Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
Thầy kính mến,

Đã từ lâu con cũng đã có ý định cần chia sẻ với mọi người một chút về tình hình người VN lấy chồng Hàn Quốc, hầu để mọi người biết được thông tin và khi có dịp, có thể chia sẻ lại cho những ai có ý định lấy chồng HQ, nhưng vì qúa bận rộn và cũng không biết phải bắt đầu như thế nào. Thời gian này có vài bạn tỏ ý muốn con chia sẻ, nên con cũng đã viết lại bài viết sau.

Kính xin Thầy xem thử và nếu được, xin cho đăng tải lên Trang Tin, nếu không, kính xin Thầy khi có dịp, xin chia sẻ lại với Cộng đoàn giúp con nhé.

Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chuá luôn ở cùng Thầy và cùng cộng đoàn.

Kính mến,

Con,
Sr.Marie thanhmai  
  
 
LẤY CHỒNG XỨ 'KIM CHI' - MỘT THÁCH ĐỐ

 
Với sự thỏa thuận giữa hai tỉnh dòng Teagu (Hàn Quốc) và Sài Gòn (Việt Nam), tôi được gởi sang Hàn Quốc vào ngày 16 tháng 02 năm 2009, để giúp các gia đình 'đa văn hoá' (chồng Hàn, vợ nước ngoài). Trong thời gian một năm, tôi học ngôn ngữ ở Teagu. Và sau đó, được chuyển về một cộng đoàn ở Chain, làm việc cùng với một soeur HQ ở Chinlang - một ấp nhỏ thuộc tỉnh Kyeongsan, cách Teagu chừng một tiếng lái xe. Tôi được tiếp xúc và phục vụ cho các gia đình đa văn hoá, đọc được những mảnh đời làm dâu xứ Hàn ít tiếng cười, nhiều nước mắt. Những tưởng cần chia sẻ một vài trường hợp, với hy vọng nhận được sự hậu thuẫn ngay từ quê nhà, hầu giúp cho các cô gái trẻ Việt Nam phần nào tránh được ngay từ ban đầu, sự chọn lựa sai lầm dẫn đến những chuỗi ngày đau khổ không tránh khỏi sau này.

Ở Hàn Quốc hiện nay, tỉ số cô dâu Việt Nam đứng hàng thứ hai sau Trung Quốc, và có số tuổi trung bình trẻ nhất trong số các cô dâu quốc tế (phần đa lập gia đình lúc 20-23 tuổi). Phần lớn, các cô xuất thân từ miền Tây hoặc miền Bắc, với học vấn rất thấp (phần lớn chưa tốt nghiệp hết cấp II). Vùng miền Tây, phần nhiều do hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số ba mẹ 'bán gả con gái' để mong kiếm tiền; số khác có quan niệm rằng lấy chồng Việt Nam sẽ khổ, lấy chồng nước ngoài sẽ sướng tấm thân. Một số các em vì chữ hiếu, phải nuốt nước mắt hy sinh vì gia đình. Gần đây, số những cô gái miền Bắc còn khá trẻ (19-20 tuổi), ào ạt đổ xô đi lấy chồng Hàn để 'đổi đời'. "Nhà ai có con lấy chồng Hàn đều phất lên, xây nhà, tậu xe... Ai cũng đổi đời...Tôi cũng phải thế..." Vì thế, có khi cả làng con gái đều đua nhau đi lấy chồng xứ 'Kim-chi'. Và đa phần, các cô dâu hầu như không phải là tín hữu Công giáo.
 
Thực trạng cuộc sống của các cô dâu tại Hàn

Sát bên văn phòng tôi làm việc, có một gia đình Công giáo nọ, anh con trai sinh năm 1975, cưới vợ (chưa lãnh bí tích Hôn phối) được chừng 6 tháng thì hai người ly dị. Ba mẹ anh rất có cảm tình với chúng tôi, thường tỏ ra tử tế và có đôi lần gạn hỏi tôi có em, cháu gái gì thì mai mối cho cậu ấy. Tôi cười đùa rằng, cháu thì nhiều lắm nhưng mới 5-7 tuổi thôi..., và khuyên rằng lấy vợ ngoại quốc phức tạp lắm, anh ấy còn trẻ, cứ thủng thẳng kiếm cô dâu Hàn vừa ý mà cưới. Mấy lần cảm thấy không nhờ vả được tôi, nên anh ấy đã quyết định ra trung tâm mai mối. Một tuần sau, anh sang Việt Nam cưới một cô gái Hải Phòng 19 tuổi. Chẳng biết may rủi thế nào nhưng mấy lần cô dâu mới gọi điện sang: "Mẹ khỏe không? Con chúc mẹ khỏe mạnh..." thì bà mẹ chồng cứ xuýt xoa, hy vọng lắm. Anh ấy kể rằng, ngồi trước mặt một mình anh, là khoảng 30 cô gái trẻ đẹp háo hức mong được anh chọn (!!!)

N.T.D quê ở miền Tây, 30 tuổi, học hết lớp 9, có nghề nghiệp tốt nhưng vì bị tư vấn là lấy chồng HQ sẽ có tương lai, giúp được cho mẹ già và các em, nên liều đi thi thử một lần cho biết. Chồng cô 50 tuổi, thợ mộc (làm kèm theo các chủ thầu khác). Nhưng khi xem mặt, thông dịch bảo là 'chủ tiệm garage'. Sang rồi mới biết nhưng D. vẫn phải nói dối gia đình suốt cả một thời gian dài. Sang ngày hôm trước, hôm sau chồng đi làm, đêm cũng không về. Nhà D. ở cùng khu chung cư với văn phòng chúng tôi, cách khoảng 10 phút đi bộ. Được chồng gọi điện đăng ký xin học, tôi đã đến nhà dẫn sang văn phòng. Lúc bấy giờ, học viên chưa đông nên D. thường đến, và ở lại ăn cơm trưa. Thời gian đó, anh chồng thường hay dẫn tới, mắng vốn và nhờ giải thích hết chuyện này chuyện nọ. Chồng D. có đạo, tốt bụng nhưng khá khó tính, và thường muốn tỏ cái tôi của mình. Mới sang hai tháng thì D. có thai nên vừa ốm nghén, lại là người không có khiếu học ngoại ngữ, bỏ học lâu năm nên dù học vô cùng chăm chỉ, trong nhà đầy dẫy những mẫu giấy nhỏ viết tiếng Hàn dán khắp tường, nhưng thật sự trong số các học viên, D là người chậm tiến nhất. Phải xin lỗi rằng, nhiều khi chính tôi cũng phải phát hỏa lên trong giờ học, vì sự 'chậm tiêu' của cô. Chồng D. thì có tuổi, tính tình lại nóng nẩy nên luôn phàn nàn. D. tỏ cho biết rằng rất hối hận, và có ý muốn xin về VN. Chúng tôi đã khuyên nhủ nhiều, hai bên đã thật sự có những cố gắng và trách nhiệm. D. đã học giáo lý bằng tiếng Việt, nhận bí tích hôm tháng 5-2011, sanh cháu gái được 6 tháng. Đây là trường hợp một gia đình khá yên ấm và hạnh phúc hiện nay.

N.T.H, sanh 1974, quê miền Tây, học hết lớp 3. Vừa sang HQ đã sớm có thai, và vì nghỉ học văn hoá đã quá lâu, trình độ tiếng Việt cũng quá kém, nên việc học tiếng Hàn là cả một 'ác mộng'. Học với cô giáo HQ hết một khoá 3 tháng nhưng hầu như không nói được chuẩn, dù chỉ một câu đơn giản. Chồng cô là nhân viên văn phòng của một trường trung học, tân tòng và tốt bụng. Thương vợ, mỗi tối, anh chăm chỉ tự học tiếng Việt qua mạng, để có thể nói chuyện với vợ (là điều khó thấy nơi những người chồng khác). H. mặc cảm không đến các trung tâm học. Tôi đến nhà giúp cô tuần hai buổi. Tiếng Hàn quá khó với H., nên cô thường không có thái độ tích cực với việc học. Tôi phải vừa nói chuyện thân mật như người bạn, vừa năn nỉ và giảng giải như người em, khi H. sanh con, tôi lại vừa bế con vừa dạy... Nói chung, làm bất cứ chuyện gì có thể, để giờ học được nhẹ nhàng. Nhưng ngược lại, vì không muốn học, H. thường hay xin nghỉ, thậm chí có khi bỏ đi chơi mà không báo trước, hoặc có khi nằm trong nhà nhưng tôi bấm chuông cũng không mở cửa. Ngại gia đình xào xáo, nên tôi đã không hề nói lại những chuyện này với chồng cô. Tuy thế, gần cả mười tháng trời, hiệu quả không có, tôi đành để cô phải chọn lựa: "Cho đến khi nào chị cảm thấy cần thì em mới giúp được". Và tôi đã báo với chồng cô rằng, hiện tại cháu cũng đã đủ lớn, tôi không thể tiếp tục đến nhà giúp được, và đề nghị khuyên cô đến trung tâm để cùng học với người khác; đồng thời, khuyến khích đến các trung tâm khác để được học nhiều hơn. Nhưng mãi đến nay đã mấy tháng, H. vẫn không chịu học bất cứ ở đâu. Chẳng biết tương lai của cô và gia đình sẽ ra sao!

H.T.G quê cũng ở miền Tây, hiện 26 tuổi, học hết lớp 6. Khi gặp chúng tôi, cháu trai khoảng hơn 4 tuổi nhưng ngoài một số từ ngữ và một vài câu nói đơn giản thì hầu như không biết nói gì. Giờ học trẻ em (chiều thứ Bảy mỗi tuần), vui quá chỉ nhảy cẫng lên, hò hét mà không diễn tả được bằng lời. Chúng tôi có giúp giới thiệu gởi cháu vào trường mẫu giáo của một soeur dòng Thánh Tâm, soeur đã đặc cử một cô giáo kèm sát cháu, một thời gian thấy có tiến triển khá tốt nhưng vẫn bị báo cho biết cháu sẽ phải học lại lớp 5 tuổi vào năm sau, thay vì được lên lớp 6 tuổi. Cách đây chừng 7 tháng, chúng tôi có dẫn đi làm xét nghiệm khả năng ngôn ngữ. 4 cháu thì 1 là bình thường, 2 thì kém 1 năm so với độ tuổi, còn trường hợp cháu bé này bị xếp vào hạng 'khuyết tật ngôn ngữ'. H.T.G có gương mặt khá đẹp, khi còn ở với mẹ chồng, được cho ra trung tâm học tiếng Hàn. Nhưng một bữa nọ, có một anh thanh niên đi theo về đến gần nhà. Từ đó trở đi, G. không còn được đi học nữa. Vài năm sau, ra riêng, G. luôn phải chịu áp lực từ gia đình ở VN. Hôm thì ba mẹ bệnh (mặc dù ba mẹ mới 53 và 48 tuổi), ba đứa em không có tiền học, đi học mà không cho tiền tiêu 10.000 đồng mỗi ngày thì "sẽ bỏ học". Chồng làm công nhân, cho tiền không đủ đi chợ. G. ốm yếu không đủ sức khỏe, không đi làm được, chỉ biết nhận đồ gia công về cặm cụi kiếm được đồng nào gởi về VN đồng ấy. Không được học, nói năng chẳng ra đâu vào đâu, nên rất mặc cảm. Cháu bé không được mẹ tập cho nói, không được nghe những câu chuẩn, vì thế cháu cũng không phát triển ngôn ngữ được. Hiện tại cũng vậy, G. không thể đi viện một mình; ở trường, cô giáo có điều gì nhắn gởi cũng không nói trực tiếp được, cứ luôn phải đợi chồng. Chồng G. thuộc một mẫu người đặc trưng của 'gia trưởng' HQ: chỉ biết lo chuyện kiếm tiền, về nhà chỉ biết ăn cơm, đọc báo, xem tivi một mình, không biết chia sẻ việc dạy con hay chuyện nhà với vợ. G. luôn sống trong tâm trạng buồn chán, lo lắng, thiếu tự tin. Suốt ngày, chỉ biết than vãn và suy nghĩ tiêu cực. Thời gian này, G. có đón mẹ ruột sang làm việc. Bà làm được gần 3 tháng thì đòi về vì buồn, suốt ngày chỉ biết làm việc, lãnh tiền, mà ngay cả khi ngồi ăn cơm chung với người khác cũng không nói chuyện được; về nhà, cuối tuần cũng không muốn đi ra ngoài vì không giao tiếp được. Tôi có chia sẻ với bà về tương lai của gia đình G. G. cũng vậy thôi, sống mà không giao tiếp được, không giống ai, không ngẩng mặt lên được với người khác thì sẽ không sống nổi. Cháu bé mới ở mẫu giáo mà không học được, thì khi vào trường sẽ rất khó, lớn lên mặc cảm với đời.

Ảnh hưởng đối với thế hệ mới

Ở xã hội tiên tiến này, không học sẽ không sống được. Trên thực tế, số liệu thống kê năm ngoái cho thấy: ở cấp I, số học sinh đa văn hoá bỏ học 18%, cấp II lên đến 48% và lên cấp III tới gần 80%. Lý do ngay từ bé, các em không được mẹ dạy nói, giúp đỡ việc học. Các em mặc cảm, vì thấy mẹ mình khác người, bị sốc vì môi trường gia đình không hạnh phúc, không gương mẫu... Nhiều em khi có chút trí khôn, bắt đầu mặc cảm với mẹ mình. "Mẹ dốt quá, chẳng biết gì..." Ra đường có nhiều em chỉ muốn đi với bố, xấu hổ về mẹ trước người khác...

Tôi đã gặp trường hợp một chị người Philippines, có con 12 tuổi nhưng thậm chí khi gặp tôi, chị phải nói bằng tiếng Anh mới diễn tả hết được điều mình muốn nói. Vì ngay từ đầu, chồng chị là người thiếu sức khỏe không kiếm được tiền, chính chị phải trở thành người lo kinh tế cho gia đình. Mãi lo việc kiếm tiền, chị không có điều kiện học tiếng, sinh con ra không nói chuyện được nhiều với con. Đứa con gần như hoàn toàn giao cho bố. Thiếu sự gần gũi với mẹ, đứa trẻ trở nên lạnh nhạt, mặc cảm với chị. Chị sống như cái bóng, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Buồn chán, chị bỏ nhà đi. Chúng tôi giúp bố cháu kiếm được chị, dẫn cháu đến nhưng cháu bé gần như có thái độ hoàn toàn xa lạ trước chị. Trước sự động viên của tôi, chị chỉ biết khóc, và bảo không đủ can đảm trở về. Mãi gần mấy tháng, chúng tôi mới có thể giúp hàn gắn được gia đình này, nhưng cái lạnh giá vẫn chưa tan biến được trong ngôi nhà nhỏ, và trong ba tâm hồn bất hạnh này.

Tiền: nỗi thao thức của các cô dâu VN

N.T.C quê ở Hải Phòng, năm nay 29 tuổi. Có con gái riêng ở VN, năm nay học lớp 2. Nhưng cách đây 3 năm, khi lấy chồng HQ, cô và những người mai mối cố tình giấu chuyện này. Khi làm thủ tục xuất cảnh, cô gặp nhiều rắc rối nên người chồng (44 tuổi) phải bay về VN nhiều lần, vay tiền ngân hàng khá nhiều để có thể rước cô sang. Mới học hết lớp 3, lại thêm chuyện phải lo cho con gái ở VN, và cha mẹ cũng như gia đình cô luôn gọi điện sang than thở: nào là "Nhà ai có con đi lấy chồng Hàn đều gởi tiền xây nhà cho bố mẹ, sắm xe sắm cộ cho em út, có ai như mày..." C. không còn tâm trí để học tiếng, lúc nào cũng nghĩ đến việc phải kiếm tiền. Chồng không hề cho một đồng riêng nào, đi chợ thì cả hai cùng đi, muốn mua gì thì anh ta trả tiền rồi về. Tính C. lại ngang bướng, không tìm hiểu và không đón nhận văn hoá cũng như phong tục sống của người Hàn. Lúc nào cũng "Ở VN không thế, tại sao lại bắt tôi phải thế?" Mẹ chồng dạy đúng dạy sai gì cũng cãi, không hiểu được nên luôn nghĩ xấu cho mẹ chồng, không nói được thì chưởi tục lại bằng tiếng Việt. C. sanh hai đứa con trai, cháu thứ hai đến trước ngày sanh mà C. vẫn cặm cụi ngồi cả đêm để cắt chỉ áo cho xưởng may kiếm đồng một đồng hai gởi về VN. Sanh con xong thì phát đau bệnh, cháu bé cũng không đủ sức khỏe. Vì thế, cả nhà hầu như luôn xảy ra chuyện cãi vã. Tôi đến nhà giúp C. học tuần 2 buổi. Đón xe buýt đi giữa trời nắng, hoặc trong cái rét giá mùa đông. Vậy mà lúc nào đến, cũng phải ngồi nghe những lời than thở, những câu chưởi rủa vì chồng không cho tiền, vì cố chấp và những chuyện tiêu cực. Mệt về thể xác, và nặng nề về tinh thần nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của C., tôi cũng cố gắng để làm thùng rác cho cô: "Có gì bực bội, em cứ nói với soeur, còn với mẹ chồng và chồng mình phải hiểu rằng... " Tôi khuyên (thậm chí rất nhiều lần năn nỉ) C. phải mau học tiếng, để khi người khác nói mình hiểu đúng, mình muốn nói gì thì cũng có thể nói được. Phải hiểu được văn hóa xứ Hàn, cách sống của người khác. Nếu về ở VN thì người chồng phải theo cách sống của người Việt, nhưng bây giờ mình đang sống ở Hàn, phải sống theo kiểu của người ta, không cãi lại được. Không nói được, không dạy con được; cháu không nghe lời chỉ còn cách đánh nó thôi, mà càng đánh cháu càng xa mình... Ở HQ, việc tái giá đối với người đàn ông là chuyện bình thường, nhưng ngược lại hầu như rất khó được chấp nhận đối với người phụ nữ; huống hồ ngay từ ban đầu C. đã không thẳng thắn với người ta. Hơn nữa, bây giờ lúc nào cũng chỉ biết lo chuyện kiếm tiền gởi về VN, thì đâu ai chấp nhận. Chúng tôi hứa một năm hai lần, giúp tiền học cho cháu bé ở VN, để C. đỡ lo mà tập trung học tiếng hơn. Chỉ mới một lần gởi cho cháu 220 đô la, nhưng sau đó, C. lại từ chối để tự mình kiếm tiền và xin nghỉ học hẳn.

Văn phòng tôi làm việc là một căn hộ chung cư, thuộc khu vực có nhiều nhà máy, công ty. Theo số liệu thống kê, khu vực này có số lượng gia đình đa văn hoá khá cao. Khác với dự đoán ban đầu, rằng nếu mở văn phòng ở đây, sẽ giúp được nhiều em đến học tiếng. Nhưng thực tế, các cô gái Việt Nam, vì luôn bị đồng tiền chi phối, phần lớn họ tìm đủ mọi cách để đi làm, không chú trọng đến việc học tiếng và lo cho con cái. Cho dù có nhiều em đã đến Hàn 5-7 năm, ra đường vẫn không thể giao tiếp được cách hoàn hảo, con cái luôn gặp vấn đề.

Bên cạnh đó, nhiều em không thực tình trong việc lấy chồng, chỉ lợi dụng việc kết hôn để sang HQ làm việc.

Đàn ông HQ lấy vợ quốc tế, phần lớn do kinh tế kém, hoặc li dị, hoặc dị tật... Không lấy được con gái Hàn, nên đa phần họ là những người có tuổi, có mức sống thấp, hoặc có con cái có tuổi gần như là em của vợ mới. Một số cô dâu khi xem mắt chồng không được nói rõ cho biết những tình trạng này, hoặc thậm chí có nhiều cô biết rõ nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân, cố tình kết hôn vì "Kệ, cũng được!" hoặc vì có ý nghĩ sẽ bỏ trốn khi sang Hàn quốc.

Tình trạng cô dâu VN bỏ trốn khỏi nhà chồng, hoặc đòi ly dị ngày càng tăng. Khi bỏ ra ngoài, bước đầu rất bơ vơ lạc lõng. Khi còn đi học, trên xe điện ngầm, tôi có gặp 1 cô gái VN khá trẻ. Cô cho tôi biết vừa sang được 2 tháng thì bỏ trốn, vì chồng là người tàn tật, mẹ chồng lại khắc nghiệt. Tiền bạc không còn nhiều, mà lại chưa kiếm được việc, buồn khổ. Cô có cho tôi xem vết rạch ở cổ tay với ý định tự tử cách đây vài ngày. Tôi cho em một ít tiền, và gọi điện cho một em khác, cũng là người bỏ trốn, và đang được chúng tôi giúp cho thủ tục xin ly dị, nhờ cho về ở chung và giới thiệu việc làm.

N.T.D, 22 tuổi, quê ở Bắc. Qua chưa được bao lâu thì bỏ trốn, đã được hơn 1 năm. Tiếng Hàn không biết lấy một câu, cùng với một người bạn đến xin học nhưng giấu kín điạ chỉ, số điện thoại, cũng như hoàn cảnh. Qua người bạn, tôi biết được rằng D. đang ở cùng một anh công nhân hợp tác lao động như vợ chồng. Dẫu biết như thế là không được, D. vẫn không thể tách ra, vì bơ vơ, vì tiền bạc, vì mắc nợ sự cưu mang của anh khi mới gặp. D. luôn thẩn thờ, đau đầu khi nghĩ về số phận... Và ngại chúng tôi sẽ can thiệp, nên bỏ học khi chúng tôi biết hoàn cảnh của cô.

Maria N.T.H, 24 tuổi, quê ở Bắc, là một trong số ít người có đạo lấy chồng Hàn. Lấy chồng không lãnh bí tích Hôn Phối, được chẳng bao lâu, vì chồng già, mẹ chồng khắt khe không cho đi lễ, H. bỏ trốn gần 2 năm thì gặp chúng tôi. Tôi có giúp xin cho lãnh bí tích Hoà giải và nhắc nhở việc sống đạo, tĩnh tâm. Gần đây, phát hiện H. bắt đầu ở chung với một thanh niên công nhân lao động. Tôi gặp cả hai và khuyên nhủ mãi, mới chịu tách ra.

Trường hợp các cô dâu bỏ trốn. và số các công nhân xuất khẩu lao động, vì ở xa nhà, chuyện xáp vào chung chạ cho "đỡ tốn tiền nhà", "vì yêu nhau", "cho có bạn với người ta", "cho đỡ 'lạnh'", "có ai biết đâu"... là rất phổ biến. Việc phá thai thì như thế nào tôi không rõ lắm nhưng việc sanh con, gởi con về VN cho ông bà nuôi thì khá nhiều. Thậm chí, có khi tôi còn nghe chính các em kể về cách tán tỉnh của các anh thanh niên xuất khẩu lao động: "Chồng em già, ở với nó làm gì, bỏ ra với anh có phải tốt không?"... Cách đây vài tuần, một thanh niên Công giáo bảo tôi rằng, việc các anh thanh niên tán tỉnh và ở chung chạ như thế, hầu như là lợi dụng nhiều chứ chẳng yêu thương gì thật lòng. Dẫu nhiều khi biết thế, nhưng những cô gái bỏ ra ngoài, vẫn cứ vướng vào, vì nhiều khi không giữ được mình, nhiều khi không có con đường tốt hơn để lựa chọn...

Những cản trở khác do thiếu trưởng thành

Hiện tại, tôi đang giúp việc học thường xuyên cho hai nhóm gồm 7 em (tuổi từ 19 đến 23), mới sang HQ chưa đầy 1 đến 5 tháng. Đã là những người vợ, và có em đang sắp làm mẹ nhưng nhiều em có vóc dáng chỉ như học sinh cấp III, và tính tình cũng còn quá trẻ (trẻ con nữa là khác). Thỉnh thoảng, tôi phải nhắc nhở khéo léo từ cách nói chuyện, đi đứng ngoài đường, cách gõ cửa, rủ bạn đi học, cách sử dụng nhà vệ sinh, cách đối xử với nhà chồng và với người khác... cho mấy em này. Bảo là 'nhắc khéo' là có lý do đấy. Thứ nhất, nhiều em đến từ miền quê, nên nhiều khi còn thiếu tế nhị; hoặc mới sang, chưa thích nghi được nếp sống người Hàn. Thứ hai, là phải thận trọng bởi rất nhiều khi tôi bị 'phản kháng'.

Ở đất nước tiên tiến HQ này, người ta thấy trước được những khó khăn trong tương lai của các gia đình đa văn hóa, nên xã hội có những đầu tư khá mạnh cho việc giúp các gia đình này. Có nhiều trung tâm dạy và tư vấn miễn phí, do nhà nước trợ cấp. Không những chỉ được học, mà còn thường xuyên được lãnh quà, được tổ chức đi chơi đây đó..., nên có nhiều em rất thực dụng, tính toán. Đến với chúng tôi, ít được quà hơn, ít được đi chơi hơn, nên hễ bị sửa dạy là phản ứng liền.

Sự thiếu trưởng thành này nhiều khi cũng trở nên những cản trở trong đời sống cho các cô dâu ở gia đình và cả ngoài xã hội.
 
Cái nhìn của người làm công tác mục vụ

Theo tôi, việc những người đàn ông Hàn (dù thiệt thòi về sức khỏe hay mặt kinh tế) được kết hôn là nhu cầu căn bản cần được tạo điều kiện, và những cô dâu VN vì hoàn cảnh phải liều đi lấy chồng nước ngoài để có điều kiện sống tốt hơn, là điều đáng thông cảm. Được đến định cư ở đất nước tiên tiến như HQ, thật sự cũng có nhiều cô đã đổi đời, cả về mặt kinh tế lẫn nhận thức... Tuy nhiên, nếu các cô dâu chỉ vì tiền không thôi mà phải đánh đổi cả tương lai như kể trên, thì quả là đáng buồn và tiếc.

Tôi thường nói với những em tôi được tiếp xúc rằng, người ta phải suy nghĩ khi chọn lựa, và chỉ thay đổi chọn lựa trước khi quyết định. Một khi đã quyết định lấy chồng rồi, thì phải thật tình xem đó là gia đình, là chồng, là con mình, và phải nỗ lực mới mong có hạnh phúc được. Thử hỏi, nếu chúng ta lấy chồng ở VN, liệu chúng ta có thể giúp gì cho gia đình không? Giả như trong gia đình chúng ta có người chị dâu hoặc em dâu lúc nào cũng lo việc kiếm tiền gởi về cho ba mẹ ruột, thì chúng ta có chấp nhận không? Tất nhiên, ai lấy chồng Hàn cũng muốn giúp gia đình nhưng giúp theo kiểu 'mì ăn liền', thì chất lượng cũng chỉ là 'mì ăn liền' không hơn được. Chúng ta phải sống được, phải đứng vững được, chúng ta mới có thể giúp người khác. Lấy chính người bản xứ đã khó, lập gia đình với người nước ngoài sẽ khó, và đòi hỏi phải nỗ lực hơn mấy lần. Thật ra, HQ có nhiều người rất tốt, cũng sẵn sàng giúp gia đình chúng ta, nhưng nếu đừng quá lo kiếm tiền, thật lòng xây dựng hôn nhân, thì cũng không phải là không có cơ hội để sống hạnh phúc, và có thể giúp gia đình trong tương lai...

Ước mong rằng các bậc cha mẹ cũng nhận ra được sự sai lầm, khi nghĩ rằng gả con cho người Hàn là để mong con trở thành chiếc phao cho gia đình. Nhưng nếu thật sự nghĩ về tương lai các cô, xin giúp các cô có một chọn lựa đúng cho cuộc đời. Chúng tôi gặp không ít người thỉnh thoảng lại gọi điện cho con, hôm thì ba bệnh, hôm thì ông ngoại phải nhập viện, hôm khác thì em phải nghỉ học vì không tiền... Nếu không giúp các cô khoảng 4-5 năm đầu để các cô ổn định cuộc sống của chính mình, thì tương lai các cô mất cả chài lẫn lưới không chừng.

Ước mong rằng những người mai mối hãy có chút lương tâm, nghĩ đến số phận của những con người bạc phước sắp bị mình quyến dụ. Một lần mai mối để lấy được vài chục triệu đồng, nhưng chẳng màng đến tương lai của cả hai bên gia đình, thì quả thật đó là hành vi vô trách nhiệm khủng khiếp.

Hàn Quốc 15.11.2011
Sr.Marie nttm, SPC


Trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha: 5 điều nên biết về đất nước Mông Cổ (31/8/2023)

Giáo Hội của người trẻ và cho người trẻ (2/8/2023)

Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (21/4/2023)

Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ (30/3/2023)

Công bố “Tài liệu kế hoạch” của các Giáo hội Công giáo Á châu (18/3/2023)

12 sự kiện nổi bật của Vatican và Đức Thánh Cha trong năm 2022 (23/12/2022)

Thông báo: Về việc giữ thinh lặng thánh trong thánh lễ (27/11/2022)

Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2025 (10/10/2022)

Thường huấn Linh mục 2022: Bản Ghi Nhớ (2/9/2022)

Tông hiến mới về giáo triều Roma bắt đầu có hiệu lực (8/6/2022)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn