Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
SỐNG VÀ CHIA SẺ ĐỨC TIN
 
DẪN NHẬP:

Kinh nghiệm cho thấy, trong cuộc sống hằng ngày, mối quan hệ giữa con người với con người được đan dệt bởi sự tin tưởng lẫn nhau, nếu không tin tưởng, cuộc sống sẽ trở nên nặng nề vì ngờ vực và nghi kỵ. Xa hơn nữa, trong tình bạn và tình yêu hôn nhân trong gia đình, người ta đến với nhau bằng niềm tin tưởng, tín nhiệm và trung thành. Như vậy, niềm tin đã là một yếu tố căn bản và cần thiết cho cuộc sống.

Thực tế này giúp ta hiểu phần nào về niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy đòi hỏi một sự gắn bó toàn diện và tuyệt đối vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tổ phụ Apraham và Đức Maria là gương mẫu đức tin cho chúng ta. Vì tin, tổ phụ Apraham đã vâng lời ra đi mà không biết mình đi đâu. Vì tin, Đức Maria đã thưa với sứ thần: “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc. 1,38), bởi vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”(Lc. 1,37).

Trong buổi học hỏi và tĩnh tâm hôm nay, chúng ta cùng suy nghĩ về đề tài: “Sống và chia sẻ đức tin”.

1- 
Sống đức tin là gặp gỡ Chúa qua những biến cố cuộc đời
 
§ Đối tượng của đức tin là Thiên Chúa, Ngài là Đấng Siêu Việt, vượt quá tầm mức hiểu biết của lý trí con người, cho nên đặc tính của đức tin là mờ tối. Nói như vậy không có nghĩa tin là mù quáng, bởi vì trong đêm đen, dù không thấy Chúa, nhưng ta vẫn tiến bước, vì có Chúa chỉ đường hướng lối. Cho hay, đức tin không phải là ngọn đèn cao áp, giúp người lữ khách thấy rõ mồn một con đường trước mắt để an tâm vững bước, nhưng đức tin như con đom đóm lập lòe, nó vừa đủ sáng để ta đi từng bước một, nhưng cũng vừa đủ tối khiến ta ngần ngại, muốn dừng chân.

§ 
Trong bộ phim nổi tiếng Titanic, khi con tàu vĩ đại đụng vào tảng băng đoạn chìm dần, đang khi đám đông hành khách gào khóc và tranh nhau đi xuống các phao cấp cứu, thì ban nhạc vẫn đứng trên boong tàu, họ trình diễn bản Thánh Ca cuối cùng trong đời họ. Bài ca có đoạn viết như thế này: “Lạy Chúa, con tin Chúa, tuy mắt con không nhìn thấy mây mù che khuất, nhưng có đức tin chỉ bảo con…Mặc dù đã muộn, nhưng phút cuối cùng, mắt con đã sáng. Con tin Chúa, và con hành động với tất cả tâm hồn”.

§ 
Niềm tin vào Thiên Chúa không ngăn chận được tai họa, hay những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc sống, nhưng nó làm cho tai ương được giảm nhiều, vì niềm tin cho thấy vẫn có một AI ĐÓ đang hiện diện, đang đồng hành với mình qua những nẻo đường phong ba.
 
2- Sống đức tin trong môi trường thế tục hóa
 
2.1- Thế tục hóa là gì?

Phong trào thế tục hóa diễn ra khoảng thế kỷ XIX đến thế kỷ XX tại các nước Âu Châu Kitô giáo. Nó chủ trương tách rời quyền đời khỏi quyền đạo. Phong trào này hiện nay đang lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội, ngay cả trong giới công giáo. Một mặt, nó loại bỏ tôn giáo, loại bỏ thế giới thần thiêng và các mầu nhiệm ra khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội ; mặt khác, nó đề cao những gì do con người, hoặc do lý trí, khoa học kỹ thuật của con người tạo ra. Hệ quả là, khi xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào thế tục hóa, thì những gì là thiêng thánh không còn được tin tưởng cách dễ dàng như trước. Người ta đánh mất dần về đời sống tâm linh, nên họ không còn thiết tha đến với Chúa.
 
Mới đây, ĐHY Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon đã nhận định như sau :

Giáo Hội Pháp cũng như các Giáo Hội Âu Châu đang phải đương đầu với trào lưu tục hóa và duy đời cực đoan. Viện cớ luật tách rời Giáo Hội và Nhà Nước, người ta muốn gạt bỏ Giáo Hội ra khỏi cuộc sống xã hội, và bịt miệng, không cho Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề liên quan đến các quyền con người, đặc biệt là quyền bảo vệ luân lý và đạo đức (vấn đề phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính, cái chết êm dịu.v.v…)
 
2.2- Hệ quả của phong trào thế tục hóa
 
- Sự sa sút niềm tin vào Thiên Chúa và các mầu nhiệm ngày càng nặng nề, nhất là khi đời sống đạo còn non nớt do thiếu hiểu biết về giáo lý, thiếu đời sống nội tâm, hoặc chỉ giữ đạo do thói quen, do sự hời hợt bên ngoài. Tại Tây Phương, số tín hữu dự lễ Chúa nhật giảm sút, ơn gọi giáo sĩ tu sĩ khan hiếm, số giáo xứ không có linh mục coi sóc ngày càng gia tăng. ĐHY Philippe Barbarin cho biết, hàng năm, tại Giáo phận Lyon, ngài truyền chức cho hai, ba thầy, trong khi đó có khoảng 20 linh mục già qua đời.

- Ngược lại với đà giảm sút của niềm tin, thì những gì thuộc phạm vi trần tục, có thể đụng chạm được, nhìn thấy được lại càng coi trọng. Bởi vậy, nơi một số tín hữu, những tiêu chí lựa chọn, đánh giá thường mang tính thực dụng, nghĩa là có tính cách vật chất, trần tục. Người ta bảo: ‘‘Đừng sợ lương tâm cắn rứt, vì lương tâm không có răng !’’ ; ‘‘Lương tâm không bằng lương tháng’’ ; ‘‘Chân lý cũng có giá trị như chân giò !’’ …v…v…

Từ những lựa chọn mang tính thực dụng như thế, đức tin sẽ dần dần yếu kém và trở thành đức tin chết.

-    
Hệ quả III của thế tục hóa là các Kitô hữu rơi vào tình trạng sống chung với sự dữ, với tội lỗi.

Một số tín hữu ngày càng sa sút về ý thức đạo đức, họ sống trong hận thù ghen ghét, chém giết hoặc rơi vào tình trạng nghiện ngập ma túy, nhiễm HIV, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, chán chường với hiện tại, với gia đình xã hội. Hiện nay người ta đang lên tiếng báo động về tình trạng cướp giật ngoài đường phố. Trước đây thì cướp của giết người, còn bây giờ thì giết người cướp của. Va chạm nhẹ trên đường phố cũng đủ để chém giết lẫn nhau. Nạn tự tử, bạo hành gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ. Thí dụ : Nữ sinh đánh nhau, lột quần áo của nhau được quay phim, tung lên Internet…

Một số tín hữu khác lại ra sức chạy đua với tiền tài, địa vị, danh vọng, vật chất. Đối với họ những cái đó là quan trọng hơn hết, nên một mặt, người ta tìm đủ mọi cách để có tiền, có quyền ; mặt khác, họ bỏ bê chểnh mảng bổn phận chăm lo cho đời sống tâm linh, là điều cốt yếu của người Kitô hữu.

-Hệ quả thứ tư của thế tục hóa, đó là mọi giá trị đạo đức và luân lý bị đảo lộn. Quan hệ luyến ái nam nữ, là ân huệ Chúa ban để trao hiến và nên một với nhau, nhờ đó, họ hình thành gia đình để yêu thương nhau và sinh sản con cái, thì nay người ta xem mối quan hệ ấy như một lạc thú, chỉ tìm hưởng thụ để thỏa mãn dục vọng cho riêng mình.

Mặt khác, người ta cũng không còn xem gia đình như một giáo hội tại gia, phản ánh tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội nữa, nên thích thì ở, không thích thì bỏ đi, mặc con cái ra sao thì ra. Ấy là chưa kể đến nạn bạo hành gia đình, gây nhức nhối cho toàn xã hội. Một bản điều tra vào tháng 11/2010 cho thấy tình trạng bạo hành gia đình ở Việt Nam: gần 60% phụ nữ bị bạo hành thể xác. Chứng kiến bạo hành, trẻ em bị tổn thương sâu xa về tâm lý và tinh thần, khi lớn lên, các em cũng có khuynh hướng bạo hành như thế.

Cuối cùng, hiện nay nhiều cha mẹ không còn muốn mang gánh nặng nuôi dưỡng con cái, nên đã phá thai. Mới đây, báo chí cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Trước những thách đố và nguy hại do phong trào thế tục hóa gây nên, người Kitô hữu phải sống đức tin như thế nào để có thể thực thi lời thánh Phaolô căn dặn các tín hữu tại Philipphê: ‘‘Anh em sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống’’ (Pl. 2,15-16).
 
2.3- Sống đức tin trong môi trường thế tục hóa như thế nào ?
 
- Trước hết, cần phải xa tránh mọi hình thức của phong trào thế tục hóa đang đầu độc đức tin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ duy ý chí và nỗ lực cá nhân thì chưa đủ. Tôi vẫn biết rằng, tiền bạc, quyền lực, xác thịt…chính là vũng lầy làm tôi bị nhơ uế và cản trở tôi vươn lên tới Chúa, thế nhưng vũng lầy lại quá êm ái, vì thế, người môn đệ Chúa vẫn bị rơi vào. Do đó, bên cạnh nỗ lực của bản thân, tôi cần sự trợ lực của ân sủng Chúa qua việc cầu nguyện và lãnh nhậc các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

- Cầu nguyện
 : kinh nghiệm cho thấy, một thân cây có rễ càng bén sâu trong lòng đất, lại càng vững vàng trước bão táp phong ba. Trong đời sống hôn nhân cũng vậy, đôi vợ chồng gắn bó trong yêu thương, thường xuyên đối thoại, tâm sự với nhau thì tránh được tình trạng bất trung. Tin mừng có thuật lại câu chuyện Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Chúa, bao lâu ông còn hướng về Chúa thì ông vẫn vững bước trên sóng nước, nhưng khi Phêrô không nhìn Chúa, mà nhìn sóng nước, tức thì ông chìm lỉm. Cũng vậy, một khi ta chuyên cần cầu nguyện, ta tựa nương vào Chúa, thì Chúa sẽ trở nên núi đá cho ta nương ẩn, trở nên thành lũy bảo vệ chở che ta trước những mời gọi, cuốn hút của trần gian đang đẩy tôi xa lìa Chúa. Trong cơn hấp hối tại vườn Giệt-si-ma-ni, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘‘Anh em hãy canh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa trước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu nhược’’(Mt. 26,41).

- Lãnh nhận Thánh Thể
 : Sách I V 19,1-8 kể câu chuyện ngôn sứ Êlia, trong nỗi kinh hoàng vì bị lùng bắt, trong nỗi đơn độc lẻ loi vì phải chạy trốn trong sa mạc, Êlia được Chúa ban cho tấm bánh, và đằng sau tấm bánh, Êlia nhận ra tấm lòng của Thiên Chúa đối với ông, vì thế ông trở nên mạnh mẽ, và đi một lèo 40 ngày đêm để đến gặp Chúa tại núi Khôrép.

Thánh Cyrilô Alexandria, giáo phục và tiến sĩ Hội Thánh viết rằng: ‘‘Nếu nọc độc kiêu ngạo bừng lên trong ta, hãy quay về với Thánh Thể. Bánh đó là Chúa của anh em, Ngài tự hạ và ẩn mình, Ngài sẽ dạy cho anh em sự khiêm nhường. Nếu cơn sốt ích kỷ gào lên trong anh em, hãy ăn Bánh này, anh em sẽ học được sự quảng đại. Nếu cơn gió buốt của lòng tham lam làm tàn héo anh em, hãy mau nhận lấy Bánh các thiên thần, và đức ái sẽ trổ hoa trong lòng anh em. Nếu anh em tức giậntính khí thất thường, hãy nuôi mình bằng Thịt và Máu Chúa Kitô, Đấng đã thực hiện sự tự chế anh hùng suốt đời nơi dương thế, và anh em sẽ nên người điều độ. Nếu anh em lười biếnguể oải việc thiêng liêng, hãy củng cố mình với lương thực trên trời, anh em sẽ nên sốt sắng. Sau cùng, nếu anh em bị cháy sém vì cơn sốt không trong sạch, hãy tới Bàn Tiệc các thiên thần, và Con Chiên Kitô sẽ làm cho anh em nên trong sạch’’.

Tóm lại, muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘‘mầu nhiệm đức tin’’ và ban sức mạnh đức tin cho ta.
 
3- Sống đức tin trong môi trường toàn cầu hóa
 
3.1- Toàn cầu hóa là gì ?
 
Toàn cầu hóa là một xu hướng đang gắng sức biến đổi thế giới này thành một ‘‘thế giới phẳng’’, nghĩa là một thế giới không còn ngăn cách về không gian, và không có bất cứ một rào cản nào. Toàn cầu hóa ngày nay đang phát triển đến mức người ta gọi là thời của hậu hiện đại. Hội Thánh nhận định toàn cầu hóa như sau: ‘‘Toàn cầu hóa làm nảy sinh nhiều hy vọng mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề phiền phúc. Toàn cầu hóa có thể tạo ra những kết quả khả dĩ mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại’’ (HĐGMVN, ‘‘Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội’’, Nxb Tôn Giáo 2077, số 362 trang 255).
 
3.2- Tích cực và thuận lợi của toàn cầu hóa
 
Toàn cầu hóa tạo điều kiện thuận lợi để khám phá những điều mới mẻ, giúp tiếp cận những tư tưởng cũng như những phương cách và kỹ năng hành động, đem lại nhiều công ích, thiện hảo.

Đặc biệt, với các phương tiện truyền thông hiện đại, tin tức và hình ảnh khắp thế giới loan đi thật xa, nối kết mọi người cách nhanh chóng, giúp đối thoại trực tiếp, công khai, bình đẳng, và chia sẻ nghĩa vụ cũng như quyền lợi giữa các quốc gia, các nhóm xã hội, hay cả với các gia đình, và mỗi người…cho dù ở bất cứ chân trời góc bể nào.
 
3.3- Mặt tiêu cực của toàn cầu hóa
 
Tuy nhiên, bên cạnh những nét tích cực, toàn cầu hóa cũng đưa đến những mặt tiêu cực, những luồng gió độc làm suy yếu đời sống tinh thần và đức tin của người Kitô hữu.

*
Ảnh hưởng của các chứng bệnh gọi là ‘‘căn bệnh chủ nghĩa’’ làm xói mòn đức tin người Kitô hữu, nó quyến rũ con người sống vị kỷ thay vì vị tha.

- Chủ nghĩa tự do: thích làm gì thì làm, bất kể luân lý đạo đức. Ngày nay, con người có khuynh hướng lựa chọn theo tiêu chuẩn giá trị, thay vì tiêu chuẩn chân lý (yêu thương, tôn trọng sự thật, sự sống…). Chân lý thì bất biến, còn giá trị thì thay đổi tùy theo quan niệm và khuynh hướng của mỗi người.

- Chủ nghĩa cá nhân: chỉ biết sống cho mình mà không quan tâm đến người khác. Thí dụ : Trung Quốc: Em bé bị xe cán nằm ngắc ngoải trên đường, nhiều khách bộ hành đi qua mà chẳng bận tâm.

-Chủ nghĩa duy lợi: dành phần tốt cho mình, đánh giá cuộc sống theo những món lợi. Thí dụ : Làm hàng dỏm, hàng giả ; sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi.

-Chủ nghĩa hưởng thụ: thích tiêu xài, hưởng lạc thú, thỏa mãn bản thân, tận hưởng sự sung sướng, chẳng nghĩ đến ai.

-Chủ nghĩa tương đối: tất cả đều là tương đối, chẳng có gì là quan trọng, là chính yếu. Thí dụ : Con người cũng tương đối thôi, Thiên Chúa cũng tương đối thôi ; tình yêu cũng tương đối thôi ; đạo nghĩa cũng tương đối thôi. Hệ quả là làm thì tốt, không làm thì cũng chẳng sao!
 
* Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài: do tác động của toàn cầu hóa, lối sống và văn hóa ngoại lai tràn vào, chúng vừa là làn gió mát lành, vừa là làn gió độc, mà xem ra làn gió độc lại được tiếp nhận nhanh chóng hơn. Mặt khác, các nền văn hóa ấy lại được công nghệ thông tin hiện đại truyền bá mạnh mẽ, hệ quả là lan tràn lối sống sùng bái cá nhân, thần tượng, đua đòi, ăn chơi lãng phí, sống trụy lạc, ưa dùng bạo lực. Chính vì thế, nhiều tín hữu đang xa rời những giáo huấn của Hội Thánh về đức tin và luân lý, xa rời những giá trị nền tảng của Tin Mừng… Chính tình trạng trên đã đưa con người lún sâu của các đam mê tội lỗi.
 
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo rằng: ‘‘Trong một xã hội với một nền kỹ thuật tiên tiến, các phương tiện truyền thông xã hội và toàn cầu hóa, mọi sự đều trở nên hối hả, và sự cách biệt văn hóa giữa các thế hệ đang gia tăng… Đôi khi, các bậc cha mẹ rơi vào thất vọng bão nề khi con cái họ thất bại trong việc chống trả lại những quyến rũ của nền văn hóa ma túy, sự lôi cuốn của chủ nghĩa khoái lạc vô độ ; cha mẹ thất vọng khi con cái họ bị cám dỗ giải quyết bằng bạo lực, và rơi vào tình trạng sống vô nghĩa và thất vọng’’ (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, ngày 16/10/2002, số 42).

3.4- Sống đức tin trong bối cảnh toàn cầu hóa như thế nào ?

a- Đào sâu đức tin.

Chúng ta đang ở trong bối cảnh toàn cầu hóa, đời sống trở nên phức tạp, mọi cái biến đổi nhanh chóng, nhiều cám dỗ ngọt ngào đang quyến rũ ta, nhiều vấn đề mới, nhiều cái bất ngờ được đặt ra đã thách đố niềm tin. Làm thế nào để có một lựa chọn đúng đắn, vừa phù hợp với đức tin, vừa thích nghi với thời đại?

Muốn có lựa chọn đúng đắn, ta cần phải có một đức tin vững chắc, ta biết ta tin vào ai, và tin vào điều gì. Muốn có đức tin vững chắc, cần phải học hỏi Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong đời. Đức Giêsu nói: ‘‘ai nghe và đem ra thực hành Lời Chúa, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã được xây trên nền đá’’ (Mt. 7,24-25). Có biết chuyên cần học hỏi và thực hành Lời Chúa như vậy, ta mới có được một đức tin vững chắc và trưởng thành, nghĩa là xác tín sâu xa, đứng vững, thích ứng với mọi hoàn cảnh, và tự mình giải đáp được những vấn đề mới. Bởi vì Lời Chúa là đường soi chân ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi. Đi dưới ánh sáng Lời Chúa, ta sẽ không sợ bị lạc đường.

b- Làm chứng nhân cho Tin Mừng

- ĐGH Phaolô VI đã để lại một câu nói thời danh, đó là: ‘‘Ngày nay, người ta tin vào chứng nhân hơn là thày dạy, và nếu người ta tin vào thày dạy, ấy là vì thầy dạy trước hết đã là chứng nhân’’. Đời sống chứng nhân lại càng trở nên cần thiết hơn cho việc loan báo Tin Mừng tại lục địa Châu Á của chúng ta, vì người dân Châu Á trọng cái tâm hơn là cái lý, họ muốn được nhìn bằng mắt hơn là nghe bằng tai.

- Ông Gandhi, một vĩ nhân của Ấn Độ, đã nói với các nhà truyền giáo rằng: ‘‘Xin hãy để cho cuộc sống của các vị nói với chúng tôi như đóa hoa hồng. Không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa, hầu cho cả người mù không xem thấy, cũng nhận ra được hương thơm của nó… Tất cả những gì chúng tôi muốn quí vị làm, đó là đời sống Kitô hữu, chứ không phải là việc giải thích cuộc sống đó’’.
 
Vậy, người Kitô hữu chứng tá đức tin như thế nào?
 
- Trước hết, sống chứng tá đức tin là hãy nhạy cảm và đồng cảm với những sự kiện, những biến cố xảy ra trên đất nước. Thí dụ: đồng bào bị thiên tai bão lụt, nhắc nhở tôi phải biết chia sẻ; đồng ruộng bị hạn hán, nhắc nhở tôi phải biết tiết kiệm điện, nước. Sự dối trá tràn lan, nhắc nhở tôi sống thật thà, cho dù thật thà thường thua thiệt; ngoài đường xe cộ lưu thông bát nháo, nhắc nhở tôi hãy tuân thủ luật giao thông; xã hội đang lo lắng vì ô nhiễm môi trường, nhắc nhở tôi phải gìn giữ môi trường sống; bạo lực khắp nơi, nhắc nhở tôi phải sống hiền hòa…

Có người bảo, làm vậy thì được ích gì? Con én chẳng làm nên nổi mùa xuân! Đồng ý, nhưng con én báo hiệu mùa xuân sắp về. Ta hãy nghe những suy tư của ĐHY. Fx. Nguyễn Văn Thuận:

‘‘Nếu giọt nước bảo rằng: chỉ một giọt nước, làm sao thành sông hồ, thì bao giờ mới có đại dương?

Nếu hạt lúa bảo: chỉ một hạt thóc, làm sao thành đồng lúa, thì bao giờ mới có cơm gạo ?

Nếu con người bảo: chỉ có một cử chỉ yêu thương, làm sao cứu vớt tất cả nhân loại, thì bao giờ mới có công lý và hòa bình, hạnh phúc và vui tươi trên trái đất?

Như đại dương cần đến mỗi giọt nước; như cơm bánh cần đến mỗi hạt thóc; như thế giới cần đến mỗi con người, Thiên Chúa và tha nhân cần đến bạn, và vì vậy, không ai thay thế bạn được’’.
 
- Thứ đến, sống chứng tá Đức tin là hãy gieo những hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng thế giới. Những hạt giống Tin Mừng đó là: công bằng, bác ái, trung thực, nhẫn nại, khoan dung, khiêm tốn, hiền hòa, bình an, tiết độ… Chúa bảo ta gieo, như người đi gieo giống, chứ không bảo ta gặt, ta hãy nhẫn nại mà gieo, Chúa sẽ là người gặt, và lắm khi Chúa gặt những vụ mùa bội thu, mà chính ta cũng không ngờ.
 
ĐGH Bênêdictô XVI, trong sứ điệp gởi đại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid năm 2011 đã nhắn nhủ rằng: ‘‘Bao nhiêu Kitô hữu đã và đang sống chứng tá về sức mạnh của đức tin được biểu lộ qua đức ái. Họ là những người kiến tạo hòa bình, thăng tiến công lý, xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới theo kế hoạch của Thiên Chúa. Họ dấn thân trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội, với khả năng chuyên môn, nên đã góp phần hữu hiệu vào hạnh phúc của con người… Trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta, các bạn hãy trở nên chứng nhân của niềm hy vọng Kitô giáo trên khắp thế giới. Biết bao người mong ước đón nhận niềm hy vọng này’’.
 
- Cuối cùng, người Kitô hữu sống chứng tá đức tin bằng cách ghi nhớ, và cố gắng thực hiện từng điểm mà thánh Phanxicô Assissi đã đề ra trong Kinh Hòa Bình, đó là: ‘‘Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Đó là: “Đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Đó là: “Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…”
 
Một khi người Kitô hữu cố gắng sống chứng tá như Thánh Phanxicô đã đề ra, thì quả thật, cuộc đời Kitô hữu sẽ trở thành muối. Muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối; cuộc đời Kitô hữu sẽ trở thành ánh sáng, giúp con người nhận ra đâu là cứu cánh tối hậu của cuộc đời.

KẾT LUẬN:

Tóm lai, xét về mặt Giáo Hội, chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, trong năm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta thực hiện 3 điều, đó là: Đào sâu đức tin; cử hành công khai đức tin; và sống đức tin trong cuộc đời. Xét về mặt xã hội, chúng ta sống trong một thế giới đang trong quá trình thế tục hóa và toàn cầu hóa, một mặt người ta khước từ những gì là mầu nhiệm, là thiêng thánh, và đề cao những gì do khả năng con người làm ra; mặt khác, người ta nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ, hệ quả của nó là đã hình thành một lối sống ích kỷ, đánh mất ý thức về niềm tin và những giá trị luân lý đạo đức truyền thống. Theo ĐGH Bênêdictô XVI trong Tự Sắc ‘‘Cánh Cửa Đức Tin’’ (số 2), sự kiện ấy đã gây nên ‘‘cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người’’. Và Năm Đức Tin là câu trả lời đối với cuộc khủng hoảng trầm trọng đó.

Tuy nhiên, chính sự suy thoái và xuống cấp ấy lại là mặt trái của một cơn đói khác, đói khát một đức tin, đói khát một tình yêu. Đói khát và đang tìm kiếm, nhưng tìm chưa ra, hoặc đã tìm sai đối tượng.

Đấy chính là môi trường thuận lợi để chúng ta giới thiệu cho người khác niềm tin vào Thiên Chúa, và vào tình thương cứu độ của Đức Kitô. Nhưng để thi hành sứ vụ đó, thì trước hết ta cần phải được nuôi dưỡng bằng các bí tích; phải được bảo vệ bằng cách tuân theo các điều răn, và Giáo Huấn của Giáo Hội, cuối cùng, đức tin ấy cần phải được làm cho triển nở bằng cách cầu nguyện, thực hành Lời Chúa, đặc biệt là thực thi bác ái. Đức tin mà không có đức ái thi không phát sinh hoa trái, và đức ái mà không có đức tin, thì chỉ là một thứ cảm tính đáng nghi ngờ (Cánh Cửa Đức Tin, số 14). Nói cách khác, đức tin được diễn tả qua những hành động bác ái cụ thể; ngược lại, đức ái làm cho đức tin của tôi được trưởng thành, được lớn dần lên.

Ngày hôm nay, có rất nhiều người đang sống đức tin và chia sẻ đức tin của mình. Vấn đề là trong số những chứng nhân đức tin ấy, có sự cộng tác của tôi hay không? Đó là lời tự vấn xin được gởi đến cộng đoàn, và cũng là lời chấm dứt cho buổi chia sẻ hôm nay.
 


3 cách giải thích vì sao ta tin Chúa (12/4/2024)

Sáu cách khuyến khích trẻ lắng nghe tích cực (21/2/2024)

Tại sao hôn nhân thời nay dễ đỗ vỡ? (30/1/2024)

ĐTC Phanxicô đề nghị chúng ta hãy tập tha thứ (15/1/2024)

3 đoạn Kinh Thánh đem lại bình an cho cha mẹ (9/12/2023)

Tin tưởng người bạn đời là gì? (10/11/2023)

Năm lời khuyên giúp trẻ biết kiểm soát và có hành vi đúng mực (14/10/2023)

Gia Đình & Giáo Dục (15/9/2023)

Tương quan với các thành viên trong gia đình: Sự tha thứ và ân sủng của Chúa (19/8/2023)

Nhìn lại mình (3/8/2023)

Người Công giáo với Tết cổ truyền dân tộc (2/2/2013)

Đức tin và tình yêu trong gia đình công giáo (23/1/2013)

Tuyên ngôn của Hàn Lâm Viện công giáo Pháp 'Mối liên hệ hôn nhân, gia đình, cha mẹ, con cái' (17/1/2013)

Cách đối xử với các con (8/1/2013)

Con đường hạnh phúc (25/12/2012)

Một Thế Giới Buồn Thảm Mong Chờ Chúa Giáng Sinh (20/12/2012)

Quà tặng nào cho Chúa Hài Đồng (9/12/2012)

Làm máng cỏ để Chúa đến (4/12/2012)

Gia đình là môi trường thuận tiện đầu tiên để thông truyền đức tin (1/12/2012)

5 phút trong cuộc sống (22/11/2012)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn