Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
CHA MẸ LÀ MỤC TỬ CỦA CON CÁI

DẪN NHẬP

Dân Do thái vốn là dân du mục, cuộc đời họ gắn liền với đồng cỏ và đàn vật, dựa trên mối tương quan giữa mục tử và đàn chiên, họ đã tự nhận mình là chiên dưới sự hướng dẫn của người mục tử là Thiên Chúa (Tv 23). Để tiếp tục công việc chăn dắt đàn chiên là Israel, Thiên Chúa đã ủy thác nhiệm vụ này cho các nhà lãnh đạo, có người tốt như Môsê (Ds 27,15-17) hoặc vua Đavít (Tv 78,70-72), nhưng cũng không ít những mục tử giả hiệu, những kẻ chăn thuê (Ed 34). Vì thế, Thiên Chúa đã hứa ban cho đàn chiên một vị Mục Tử đích thực, đó là Đức Kitô (Ga 10).

Trong buổi tĩnh tâm chiều nay, ta hãy chiêm ngắm Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành để khám phá lại vai trò mục tử của cha mẹ đối với con cái trong gia đình, và chủ đề của buổi Tĩnh tâm chiều nay là: “CHA MẸ LÀ MỤC TỬ CỦA CON CÁI”.

Người mục tử nhân lành theo Tin Mừng Gioan có bốn đặc tính:

1- Mục tử yêu mến chiên bằng một tình yêu hiểu biết

 
Đức Giêsu nói: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”. Động từ “biết” trong Kinh thánh có hai nghĩa: một là nhận thức của lý trí trước một thực tại; hai là yêu mến gắn bó. Kinh nghiệm cho thấy khi yêu, trái tim trở nên bén nhạy đến nỗi hiểu biết những gì mà lý trí không hiểu thấu, Pascal bảo rằng: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được”. Như vậy, khi Đức Giêsu nói: “Tôi biết chiên tôi, và chiên tôi biết tôi”, có nghĩa là Đức Giêsu không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sống của chúng ta, mà còn thấu biết tâm tư tình cảm của chúng ta. Tóm lại là Ngài đồng cảm với ta, Ngài chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, âu lo và hy vọng với ta.

Một trong những vấn đề nổi cộm hôm nay, đó là sự xung khắc, cãi cọ trong gia đình. Cha mẹ không hiểu con cái và con cái không hiểu cha mẹ. Sự không hiểu nhau phát xuất từ sự khác biệt giữa các thế hệ trong gia đình, khác biệt dẫn đến xung khắc. Tuy nhiên sự xung khắc sẽ được hóa giải rất nhiều, nếu các thành viên trong gia đình biết lắng nghe nhau và ôn tồn đối thoại với nhau. Có lẽ vì ý thức được tầm quan trọng của việc đối thoại và lắng nghe nên câu khẩu hiệu của công ty bảo hiểm Prudential là: “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Thay vì cha mẹ ra lệnh: “con phải làm việc này, con phải làm việc kia …”, cha mẹ hãy lắng nghe, trao đổi với con, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn hẳn.

Trong thời đại hôm nay, người ta có khuynh hướng tự khẳng định mình, nên người ta nói nhiều hơn nghe. Chính trong bối cảnh đó, một thái độ cởi mở lắng nghe lại càng thêm cần thiết, bởi lẽ, không có cái gì mở được trái tim người khác ra rộng rãi cho bằng thái độ lưu tâm đến họ, lắng nghe những ưu tư bức xúc, những phiền muộn hoang mang lo lắng của họ. Td: Các phòng tư vấn tâm lý, tư vấn hôn nhân gia đình ngày càng có thêm nhiều thân chủ … Nhưng để lắng nghe, thì điều kiện quan trọng là phải biết kiên nhẫn, biết quên mình. Thí dụ: Nghe con nói vài câu, nóng mặt, muốn quát mắng, muốn át giọng.

Lắng nghe, đấy là trường dạy ta sự kiên nhẫn, nhưng trước hết đấy là trường dạy ta biết quên mình. Với tư cách là mục tử, liệu các bậc cha mẹ có biết học bài học quên mình qua thái độ kiên nhẫn lắng nghe con cái trong gia đình chăng?

2
- Mục tử yêu mến chiên bằng một tình yêu biết quan tâm chăm sóc

           Đức Giêsu nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10).
Như người mục tử ân cần dẫn dắt đàn chiên đến đồng cỏ xanh và suối nước trong lành, Đức Kitô, vị mục tử nhân hậu cũng trao ban cho đàn chiên lương thực đích thật, đó là Lời Chúa và Mình Máu Chúa, lương thực ấy sẽ cho ta sự sống dồi dào.

           Kinh nghiệm cho thấy có nhiều cách quan tâm chăm sóc khác nhau, có cách làm cho người khác nên trưởng thành và tự tin, nhưng cũng có cách làm cho người khác bị thui chột đi. Đâu là cách chăm sóc và quan tâm sai lầm làm người ta bị thui chột và suy thoái ?

a-    
Sai lầm thứ nhất, đó là: Quan tâm đến cái phụ mà xem nhẹ cái chính : Nhiều cha mẹ lo lắng cung cấp cho con đầy đủ về vật chất, tiền bạc, nhưng lại thiếu sự gặp gỡ, trò chuyện, giáo dục con. Nên nhớ tiền bạc vật chất không thể thay thế được tình yêu và sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Cha ông ta bảo: “Sinh con chẳng dạy chẳng răn, chẳng thà nuôi lợn lấy lòng mà ăn”. Cũng có những bậc cha mẹ quan tâm đến việc chạy trường chạy lớp cho con, sao cho con được vào trường chuyên lớp chọn, nhưng lại lơ là việc giáo dục nhân bản, giáo dục đức tin cho con em mình. Rút cục, gia đình tạo nên những người trẻ có tài nhưng không có đức, có tầm nhưng không có tâm.

b-    
Sai lầm thứ hai là nuôi con theo kiểu vỗ béo: Ngày nay điều kiện kinh tế khá hơn, nhà lại ít con, nên có không ít bậc làm cha mẹ nuôi con theo kiểu vỗ béo, họ cho rằng, con có béo thì mới khỏe, mới khôn. Kỳ thực, trẻ em không cần béo, thậm chí không được phép béo. Ở nước Pháp, người ta có thể tước quyền nuôi con (ở tuổi ấu thơ) của cha mẹ, nếu họ để cho con mình béo phì, hay thừa cân quá mức qui định, bởi vì thừa cân hay béo phì sẽ dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng. Td: béo phì gây ra bệnh xơ gan, suy thận, rút cục vỗ béo cho con lại làm hại con. Chúng ta nên nhớ rằng trẻ em cần vận động hơn là cần ăn.

c-     
Sai lầm thứ ba là quan tâm, chăm sóc con theo kiểu “bao cấp”: nghĩa là làm tất cả thay cho con, không bắt con phải nhúng tay vào việc gì. Ngày nay, gia đình ít con, nên không thiếu trường hợp đứa con trở thành ông hoàng bà chúa, cậu ấm cô chiêu trong nhà. Sự nuông chiều con thái quá khiến cha mẹ lúc nào cũng phải chạy theo con cái, nghĩa là không ngừng thỏa mãn những đòi hỏi, cho dù là ngông cuồng và vô lý của con. Dĩ nhiên, một sự quan tâm chăm sóc như vậy chỉ mang lại đau khổ cho cha mẹ, cũng như ngăn trở tiến trình trưởng thành của con cái. Td: Một người cha không thể gọi là thương con thật sự, nếu ông làm giùm tất cả bài vở cho con; một người mẹ thương con thực sự không thể vì sợ con cái mệt nhọc mà không để con phụ giúp vào những công việc trong nhà. Làm như thế, con cái có khuynh hướng ỷ lại và khó có thể sống tự lập sau này.

Một gia đình lành mạnh là gia đình trong đó mọi thành viên luôn biết chia sẻ tinh thần trách nhiệm cho nhau.

d-    
Sai lầm thứ tư là quan tâm chăm sóc cách độc đoán. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trứng không thể khôn hơn rận, con cái không thể khôn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn cha mẹ, do đó cha mẹ có quyền bắt con cái làm theo những gì mình muốn, nhất cử nhất động phải theo ý mình, phải xin phép mình, đây là não trạng gia trưởng, người trẻ hôm nay khó chấp nhận. Cũng có khi cha mẹ kiểm soát con cái quá khắt khe, khiến con cái có cảm tưởng cha mẹ không tin mình, từ đó con cái đối phó bằng cách sống hai mặt. Ở nhà thì hiền lành, ra ngoài thì phá phách; ở nhà thì vâng lời, đến trường thì ương bướng.

Nhiều cha mẹ khoe rằng mình sắm điện thoại di động cho con rồi thường xuyên gọi điện thoại kiểm tra con, và lấy làm an tâm. Thế nhưng, trẻ em ngày nay rất khôn lanh, dễ dàng qua mặt cha mẹ, rút cục biện pháp kiểm soát con về nơi chốn khiến con trẻ phát huy khả năng nói dối.

e-     
Sai lầm thứ năm là chỉ lo sửa dạy mà quên việc khuyến khích. Luther bảo rằng: “Không có gì sai khi nói, thương thì cho roi cho vọt, nhưng bên cạnh cái roi, hãy dành một trái táo để thưởng cho đứa trẻ khi nó ngoan”. Khuyến khích đem lại lợi ích hơn là quở trách. Việc sửa lỗi có giá trị tích cực khi một mặt cha mẹ đánh giá cao và nhìn nhận những nỗ lực của con trẻ, mặt khác, con trẻ nhận ra cha mẹ vẫn tin tưởng và kiên nhẫn với nó. Ngoài ra, việc sửa lỗi phải phát xuất từ tình thương, chứ không được xem con như kẻ thù, hoặc như một đối tượng để mình trút cơn nóng giận theo kiểu “giận cá chém thớt”.

3- Mục tử yêu mến chiên bằng tình yêu hy sinh
           Khi chăn dắt chiên, mục tử luôn đi đầu, sẵn sàng chống lại bọn cướp hay chó sói muốn làm hại đàn chiên, lắm khi mục tử phải mất mạng vì bảo vệ đàn chiên của mình. Đức Giêsu nói: “Tôi chính là Mục tử nhân lành, Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (10,11). Hy sinh chính là dấu chỉ tình yêu ở mức độ cao nhất. Trong cuộc chiến đấu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh thân mình, nhưng lịch sử vẫn luôn nhớ mãi đến cái chết của Lê Lai, vì Lê Lai liều mình cứu Chúa, đó là vua Lê Lợi. Ngày nay không thiếu những bậc cha mẹ vì ích kỷ, vì ngại hy sinh vất vả nên đã khước từ con mình. Td: phá thai, bỏ rơi con ở bệnh viện, nhà thờ, nhà chùa, thậm chí vứt con vào thùng rác … Nhưng tạ ơn Chúa là còn rất, rất nhiều cha mẹ luôn yêu thương và hy sinh tất cả vì con.

           Một khi cha mẹ không nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc và lợi ích của con cái, cho dù phải trả giá bằng những mất mát thiệt thòi, thì đấy là dấu chỉ cho thấy cha mẹ đang thể hiện một tình yêu hy sinh.

4- Mục tử yêu mến chiên, bằng cách quy tụ những con chiên tản mác về một ràn duy nhất
           Hiện nay, mối tương quan giữa các thành viên trong nhiều gia đình rất là rời rạc. Tại sao vậy? Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn “Niềm vui của tình yêu” số 50 cho biết lý do. Đó là vì, nhiều cha mẹ từ sở làm về nhà bị mệt nhoài, không còn muốn nói chuyện; nhiều gia đình không còn giữ thói quen dùng bữa chung với nhau; hoặc có dùng bữa chung, thì mỗi người lại bận tâm đến cái TV; cái điện thoại, hay máy tính bảng, nghĩa là không quan tâm đến người đối diện, người ngồi bên cạnh, nhưng quan tâm đến thế giới ảo của riêng mình. Cảm thức gia đình quây quần đoàn tụ dần dần biến mất. Hệ quả là cha mẹ vợ chồng ít đối thoại với nhau, nhưng lại tiếp xúc nhiều với bạn bè đồng nghiệp, từ đó phát sinh ra những mối tình công sở, công ty. Con cái không được cha mẹ quan tâm, chỉ bảo hướng dẫn, nên có những suy nghĩ, hành động bồng bột gây tai hại khôn lường. Để bớt đi sự lỏng lẻo và rời rạc, những người làm cha mẹ hãy cố gắng có những buổi ăn cơm chung, và đọc kinh tối chung với nhau.

Đồng ý rằng trong cuộc sống tất bật và hối hả hôm nay, người ta khó có thể dùng bữa chung hoặc đọc kinh tối chung trong gia đình. Nhưng “khó” không có nghĩa là “không thể”. Một khi người ta xem cái gì là quan trọng, thì người ta mới có thể thu xếp thời gian để thực hiện việc đó. Chớ gì các bậc làm cha mẹ hãy xem việc dùng cơm chung và đọc kinh tối chung là quan trọng, để cố gắng thực hiện trong gia đình. Đây là phương cách tuyệt hảo để vừa nối kết tình thân, tránh được sự rời rạc lỏng lẻo, vừa xin ơn Chúa gìn giữ nâng đỡ, ngõ hầu mối tương quan giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái ngày càng thêm bền chặt.

      Để chấm dứt bài chia sẻ, xin ghi lại lời chứng của ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận khi nói về người mẹ của mình, bà cố Elizabeth Ngô đình thị Hiệp, bà cố là em ruột Tổng thống Ngô đình Diệm, và là chị ruột của hai ông Ngô đình Nhu và Ngô đình Cẩn, ĐHY đã viết về người mẹ của mình như sau:

“Mẹ Elizabeth, người đã giáo dục con từ khi con còn trong bụng mẹ. Mỗi tối mẹ dạy con những truyện Kinh thánh, mẹ kể cho con nghe về lịch sử các thánh tử đạo Việt Nam, nhất là về tổ tiên tử đạo của chúng ta (nên nhớ thời Văn Thân, nhiều người trong gia đình họ ngoại của ĐHY tức gia đình cụ Ngô đình Khả đã tử vì đạo). Mẹ dạy con yêu mến tổ quốc, mẹ giới thiệu cho con thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, như mẫu gương nhân đức Kitô giáo.

Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã chôn táng các anh em mình, bị những kẻ phản bội thảm sát, (trong cuộc đảo chính 1/11/1963 Tổng thống Ngô đình Diệm và ông cố vấn Ngô đình Nhu bị giết chết, ít lâu sau ông Ngô đình Cẩn bị xử tử hình), những người mà mẹ đã chân thành tha thứ sau đó, mẹ luôn tiếp đón họ như thể không có gì xảy ra”.

Sau này khi được chọn làm Hồng Y, trong một bài phỏng vấn, ĐHY đã nói: “Sau khi tôi ở tù về, có người hỏi sao tôi vẫn vui vẻ và yêu thương mọi người được, thì tôi nói, bởi vì mẹ tôi đã dạy tôi như thế”.

Bà cố Elizabeth Ngô đình thị Hiệp đã dạy ĐHY về Kinh thánh, về đức tin Kitô giáo, về gương mẫu các thánh. Bà cố đã dạy ĐHY yêu tổ quốc, yêu đồng bào, nhất là đã dạy và làm gương về việc lấy tình thương, sự tha thứ để hóa giải hận thù. ĐHY đã ghi nhớ và sống lấy lời dạy của mẹ trong cuộc đời mình, vì thế hiện nay ĐHY đã được gọi là Đấng Đáng Kính, đây là bước đầu trong tiến trình tuyên phong hiển thánh sau này.

KẾT LUẬN
:

Tóm lại, qua bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu được chia sẻ chức năng mục tử với Đức Giêsu. Mục tử hôm nay là tất cả những ai có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn người khác. Cha mẹ là mục tử của con cái; thầy cô giáo là mục tử của học trò, anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ; bề trên là mục tử của bề dưới; người lo trách nhiệm huấn luyện đào tạo là mục tử của những người đang được huấn luyện. Ta sẽ chu toàn vai trò mục tử nếu ta biết thể hiện những đặc tính của vị mục tử nhân lành mang tên Giêsu Kitô..

Xin Chúa giúp chúng ta có được những bậc cha mẹ là các mục tử nhân lành để góp phần xây dựng và phát triển các gia đình Kitô hữu chúng ta.


3 cách giải thích vì sao ta tin Chúa (12/4/2024)

Sáu cách khuyến khích trẻ lắng nghe tích cực (21/2/2024)

Tại sao hôn nhân thời nay dễ đỗ vỡ? (30/1/2024)

ĐTC Phanxicô đề nghị chúng ta hãy tập tha thứ (15/1/2024)

3 đoạn Kinh Thánh đem lại bình an cho cha mẹ (9/12/2023)

Tin tưởng người bạn đời là gì? (10/11/2023)

Năm lời khuyên giúp trẻ biết kiểm soát và có hành vi đúng mực (14/10/2023)

Gia Đình & Giáo Dục (15/9/2023)

Tương quan với các thành viên trong gia đình: Sự tha thứ và ân sủng của Chúa (19/8/2023)

Nhìn lại mình (3/8/2023)

Gợi ý mục vụ năm 2019 - Bài 1: Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành (7/12/2018)

Giải Thích Ý Nghĩa Logo Năm Mục Vụ Gia Đình 2019: Đồng Hành Với Những Gia Đình Gặp Khó khăn (29/11/2018)

“Anh hứa giữ lòng chung thủy với em suốt cuộc đời” (9/11/2018)

Một số định kiến sai lầm trong hôn nhân (30/10/2018)

Ừ bé ngày mai sẽ lấy chồng (19/10/2018)

Hướng Dẫn Giáo Dân Thực Thi Sứ Vụ Thừa Sai (29/9/2018)

[Nhân đức trong gia đình] Sự Trung Tín (16/9/2018)

Ước mơ của con (13/8/2018)

Gửi các bạn sắp "lên đường" (21/7/2018)

Nhà có phúc đức không, giàu hay nghèo chỉ cần nhìn nơi này là biết! (13/7/2018)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn