SỐNG MÙA VỌNG

trở lại trang đầu

Ngày 13/12/2013 –  Thứ 6 sau Chúa Nhật II Mùa Vọng

“Chòm sao Ánh Sáng”

Tên Lucia (Lucy, Lucie) xuất phát từ tiếng La tinh là “lux”, có nghĩa là “ánh sáng”, và trong ngày lễ Thánh Lucia (13/12) các cô bé thường đội trên đầu những vương miện gắn những ngôi sao lấp lánh. Thánh Lucia cũng là bổn mạng của đôi mắt.

Suốt đêm 12 và 13 tháng mười hai, chúng ta có thể thấy những ngôi sao băng từ chòm sao Song sinh. Và cũng vì vậy chòm sao này còn gọi là chòm sao Ánh Sáng - Chòm sao Lucia (Lucy, Lucie)

Chúng ta cũng nên biết sơ qua về tiểu sử Thánh Lucia, mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Thánh Lucia Ðồng Trinh Tử Đạo (+ 304)

Thánh nữ Lucia quê tại Syracus thuộc nước Ý. Mồ côi cha từ thuở nhỏ, Lucia hằng ấp ủ ý tưởng hiến trọn cuộc đời cho Chúa, nhưng mẹ ngài ép phải lập gia đình. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Chúa đã làm một phép lạ tỏ tường để chữa bà mẹ khỏi cơn bệnh loạn huyết trầm trọng nhờ lời cầu nguyện của Lucia.

Sau biến cố này, Lucia từ chối lời cầu hôn và bán hết phần gia tài mà bà mẹ dành cho làm của hồi môn, rồi phân phát cho người nghèo khó. Vì quá thất vọng, chàng công tử bị khước từ kia đã tố cáo với hoàng đế là Lucia có đạo, nên ngài đã bị bắt và dẫn đến trước mặt quan Paschase. Vị quan này dùng lời đường mật cũng như mọi hình khổ để bắt ngài phải dâng hương tế thần, nhưng thất bại. Ông truyền điệu ngài tới nơi tội lỗi để hủy diệt đức trinh khiết của ngài, nhưng lạ thay Chúa đã khiến thân xác của ngài trở nên nặng như núi đá đến nỗi không ai kéo đi được. Ông còn ra lệnh tẩm dầu vào người rồi đốt, nhưng một lần nữa Chúa đã gìn giữ thân xác ngài toàn vẹn giữa đống lửa hồng.

Cuối cùng Thánh nữ Lucia đã được lãnh phúc tử đạo dưới lưỡi gươm của lý hình năm 304 dưới thời bách đạo của Ðioclêtianô. Xác ngài được chôn cất ngay tại quê nhà.

* * *

Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than”. Cũng vậy, Ông Gioan đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Người này bị  quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè của phường thu thuế và tội lỗi” (Mt 11,16-19).

Dụ ngôn xoay quanh việc mô tả hai nhóm trẻ chơi ngoài chợ không thống nhất được là chơi “hát đám cưới” hay chơi “đưa ma”.

Hằng thế kỷ nay, các học giả đã cố gắng làm sáng tỏ ý nghĩa và ứng dụng dụ ngôn này, nhưng thấy khó có thể nói được chính xác nó như thế nào.

Nhiều người giải thích rằng: Lũ trẻ mời mọi người mừng đám cưới hay khóc đám tang là tượng trưng cho Thánh Gioan và Chúa Giêsu. Lũ trẻ hờn dỗi và từ chối đại diện cho mọi người để chấp nhận cách khổ hạnh của thánh Gioan cũng như cách vui vẻ của Đức Giêsu. Dân chúng không bằng lòng cách nào cả vì họ quyết định không đón nhận Thánh Gioan cũng như Chúa Giêsu.

Một điều có thể ứng dụng tương tự cho sinh hoạt giáo xứ hiện nay là một khi trở thành môn đệ của Đức Kitô, có nghĩa là phải trở nên thành viên của một nhóm. Luôn luôn là vậy. Bao giờ cũng là vậy.

Trở nên thành viên của một nhóm, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận một số thích nghi, một số thay đổi nào đó. Mối dây nào liên kết giữa những tín hữu trong một giáo xứ - những người khác biệt màu da dân tộc, đảng phái chính trị, tình trạng kinh tế hay sở thích thị hiếu?

Thưa là Thiên Chúa.

Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa.

Jos. Nguyễn Hùng Cường

trở lại trang đầu