày càng trở nên rõ ràng đối với mọi người là: sự đóng góp duy nhất của Giáo Hội cho các dân tộc trên lục địa là rao giảng về Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, Đấng Cứu Thế độc nhất và duy nhất cho mọi dân tộc (35). Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là niềm tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu Kitô; và Giáo Hội không thể cất dấu ánh sáng đức tin quí báu dưới cái thùng (x. Mt 5, 15), bởi vì sứ mạng Giáo Hội là chia sẻ ánh sáng đó với mọi người. "[Giáo hội] muốn trao tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được trong Đức Giêsu Kitô, cho tất cả các dân tộc tại Á Châu đang đi tìm sự viên mãn của cuộc sống, để họ có thể sống hiệp thông với Chúa Cha và Con của Người là Đức Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần" (36). Niềm tin vào Đức Giêsu là điều gợi hứng cho công trình phúc âm hoá của Giáo Hội tại Á Châu, một công trình thường được thực thi trong những hoàn cảnh khó khăn và còn nguy hiểm nữa. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng việc rao giảng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất, có thể gây nên những khó khăn đặc biệt trong nền văn hoá của các ngài, lý do là nhiều tôn giáo ở Á Châu dạy chính mình là những biểu lộ thần linh đem lại ơn cứu rỗi. Thay vì làm nản lòng các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, những thách đố mà các ngài gặp phải khi nỗ lực Phúc Âm hoá, lại là một động cơ lớn hơn giúp các ngài cố gắng chuyển đạt "đức tin mà Giáo Hội tại Á Châu đã lãnh nhận từ các Tông đồ và bảo tồn cùng với Giáo Hội của mọi thế hệ và mọi nơi" (37). Thật vậy, các Ngài bày tỏ xác tín rằng "con tim của Giáo Hội tại Á Châu sẽ không an nghỉ cho tới khi toàn cõi Á Châu được an nghỉ trong bình an của Đức Kitô, Chúa Phục Sinh" (38).

Đức tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng đã lãnh nhận và một quà tặng cần được chia sẻ; đó là quà tặng lớn lao nhất mà Giáo Hội có thể trao tặng cho Á Châu. Chia sẻ chân lý của Đức Giêsu Kitô với kẻ khác, là một bổn phận chính thức của tất cả những ai đã lãnh nhận quà tặng đức tin. Trong thông điệp Redemptoris Missio, tôi đã viết rằng: "Giáo Hội, và tất cả Kitô hữu trong Giáo hội, không thể che giấu hay giữ riêng cho mình sự mới mẻ và giàu có này mà họ đã nhận được do lòng nhân từ của Thiên Chúa, để truyền thông cho toàn thể nhân loại (39). Cũng trong thông điệp đó tôi đã viết: "Những ai đã gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo, phải tự coi mình là những con người được đặc ân và, do đó, họ phải càng dấn thân làm chứng bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả xứng hợp với Thiên Chúa" (40).

Xác tín sâu xa về điều đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng ý thức đến trách nhiệm riêng của mình cần nắm vững chân lý vĩnh cửu của Đức Giêsu qua việc học hỏi, cầu nguyện và suy tư, hầu mang lại sức mạnh và sức sống của chân lý đó vào giữa những thách đố hiện tại và tương lai của việc Phúc Âm Hoá tại Á Châu.

Đức Giêsu Kitô, Con Người-Thiên Chúa, Đấng Cứu độ

11. Kinh Thánh làm chứng rằng Đức Giêsu đã sống một cuộc sống con người đích thực. Đức Giêsu mà chúng ta loan báo là Đấng Cứu Độ duy nhất, đã hành trình trên mặt đất như là Thiên Chúa-Con Người (God-Man) với đầy đủ bản tính nhân loại. Người giống như chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi. Được sinh ra bởi một người Mẹ Đồng Trinh trong một thôn xóm nhỏ bé tại Bêlem, Người cũng yếu đuối như bất cứ một trẻ nào khác, và còn chịu số phận của một kẻ tị nạn lẩn trốn cơn lôi đình của một kẻ cầm quyền tàn nhẫn (x. Mt 2,13-15). Người vâng phục cha mẹ là những con người, không phải luôn hiểu được đường lối của Người, nhưng Người tin tưởng và yêu mến vâng phục (x. Lc 2,41-52). Luôn luôn cầu nguyện, Người ở trong sự hiệp thông thân mật với Thiên Chúa mà người gọi là Abba, "Cha", làm cho những thính giả của Người khó chịu (x. Ga 8, 34-59).

Người sống gần kẻ nghèo, kẻ bị bỏ rơi và thấp bé, Người tuyên bố họ thật sự có phúc, vì Thiên Chúa ở với họ. Người ăn uống với kẻ tội lỗi, bảo đảm với họ rằng tại bàn ăn của Cha có chỗ cho họ, khi họ từ bỏ đường tội lỗi và trở về với Người. Khi đụng chạm tới kẻ ô uế và cho phép họ đụng chạm tới mình, Người cho họ hiểu rằng Chúa ở gần họ. Người than khóc một người bạn đã qua đời, Người hoàn lại đứa con trai đã chết cho bà mẹ goá của nó, Người đón tiếp những trẻ nhỏ, và Người rửa chân các môn đệ mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa chưa từng gần gũi cách trực tiếp như thế.

Người bệnh tật, người què, người mù, người điếc và người câm tất cả đều được chữa lành và được ơn tha thứ khi tiếp xúc với Người. Để làm thành những người bạn và những cộng sự viên thân cận nhất, Người đã tuyển chọn một nhóm người bất thường, gồm có những kẻ đánh cá lẫn người thu thuế, những người nhiệt thành và những kẻ không hiểu biết Luật, và cả phụ nữ nữa. Một gia đình mới được thiết lập dưới tình yêu che chở và đáng kinh ngạc của Chúa Cha. Đức Giêsu giảng dạy cách đơn sơ, sử dụng những ví dụ rút ra từ cuộc sống hằng ngày để nói về tình yêu Thiên Chúa và Vương Quốc của Người; và dân chúng nhận rằng Người nói có uy quyền.

Tuy nhiên Đức Giêsu bị tố cáo là kẻ phạm thượng, một người lỗi luật thánh, một kẻ phá rối công cộng cần loại bỏ. Sau lần xét xử dựa trên chứng gian (x. Mc 14,56), Người bị kết án tử hình trên thánh giá như một tên tội phạm, bị bỏ rơi và bị hạ nhục, bị xem như kẻ thất bại. Người được chôn cất cách hối hả trong một ngôi mộ mượn tạm. Nhưng ngày thứ ba sau khi chết, và mặc dầu có lính canh gác, ngôi mộ đó lại bị phát giác trống trơn! Đức Giêsu chỗi dậy từ kẻ chết, rồi hiện ra với các môn đệ trước khi trở về với Chúa Cha, chính từ Chúa Cha mà Người đã đến.

Cùng với tất cả mọi Kitô hữu, chúng ta tin rằng đời sống lạ thường đó, một mặt thấy thật tầm thường và đơn sơ, nhưng mặt khác thì hoàn toàn lạ lùng và che khuất trong mầu nhiệm, (cuộc sống đó) đưa Vương Quốc Thiên Chúa vào lịch sử loài người và "làm cho quyền lực của nó ảnh hưởng trên mọi mặt của cuộc sống nhân loại và của xã hội đang bị tội lỗi và cái chết bao vây" (41). Qua lời nói và việc làm, nhất là qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu hoàn thành ý muốn của Chúa Cha là giao hoà toàn thể nhân loại với Người, sau khi tội nguyên tổ đã cắt đứt mối tương quan giữa Đấng Sáng Tạo và thọ tạo. Trên thánh giá, Đức Giêsu gánh lấy tội lỗi của thế giới -tội quá khứ, hiện tại và tương lai. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng, do tội mà chúng ta đã chết và sự chết của Người đã đem lại sự sống cho chúng ta: "Thiên Chúa đã cho anh em cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lẫm của chúng ta. Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá (Cl 2,13-14). Bằng cách đó, ơn cứu rỗi được đóng ấn một lần thay cho tất cả. Đức Giêsu là Đấng Cứu độ chúng ta theo ý nghĩa đầy đủ nhất, bởi vì những lời nói và việc làm của Người, nhất là sự sống lại từ kẻ chết, đã mạc khải Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời đã có từ trước, Đấng hiển trị mãi mãi như là Chúa và Đấng Cứu Thế.

Thân Thế và Sứ Mạng của Con Thiên Chúa

12. "Cớ vấp phạm" của Kitô giáo là tin rằng Thiên Chúa toàn thánh, toàn năng và toàn tri, lại mặc lấy bản tính loài người chúng ta và chịu thương khó và chịu chết để chiếm đoạt phần rỗi cho mọi người (x. 1Cr 1,23). Đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận, tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô đã mạc khải và đã hoàn thành kế hoạch cứu độ thế giới và toàn thể nhân loại của Chúa Cha, do bởi "cái Người là" (who he is) và "cái Người làm do bởi cái Người là" (what he does because of who he is). "Cái Người là" và "cái Người làm" chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn khi được đặt vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong triều giáo hoàng của tôi, tôi luôn luôn lưu tâm nhắc nhở người tín hữu về sự hiệp thông sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc. Các thông điệp của tôi Redemptor Hominis, Dives in Misericordia Dominum et Vivificantem là những suy tư tuần tự về Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và về vai trò các Ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta không thể cách ly hay tách biệt Ngôi này với các Ngôi khác, bởi vì mỗi Ngôi chỉ được mạc khải trong sự hiệp thông sự sống và hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hành động cứu rỗi của Đức Giêsu bắt nguồn từ sự hiệp thông của các Ngôi vị Thiên Chúa, và mở đường cho tất cả những ai tin vào Người cũng được hiệp thông mật thiết với Ba Ngôi và với nhau trong Ba Ngôi.

"Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha", Đức Giêsu khẳng định như thế (Ga 14,9). Chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, sự viên mãn của Thiên Chúa hiện diện cách cụ thể (x. Col 2,9), làm cho Người thành Ngôi lời cứu độ duy nhất và tuyệt đối của Thiên Chúa (x. Dt 1,1-4). Là Lời cuối cùng của Chúa Cha, Đức Giêsu làm cho Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Người được biết đến cách đầy đủ nhất. "Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" Đức Giêsu nói (Ga 14,6). Người là "Đường, là sự Thật và là sự Sống" (Ga 14,6), bởi vì, như chính Người nói "Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những công việc của mình" (Ga 10,14). Chỉ trong con người Đức Giêsu, lời cứu độ của Thiên Chúa xuất hiện cách trọn vẹn, phán dạy vào thời kỳ sau hết (x. Dt 1,1-2). Vì thế, trong những ngày đầu của Giáo Hội, Thánh Phêrô mới có thể tuyên bố: "Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được ơn cứu độ" (Cv 4,12).

Sứ vụ của Đấng Cứu Thế đạt cao điểm trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Trên Thánh Giá, khi "giang tay ra làm dấu hiệu giữa trời và đất, dấu hiệu muôn đời về giao ước [của Chúa Cha] (42), Đức Giêsu thốt ra lời kêu xin cuối cùng với Chúa Cha, xin Người tha tội cho nhân loại: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Đức Giêsu tiêu diệt tội lỗi bằng quyền lực tình yêu của Người đối với Chúa Cha và cả nhân loại. Ngài mang lấy trên mình vết thương do tội giáng xuống trên nhân loại, và Người ban ơn giải phóng qua sự hoán cải. Những hoa quả đầu tiên của điều đó được thấy rõ trong người ăn trộm sám hối treo trên cây thập giá kia bên cạnh Người (x. 23,43). Lời thốt ra cuối cùng của Người là tiếng kêu của người con trung tín: "Lạy Cha, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Trong lời diễn tả tình yêu tột cùng ấy, Ngài trao toàn diện sự sống và sứ vụ của mình trong tay Chúa Cha, Đấng đã sai mình. Như thế, Người trao phó cho Chúa Cha toàn thể thọ tạo và toàn thể nhân loại, để Chúa Cha đón nhận lại trong tình yêu nhân hậu của Người.

Tất cả những gì Chúa Con là và đã hoàn thành, thì được Chúa Cha đón nhận, Đấng lại ban ân huệ này cho thế gian, khi cho Đức Giêsu chỗi dậy từ kẻ chết, và đặt Người ngồi bên hữu Mình, nơi mà tội lỗi và sự chết không còn quyền hành nào nữa. Qua Hy Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu, Chúa Cha dứt khoát ban cho thế gian ơn hoà giải và sự sống tràn trề. Aân huệ lạ lùng này chỉ có thể được ban tặng nhờ Người Con yêu dấu, duy mình Người mới có thể đáp trả trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, tình yêu đã bị chối từ vì tội lỗi. Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta được biết rằng Thiên Chúa không ở xa, ở trên và ở ngoài con người, nhưng ở rất gần, thật sự kết hợp với mỗi người và toàn thể nhân loại trong mọi hoàn cảnh đời sống. Đó là sứ điệp mà Kitô giáo trao ban cho thế giới, và đó là một nguồn an ủi và hy vọng vô song cho mọi người tín hữu.

Đức Giêsu Kitô: Chân Lý của Nhân Loại

13. Nhân tính của Đức Giêsu và mầu nhiệm khôn tả Nhập Thể của Người Con Chúa Cha, rọi ánh sáng trên thân phận con người như thế nào? Người con Nhập Thể của Thiên Chúa không những mạc khải đầy đủ Chúa Cha và chương trình cứu độ của Người; Người còn "mạc khải đầy đủ con người cho chính con người" (43). Những lời nói và hành động của Người, và hơn hết, sự Chết và Phục Sinh của Người, mạc khải cách thâm sâu là người có ý nghĩa gì. Nhờ Đức Giêsu, cuối cùng con người có thể biết sự thật về chính mình. Khi dâng hiến trọn vẹn để yêu mến và phục vụ Chúa Cha và con người, cuộc đời làm người đích thực của Đức Giêsu nói lên rằng ơn gọi của mỗi người là nhận lãnh tình yêu và đáp lại bằng việc trao ban tình yêu. Trong Đức Giêsu, chúng ta kinh ngạc về khả năng vô tận của quả tim con người để yêu Chúa và yêu người, cho dầu khi yêu như thế là kéo theo nhiều đau khổ. Nhất là chính trên Thánh Giá mà Đức Giêsu bẻ gãy quyền lực của sự đối kháng với tình yêu đem lại chết chóc (self-destructive resistance), sự đối kháng mà tội lỗi gây nên nơi chúng ta. Về phần mình, Chúa Cha đáp trả bằng cách cho Đức Giêsu chỗi dậy như là người con đầu lòng của tất cả những ai được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Con của Người (x. Rm 8,29). Vào lúc ấy, Đức Giêsu đã trở nên, một lần thay cho tất cả, vừa là sự mạc khải vừa là sự hoàn thành một nhân loại được tái tạo và đổi mới theo chương trình của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu, chúng ta khám phá sự cao cả và phẩm giá của mỗi con người trong con tim Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh của Người (x. St 1,26), và chúng ta gặp được nguồn gốc của thụ tạo mới mà chúng ta đã trở nên nhờ ân sủng của Người.

Công Đồng Vatican II dạy rằng "chính Con Thiên Chúa khi Nhập Thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người" (44). Trong cái nhìn thâm sâu này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhận ra nguồn suối cơ bản của hy vọng và nghị lực cho người dân Á Châu trong các cuộc chiến đấu và những nghi hoặc của họ. Khi những người nam và nữ, bằng đức tin sống động, đáp trả lại ơn huệ tình yêu của Thiên Chúa, thì sự hiện diện của Chúa mang đến tình yêu và bình an, biến đổi con tim nhân loại từ bên trong. Trong thông điệp Redemptor Hominis, tôi đã viết: "Sự cứu chuộc thế giới -mầu nhiệm đáng sợ của tình yêu, nhờ đó tạo vật được đổi mới- tại gốc rễ thâm sâu nhất của nó, là sự viên mãn của đức công chính trong một con tim nhân loại -con tim của Người Con trưởng tử- ngõ hầu nó có thể trở nên công chính trong tim của nhiều người, đã được tiền định từ thuở đời đời trong người Con trưởng tử đó, làm con Thiên Chúa và được gọi hưởng nhờ ân sủng, được kêu gọi sống yêu thương" (45).

Như vậy, sứ vụ của Đức Giêsu không những phục hồi sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà còn thiết lập một sự hiệp thông mới giữa những con người sống xa cách nhau vì tội lỗi. Trên mọi chia rẽ, Đức Giêsu làm cho mọi dân tộc có thể sống như anh chị em, bằng cách nhìn nhận chỉ có một Cha trên Trời (x. Mt 23,9). Trong Người, nảy sinh một sự hoà hợp mới, trong đó "không còn chuyện phân biệt, Do thái hay Hy lạp. nô lệ hay tự do. đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gl 3,28). Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta, "Người đã liên kết đôi bên thành một, và đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét" (Ep 2,14). Trong tất cả những gì Người đã nói đã làm, Đức Giêsu là tiếng nói, là bàn tay và cánh tay của Chúa Cha, thu họp tất cả con cái Chúa thành một gia đình yêu thương. Người đã cầu nguyện cho môn đệ Người có thể sống trong hiệp thông, cũng như Người sống hiệp thông với Thiên Chúa Cha (Ga 17,11). Trong những lời nói cuối cùng của Người, chúng ta nghe Người nói: "Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,9-12). Được sai đi bởi Thiên Chúa của sự hiệp thông, và trở nên Chúa thật và người thật, Đức Giêsu đã thiết lập sự hiệp thông giữa trời và đất trong chính thân thể của Người. Đức tin của chúng ta là "Thiên Chúa làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Cl 1,19-20). Ơn cứu độ có thể gặp được trong con người của Con Thiên Chúa làm người, và trong sứ vụ được giao phó cho Người mà thôi như Người Con, một sứ vụ phục vụ và yêu thương để mọi người được sống. Cùng chung với Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội tại Á Châu công bố chân lý đức tin: "Chỉ có một Thiên Chúa, có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng tự hiến làm giá chuộc cho mọi người" (1 Tm 2,5-6).

Tính Độc Nhất và Tính Phổ Quát của Ơn Cứu độ
trong Đức Giêsu

14. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc lại rằng Ngôi Lời có từ trước, Người Con sinh ra từ thuở đời đời của Thiên Chúa, "đã hiện diện trong sáng tạo, trong lịch sử và trong mọi ước muốn điều thiện của con người" (46). Nhờ Ngôi Lời, hiện diện trong vũ trụ ngay cả trước lúc nhập thể, mà thế giới hiện hữu (x. Ga 1,1-4; Cl 1,15-20). Nhưng trong tư cách là Ngôi Lời Nhập Thể đã sống, chết và chỗi dậy từ kẻ chết, Đức Giêsu Kitô bây giờ được tuyên xưng là sự viên mãn của mọi tạo vật, mọi lịch sử và mọi ước muốn được sống dồi dào của con người (47). Chỗi dậy từ kẻ chết, Đức Giêsu Kitô "hiện diện trong tất cả và trong toàn thể tạo vật, cách mới mẻ và mầu nhiệm" (48). Trong Người "những giá trị chân chính của mọi truyền thống tôn giáo và văn hoá, chẳng hạn như lòng thương xót và sự tùng phục ý muốn Thiên Chúa, lòng trắc ẩn và tính ngay thẳng, bất bạo động và công chính, lòng hiếu thảo và sự hài hoà với tạo vật, tìm thấy sự viên mãn và thực hiện" (49). Từ khởi đầu cho đến kết thúc thời gian, Đức Giêsu là Vị Trung Gian phổ quát duy nhất. Dù với những kẻ không công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế, ơn cứu độ vẫn đến với họ như là một ân sủng do Đức Giêsu Kitô, nhờ sự thông truyền của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta tin rằng Đức Giêsu Kitô, Chúa thật và người thật, là Đấng Cứu Thế độc nhất bởi vì chỉ duy mình Người -Người Con- đã hoàn thành chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha. Như là sự tỏ bày chung cuộc về mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người, Đức Giêsu quả thực là độc nhất và "chính sự độc nhất đó của Đức Kitô cho Người một tầm vóc tuyệt đối và phổ quát, qua đó, vì ở trong lịch sử, Người là trung tâm và cùng đích của lịch sử (50).

Không cá nhân nào, không quốc gia nào, không nền văn hoá nào mà không bị tác động bởi lời mời gọi của Đức Giêsu thốt lên từ chính giữa lòng của thân phận con người. "Chính đời sống của Người đã thốt lên, nhân tính của Người, lòng trung thành của Người đối với chân lý, tình yêu bao quát của Người. Hơn nữa sự chết của Người trên Thánh Giá đã thốt lên, nghĩa là bề sâu khôn dò của sự đau khổ và bị bỏ rơi của Người" (51). Khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong bản tính nhân loại của Người, dân chúng tại Á Châu gặp được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi sâu sắc nhất của họ, hy vọng của họ được hoàn thành, nhân phẩm của họ được nâng cao và sự ngã lòng của họ được vượt thắng. Đức Giêsu là Tin Mừng đối với các người nam nữ của mọi thời đại và mọi nơi chốn, trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu và sự thật về bản tính nhân loại của mình.


Sứ điệp của Đức Phanxicô cho ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2022: Lắng nghe là một chiều kích của tình yêu (27/5/2022)

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu Nguyện cho Ơn gọi 2022 (6/5/2022)

Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi 2022 (20/4/2022)

Tông thư dưới dạng tự sắc ADMIRABILE SIGNUM của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh (4/12/2019)

“Hãy về nhà”: Lời tâm huyết ĐGH Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam (24/11/2019)

Tông huấn "Niềm vui của tin mừng" (30/8/2014)

Tông huấn Familiaris Consortio (4/7/2012)

Thông điệp Humanae Vitae (4/7/2012)

Tìm hiều sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân) (11/5/2012)

Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân) trong đời sống Giáo hội hôm nay (11/5/2012)

Sứ điệp của Đức Thánh Cha BêNêĐicTô XVI nhân ngày thế giới sứ mạng 2010 (18/11/2010)

Huấn thị DIGNITAS PERSONAE (Phẩm giá con người) về một số vấn đề đạo đức sinh học (18/11/2010)
 Các tin khác:  1   2   3   4 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn