Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (25/07/2021)



 
1.         Chuyện chúng mình:
 
BẾP ĂN 0 ĐỒNG – KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
 
Giữa tâm dịch, người người thực hiện giãn cách xã hội, mọi hoạt động dường như đều tạm dừng, phố xá, chợ búa, hàng quán lặng tư tờ, nhưng những căn bếp tình thương vẫn luôn đỏ lửa để ngày ngày gửi đến những người nghèo hàng trăm phần cơm nghĩa tình. Trong số những căn bếp ấy có “BẾP ĂN 0 ĐỒNG – KẾT NỐI YÊU THƯƠNG” của Hội dòng Đa Minh Rosa Lima.
Hình ảnh những người lao động nghèo lao đao từng bữa ăn hằng ngày để tồn tại trong những ngày giãn cách luôn đau đáu trong tâm trí quý chị em, nên sau khi phường Linh Xuân, Tp. Thủ Đức có lệnh phong tỏa, với sự tài trợ của quý vị ân nhân và HỘI BÁC ÁI PHANXICÔ, “Bếp ăn 0 đồng” của Hội dòng đã quyết định nhóm lửa nấu ăn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường và quanh khu vực cận kề.
Mỗi ngày, căn bếp đỏ lửa từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, phát gần 400 phần cơm, đủ dinh dưỡng đến cho người lao động nghèo.
Để tránh tình trạng tập trung đông người, ảnh hưởng không tốt đến việc phòng chống dịch theo quy định, nên sau khi nấu và phân chia xong, các tình nguyện viên của phường Linh Xuân sẽ đến nhận và đem phát tận nơi từng gia đình khó khăn này.
Bếp ăn này dự kiến sẽ hoạt động trong 1 tháng, với 400 phần ăn mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Đối với những anh chị em ở xa, ngoài địa bàn phường Linh Xuân, Hội dòng sẽ hỗ trợ bằng cách khác, phù hợp với từng hoàn cảnh.
“Không có ai bị đói, không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là mục tiêu lớn mà cả nước đang hướng đến. Hội dòng Đa Minh Rosa Lima cùng với quý vị ân nhân cũng đang nỗ lực hết mình để chung tay cho mục tiêu ấy.
Xin chân thành tri ân HỘI BÁC ÁI PHANXICÔ – đơn vị tài trợ chính cho bếp ăn này. Xin cám ơn quý vị ân nhân và bạn hữu xa gần, với những món quà nho nhỏ là thực phẩm, là yêu thương liên tục được trao gửi đến Hội dòng trong những ngày cao điểm của đại dịch.
Những nghĩa cử, hành động đẹp của quý vị làm cho ngọn lửa tình người được thắp sáng. Để dù nhiều hoang mang và âu lo vì dịch bệnh ngày càng phức tạp, lòng người vẫn luôn ấm áp nhờ được sưởi ấm bởi ngọn lửa của sự yêu thương sẻ chia, ngọn lửa của ý thức trách nhiệm với cộng đồng đang được lan tỏa.
BBT
 
2. Những con số biết nói
 
Stt
 
Quốc gia
 
Được chữa khỏi
 
Tử vong
 
Tổng số
1
Saudi Arabia
3.204.136
8.141
515.693
2
Kenya
184.885
3.838
195.898
3
Zimbabwe
62.986
2.961
95.686
4
Việt Nam
15.532
370
86.901
 
 
 
 
 
 
Thế giới
 
176.009.753
 
4.157.922
 
193.872.621
 
 
 
Cập nhật lúc 6g30, ngày 24.07.2021
 
3.       Khuôn vàng thước ngọc (Ga 6,1-15;Chúa nhật, tuần XVII Thường niên – Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần I) 
 
Bài Tin mừng hôm nay kể lại dấu lạ hoá bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá do Đức Giêsu thực hiện để nuôi sống năm ngàn người, không kể đàn bà con trẻ. Dấu lạ này cho chúng ta thấy, Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Thật vậy, năm chiếc bánh và hai con cá là biểu tượng cho sự hy sinh, đóng góp nhỏ bé của con người. Thế nhưng, từ sự hy sinh đóng góp nhỏ bé đó, Đức Giêsu đã thực hiện dấu lạ cả thể để nuôi sống con người. Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng sợ hy sinh, đừng ngại chia sẻ, bởi vì Thiên Chúa có thể biến những hy sinh, chia sẻ nhỏ bé của chúng ta thành những dấu lạ để nuôi sống người khác và thành dấu lạ của tình thương.
Khi đọc bài Tin Mừng nói về dấu lạ hoá bánh ra nhiều, chắc chắn có nhiều điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Nhưng ở đây chỉ xin được chia sẻ ba điểm rất đơn sơ mà qua đó, chúng ta nhận thấy bóng dáng của chính mình cũng như được mời gọi hãy biết quảng đại trong việc trao ban để từ đó góp phần tạo nên những điều lạ lùng trong cuộc sống mỗi người.
Trước hết, qua dấu lạ hoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no không kể đàn bà con trẻ, chúng ta thấy, thay cho một Thiên Chúa xa lạ, không màng gì đến những lo toan, trăn trở của con người trong cuộc sống thường ngày, Đức Giêsu đã mặc khải một Thiên Chúa cũng có trái tim của con người để biết thế nào là đau khổ, thế nào là đói khát. Một Thiên Chúa như thế không thể làm ngơ trước đám đông mà nếu không có gì ăn no, họ có thể té xỉu dọc đường. Bởi đó, sau khi đã giảng dạy nhiều điều, Đức Giêsu quyết định thực hiện dấu lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Qua dấu lạ hoá bánh ra nhiều, Giáo Hội cũng được mời gọi là không chỉ bận tâm với những thực tại tâm linh mà quên đi thực tại trần thế. Thực vậy, Kitô giáo không bao giờ coi thường thực tại trần thế hoặc làm ngơ trước những nhu cầu vật chất của con người. Đúng hơn, Kitô giáo không bao giờ được phép chỉ lưu tâm đến những nhu cầu vật chất chóng qua mà trái lại, luôn hướng tới cứu cánh tối hậu là ơn cứu độ, là hạnh phúc Nước Trời.
Kế đến, qua dấu lạ hoá bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta một bài học về sự chia sẻ. Thế giới hôm nay đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực. Bởi đó, người ta tìm đủ mọi cách để giải quyết vấn đề hóc búa này. Thế nhưng, qua dấu lạ hoá bánh ra nhiều hôm nay, Đức Giêsu cho thấy cách tốt nhất để giải quyết vấn đề kinh tế, để mọi người có đủ cơm bánh đó là mọi người hãy biết chia sẻ những gì mình có cho người khác. Có thể nói, thế giới ngày nay không thiếu thốn cơm bánh, nhưng thiếu tình thương và sự chia sẻ. Có của cải dư đầy, mà không có tình thương chia sẻ, con người vẫn còn đói, còn khổ và còn có cả những bất công trong việc phân cấp giàu - nghèo.
Cuối cùng, qua dấu lạ hoá bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta bài học hãy tín thác cho Chúa trong khi phục vụ, trong khi chia sẻ những gì mình đang có. Quả thế, chúng ta đừng sợ phải hy sinh, phải chia sẻ, vì Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Dấu lạ hoá bánh ra nhiều đã chứng minh điều đó. Thật vậy, làm sao năm chiếc bánh và hai con cá có thể sánh được với số lượng bánh cho năm ngàn người ăn no, thậm chí cũng không thể so sánh năm chiếc bánh và hai con cá với mười hai thúng bánh còn thừa lại. Tắt một lời, chúng ta đừng sợ hy sinh cho Chúa, đừng lo lắng khi phải chia sẻ cho người khác vì Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta.
Bài học yêu thương và chia sẻ vẫn được Đức Giêsu lặp lại cho chúng ta mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ. Lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn luôn vang vọng nơi mỗi chúng ta: “Anh em hãy làm việc này, mà nhớ đến Thầy”. Thiết tưởng, lời gọi mời này không đơn giản chỉ dừng lại trong mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự; nhưng còn là lời nhắc cho mỗi người hãy lặp lại hành động yêu thương của Đức Giêsu, là hãy biến cuộc đời chúng ta trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em; là mở rộng đôi tay để trao ban, để chia sẻ những gì mình có cho người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người đang cần tới sự trợ giúp của chúng ta nữa.
 
Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa vì Ngài luôn mời gọi chúng con được dự phần vào công trình cứu độ. Chúa còn dự liệu để ban Mình và Máu Thánh Ngài làm thần lương để chúng con hưởng dùng mà có sức tiến về quê trời vĩnh cửu. Xin cho chúng con biết thực tâm chia sẻ những của cải chóng qua ở đời này như là cách để chúng con bẻ tấm bánh đời mình mà trao gửi cho tha nhân. Xin cho chúng con biết quảng đại chia san và đừng bao giờ khép hờ đôi mắt những những khó khăn vất vả của anh chị em mình.
 
4.        Lời bàn
- Khi thấy đoàn người đông đảo, Đức Giêsu động lòng thương xót. Họ đang đói và mệt, phải cho họ ăn. Ngài quay sang nói với Philipphê là điều tự nhiên, vì có lẽ ông biết rõ khu vực này. Ngài hỏi ông có thể đi tìm thức ăn ở đâu. Câu trả lời của ông đầy thất vọng, ông bảo cho dù có đi tìm được thức ăn đi nữa thì cũng phải tốn hơn 200 đồng mới đủ cho đám đông đó, mỗi người một ít. Bấy giờ Anrê xuất hiện. Ông đã phát hiện được một cậu bé có năm chiếc bánh lúa mạch với hai con cá. Bánh lúa mạch là loại bánh rẻ tiền nhất và luôn bị coi thường. Trong kinh Mishnah có một điều về lễ vật mà một người đàn bà phạm tội ngoại tình phải dâng. Dĩ nhiên, người đó phải dâng lễ chuộc tội. Thêm vào đó là lễ chay gồm bột, rượu và dầu trộn lẫn với nhau. Thông thường bột dùng là bột mì, nhưng theo luật định cho trường hợp dâng lễ vật vì tội ngoại tình, thì bột có thể là bột lúa mạch, là thức ăn dành cho gia súc vì tội của người đàn bà ngoại tình là tội của súc vật. Như vậy, bánh lúa mạch là bánh của những người thật nghèo và đôi khi cũng là bánh của những người tội lỗi đầy mình. Trước mặt Chúa, tất cả những gì chúng ta dâng cho Ngài chẳng phải cũng hèn kém như vậy sao?
- Còn cá thì chắc rằng cũng chẳng to tát gì. Cá muối vùng Galilê vốn nổi tiếng khắp Rôma. Vào thời đó, cá tươi là xa xỉ phẩm, có rất ít vì không có phương tiện chuyên chở đi xa và khó bảo quản tươi được. Những loại cá nhỏ thì nhiều vô kể ở Biển Hồ Galilê. Người ta đánh bắt, sau đó đem muối. Cậu bé cũng mang theo cá muối nhỏ để nuốt cho trôi khẩu phần bánh lúa mạch khô khan. Ngày nay ở Đất Thánh, các khách hành hương sẽ được giới thiệu và đến dùng thử món cá của thánh Phêrô tại một nhà hàng nằm ngay bên bờ Biển Hồ. Loại cá được mời chào ấy thực chất cũng chỉ là cá Rô phi đơn tính, khá to nhưng không có gì đặc biệt. Nó trở thành điểm nhấn và cho thấy sự nhạy bén của những người kinh doanh, nhằm đánh vào tâm lý những khách thập phương khi hành hương đến mảnh đất này.
- Đức Giêsu bảo các môn đệ cho đám đông ngồi xuống cỏ. Tác giả Máccô còn mô tả cách chi tiết hơn nữa: đám đông ngồi xuống trên thảm cỏ xanh và theo từng hàng, hàng thì một trăm, hàng thì năm chục. Tác giả thuật lại như thể mình là một trong những nhân chứng của cảnh tượng ngoạn mục ấy. Hàng ngàn người được chia theo nhóm, ngay hàng thẳng lối và rất trật tự trong khi chờ tới lượt mình nhận được thức ăn. Đức Giêsu cầm lấy bánh và dâng lời tạ ơn. Khi hành động như thế, tức là Ngài đã làm như một người cha trong gia đình. Lời tạ ơn mà Ngài dâng lên là lời cầu thông thường vẫn được người Do Thái sử dụng trong mỗi bữa ăn: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con tạ ơn Ngài, Đấng đã khiến đất sinh ra bánh”. Sau đó, đám đông nhận lấy bánh cũng như cá từ tay Chúa và được ăn no nê. Chi tiết này cũng có đôi chút khác biệt so với Tin Mừng Máccô đó là, thay vì Đức Giêsu trao cho các môn đệ để họ phân phát cho dân thì ở đây, chính Ngài đã làm điều đó. Tuy nhiên, xét về mặt logic, một mình Đức Giêsu không làm xuể nhiều việc như thế cùng một lúc. Dù sao đi nữa thì hành động của Đức Giêsu cũng chỉ mang tính tùy phụ; điều chính yếu là Ngài đã nuôi dân no nê từ những thứ giản đơn nhất, tầm thường nhất. Nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu cũng tha thiết mời gọi chúng ta đến cầm lấy mà ăn, nhận lấy mà uống. Tất cả đều được cho không. Vậy thì hà cớ gì chúng ta không chạy đến để kín múc nguồn lương thực nuôi sống cho linh hồn của mình? Nếu từ khước, chẳng phải là chúng ta đã hành xử cách bất kính với ân ban mà Chúa trao tặng sao? Dấu lạ khởi đi từ việc đám đông vâng lời Đức Giêsu để ngồi xuống đợi chờ, chẳng lẽ việc đó cũng khó với chúng ta sao?
- Đức Giêsu cần những gì chúng ta đem đến cho Ngài. Ngài không cần mỗi chúng ta mang đến thật nhiều, nhưng cần những gì chúng ta đang có và sẵn lòng trao tặng. Có thể là thế giới đã không nhận được dấu lạ này đến dấu lạ khác, chiến thắng này đến chiến thắng khác, chỉ vì chúng ta đã không chịu đem đến cho Chúa những gì mình có, không chịu đến với Ngài bằng chính con người hiện tại của mình. Nếu chúng ta bằng lòng dâng toàn thể con người của mình để phục vụ Đức Giêsu thì Ngài sẽ dùng chúng ta, dù không ai biết được Chúa sẽ làm gì với chúng ta và qua chúng ta. Có thể chúng ta sẽ hối tiếc và hổ thẹn vì mình không có gì nhiều để dâng, nhưng chúng ta không có lý do gì để từ chối dâng cho Ngài những gì mình có. Dù ít nhưng bao giờ cũng đủ, bao giờ cũng có giá trị trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.
- Chúng ta thấy gì từ phản ứng của đám đông sau khi chứng kiến dấu lạ này? Họ nhiệt tình ủng hộ Đức Giêsu vì Ngài đã ban điều họ muốn. Ngài đã chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và nhất là đã nuôi ăn nên họ muốn tôn Ngài lên làm lãnh tụ. Đức Giêsu hẳn đã không vui vì điều đó nên Ngài lại lánh mặt đi và lên núi một mình. Ngài muốn ở một mình với Chúa cha để rời xa những bả vinh hoa trần thế; càng không muốn ở gần thói ăn xổi ở thì của đám đông dân chúng. Đời sống đức tin của chúng ta hôm nay có lẽ cũng không khá hơn dân Do Thái ngày xưa, thậm chí có khi còn tệ hơn họ nữa. Chúng ta muốn được an ủi khi buồn, muốn được tiếp thêm sức mạnh khi gặp khó khăn, muốn được bình an trong cơn hoạn nạn, muốn được trợ giúp khi đời mình lao dốc không phanh… những khi ấy, chúng ta năng chạy đến với Chúa và trải lòng ra với Ngài. Thế nhưng, khi Chúa đòi hỏi một chút hy sinh, mời gọi kiên tâm trong thử thách và nhất là muốn chúng ta vác thập giá mỗi ngày thì chúng ta dễ dàng làm ngơ và muốn Chúa đừng can dự vào đời sống của mình.
- Đám đông muốn tung hô Đức Giêsu vì họ muốn lợi dụng Ngài cho mục đích của riêng họ; nói cách khác, họ muốn Chúa hiện thực hóa ước mơ bao đời của cha ông. Họ trông chờ một Mêsia theo nghĩa trần thế; và những gì Đức Giêsu đã thực hiện càng khiến họ tin rằng, chỉ có Ngài mới có khả năng khỏa lấp những ước mong của họ. Về điểm này, chúng ta có khá hơn đám người Do Thái năm xưa không? Cá nhân tôi không đủ tự tin để nói mình ngon lành hơn họ; bởi vì, chúng ta vẫn kêu cầu Chúa và mong người thực hiện theo ý của mình. Chúng ta không đủ khiêm nhường và vâng phục Thánh ý của Thiên Chúa mà chỉ muốn Ngài hoàn tất những gì còn dang dở ngang qua những hoạch định của chúng ta. Chúng ta đợi chờ Chúa dùng “cây đũa thần” của Ngài để hóa giải những gian nguy đang gặp phải mà không sẵn lòng giao phó đời mình như là khí cụ trong tay của Chúa. Như thế, chúng ta dường như chẳng hơn những người mà xưa kia Chúa muốn lánh mặt để đi ra một nơi thanh vắng.
 
- Những nghĩa cử, hành động đẹp của quý vị làm cho ngọn lửa tình người được thắp sáng. Để dù nhiều hoang mang và âu lo vì dịch bệnh ngày càng phức tạp, lòng người vẫn luôn ấm áp nhờ được sưởi ấm bởi ngọn lửa của sự yêu thương sẻ chia, ngọn lửa của ý thức trách nhiệm với cộng đồng đang được lan tỏa”. Giữa thời dịch bệnh hoành hành, gây bao đau thương và từng ngày đang giày xéo khắp thế giới, chúng ta vẫn kịp nhận ra bao điều tốt đẹp mà con người dành tặng cho nhau. Nó như những vệt sáng vút qua bầu trời tăm tối, đủ sức tỏa lan và gây bao thổn thức nơi những tâm hồn chực chờ vụn vỡ. Dẫu biết rằng, cuộc sống hiện tại vẫn còn đó muôn trùng khó khăn vất vả, nhưng nếu ai ai cũng ki bo và thủ lấy cho riêng mình thì hẳn là nhân gian sẽ mất đi vẻ huy hoàng vốn có của nó; còn những phận người lênh đênh hay những kẻ cơ cầu sẽ khóc thầm trong cảnh gian nan sầu muộn. May thay, giữa cơn bĩ cực, chúng ta không khó để có thể điểm mặt đặt tên những việc làm thắm đượm nghĩa tình. Giả như cậu bé trong Tin Mừng hôm nay quyết giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá của mình, rất có thể dấu lạ đã không xảy ra; nhưng không, cậu ấy đã dâng tặng tất cả, kể cả khi cậu đang cảm thấy cồn cào vì đói. Nhờ những thứ rất đỗi bình thường mà cậu chia sẻ, Đức Giêsu đã khiến đám đông ngỡ ngàng và chắc rằng cậu bé cũng sẽ rất vui.
- Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng ở trong sự kiện này, dấu lạ xảy ra chẳng phải là việc hóa không thành có. Thiên Chúa mời gọi mỗi người đóng góp phần của mình để dấu lạ có thể diễn ra ngay giữa đời thường. Đừng nghĩ Chúa sẽ đòi những gì to tát nhưng hãy luôn nhớ rằng, Ngài không bao giờ đòi dâng tặng thứ mà chúng ta chẳng có. Đừng bao giờ mặc cảm về những gì chúng ta sớt chia có vẻ tầm thường hay hèn mọn; hãy nhớ rằng, cách cho quan trọng hơn của cho nhiều lần. Nhà văn Jack London từng diễn tả điều đó một cách chân thực thế này: “Từ thiện không phải là quẳng cho con chó khúc xương, mà từ thiện là ném cho con chó khúc xương trong lúc mình cũng đói như con chó”. Chúng ta sẽ càng thấm thía hơn về điều này ngang qua những lời của thánh Phanxicô Assidi: “Tôi đã không bao giờ ăn cắp của bố thí, cả khi xin lẫn khi dùng của đó. Tôi luôn dùng ít hơn những gì tôi xin được, để những người nghèo khác không mất phần cũng được dành cho họ”. Vào những ngày này, hình ảnh của các nữ tu xuôi ngược khắp hang cùng ngõ hẻm để “tiếp tế” lương thực cho mọi người ở nhiều khu vực cách ly mới đẹp làm sao. Không chỉ có các nữ tu Hội dòng Đa Minh Rosa Lima mà còn có rất nhiều anh chị em tu sĩ khác cũng đã miệt mài đóng góp những gì có thể vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh đang tràn lan khắp nơi. Họ là những môn đệ đang thi hành huấn lệnh của Thầy Giêsu cách vui tươi và nghiêm cẩn: “Anh em hãy cho họ ăn”. Họ trở thành cánh tay nối dài của biết bao vị ân nhân, làm việc thiện mà chẳng màng lưu danh hay muốn được người ta ca tụng. Chúng ta mong ngày càng có thêm nhiều tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia cho những ai kém may mắn hơn mình. Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta thêm tin tưởng rằng, những nghĩa cử cao đẹp mà con người ta trao gửi cho nhau, sẽ không bao giờ chìm vào lãng quên trước mặt Chúa.
 
Viết Cường, O.P.


Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 26 thường niên, Năm B) (26/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B) (19/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 24 Thường niên - Năm B) (12/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 23 thường niên -Năm B) (5/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 22 Thường niên - Năm B) (29/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 21 TN, Năm B) (23/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2021) (15/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (08/08/2021) (8/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật, 01/08/2021) (1/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (27/7/2021) (27/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (24/07/2021) (24/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (23/7/2021) (23/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (22/7/2021) (22/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (21/07/2021) (21/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (20/7/2021) (20/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (19/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (18/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (17/07/2021) (17/7/2021)

Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi phụ nữ toàn thế giới (15/5/2011)

Một cặp vợ chồng người Ý đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước (30/4/2011)
 Các tin khác:  1   2   3 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn